1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Góc suy ngẫm:

Đi nữa hay thôi?

(Dân trí) - Olympic Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp một chuyến du học đắt đỏ. Chiến thắng đậm đà 5-1 trước Bangladesh và tâm lý khá vững vàng khi giáp chiến hai kẻ “chiếu trên” quả thật đáng khen. Thế nhưng, “cái được”, dẫu có, vẫn nên được đặt trong sự tương quan với đồng tiền bát gạo.

1. Thành quả thấy được từ đội bóng Olympic dự ASIAD lần này là một bàn thắng lịch sử của Công Vinh (dù nó không mang lại một ý nghĩa thực sự về kết quả), một cú hat-trick lịch sử của Thanh Bình trong một chiến thắng lịch sử (dù chỉ mang ý nghĩa đá xong để về nhà). Cái gì đầu tiên cũng ngọt ngào và ham hố cả.

 

Asian Games (ASIAD) là sân chơi lớn nhất của thể thao châu Á, nhưng chỉ là sàn đấu thứ yếu của môn bóng đá. Ở đó, các đội bóng tung ra đội hình Olympic (U23+3), thậm chí chưa hẳn là lực lượng mạnh nhất ở độ tuổi U23 vì các cầu thủ hàng đầu vẫn đang phải chinh chiến ở các giải VĐQG. Dù đoàn bóng đá bao giờ cũng đông nhất, chiếc huy chương cũng chỉ được tính “hệ số 1”. Xét về mặt thành tích, bóng đá không khác gì billards, teakwondo, bơi lội hay các nội thi đấu cá nhân khác.

 

Và cái khập khiễng đầu tiên nằm ở đó, khi chi phí cho một đội bóng cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần cho một cá nhân tham dự môn khác, cốt cũng chỉ đánh đổi một cái huy chương. Bóng đá vẫn được ưu tiên dù nó đã có hẳn một sân chơi số 1: Asian Cup. Đơn giản vì nó là môn thể thao vua, được quần chúng quan tâm nhất trong tất cả, nên thôi đành cắn răng cho nó nếu nó mang lại thành tích.

 

Nhưng khi cử đội bóng đi đấu đá, mà không đặt mục tiêu nào thay vì thắng một trận an ủi thì càng nên cân nhắc kỹ bởi đồng tiền chi cho bóng đá hoàn toàn có thể san sẻ được rất nhiều gánh nặng cho các đoàn khác, vốn có khả năng giành huy chương hoặc nằm trong lộ trình Olympic.

 

2. Ông HLV trưởng ĐT Olympic này đã từng tuyên bố đến Doha không chỉ để thắng Bangladesh. Dẫu vào thời điểm đó ông nói chưa chắc đã có nhiều người tin (và do đó không ai “kết tội” ông là không hoàn thành mục tiêu), nhưng điều đó cho thấy Olympic VN đang lẫn lộn giữa việc “đi học” và đi đánh đấm.

 

Và cũng cái sự nhập nhằng đó, trước mỗi trận đấu ai cũng xuề xoà cho rằng kết quả không quan trọng, chỉ cần “đá sao coi được”. Nhưng vì tính chất ăn thua nên từng cầu thủ áo đỏ vẫn lao vào trận với tất cả sức mạnh của mình. Ta đánh lừa nhau bằng cái mục đích không rõ, để xả trạng thái cho nhau và cùng nhau hy vọng những bất ngờ.

 

Và cái khó khi đánh giá ở đây là: nếu xác định đi đấu đá thì ta đã thất bại (thua hai trận và thắng trận thủ tục), còn nếu xác định là một chuyến đi học thì quả là quá đắt đỏ bởi ta mang tiền từ cây lúa sang tiêu một đất nước tiêu tiền “trời cho” từ những thùng dầu chưa thấy đáy. Chúng ta sẵn sàng chi bạo cho một chuyến đi học với các đối thủ chưa tung hết sức, rồi kể nghèo kể khổ bởi chẳng đủ tiền chi cho những môn đi đấu thật sự. Đó đã phải là một khoản chi hiệu quả và có tính toán?

 

3. Chúng ta cứ khen Thái Lan và Singapore giàu tham vọng khi vẫn chày cối bám giải ASIAD. Và quả họ tham vọng thật, nhưng Singapore thì có tiền để nuôi tham vọng, còn Thái Lan có vừa có tiền, vừa có cơ sở để biến tham vọng thành hiện thực.

 

Người Thái vừa thắng ngọt cả 3 trận để thẳng tưng vào vòng sau, điều mà ta mơ cũng chẳng được. Và ở kỳ ASIAD trước, khi cả nước xuýt xoa hay tin tuyển ta lập kỳ tích cầm hoà UAE thì đội bóng đó sau đó dễ dàng bị Thái đè bẹp đến 3 bàn. Cũng ở giải đó, người Thái đánh ta tan nát cũng ngần đó bàn thua.

 

Chúng ta cứ nói nếu không đi Doha lần này thì có lẽ ta vẫn nghĩ ta sẽ thua Bahrain 0-4, và thua Hàn Quốc với số bàn thua tương tự. Nhưng đó là cái mà một số người tô vẽ, bởi cái đội Bahrain không mạnh đến thế, và cả đội Hàn Quốc cũng không có những cá nhân hàng đầu. 8 năm trước, ta thua 0-4 trước đội Hàn Quốc sau đó đoạt hạng tư thế giới, chứ không phải đội trẻ Hàn Quốc của hiện tại.

 

Thực chất, đội Bahrain hay Hàn Quốc ở giải này không quá là ghê gớm nếu đem so với Olympic Cameroon, Olympic Phần Lan (Cup BV) hay Olympic Iran, Olympic Australia (Cup Mùa xuân). Nhưng rõ ràng, chi phí cho các giải đấu này không giống nhau. Còn đối thủ Bangladesh, đội bóng đã chơi tử thủ để chỉ lọt lưới 8 bàn sau hai trận đầu, đã tự thể hiện mình ngang tầm với Lào, Campuchia hay giỏi lắm là Myanmar của ĐNÁ.

 

Do đó, đem những kết quả này (cộng với cái mác lịch sử của ASIAD) ra làm thước đo cho sự tiến bộ e rằng mơ hồ và khập khiễng lắm thay.

 

4. Nói rằng ASIAD là cuộc sát hạch cuối cùng cho AFF Cup hay Asian Cup cũng có phần khiên cưỡng, bởi sau chuyến đi này, nhiều tên tuổi nữa sẽ dược bổ sung trong cuộc “tái khởi động” cho ĐTQG - ĐT tham dự hai giải đấu nói trên.

 

Vậy, rốt cục, mục đích cụ thể của chuyến đi này là gì (nếu không phải là những câu khẩu hiệu chung chung nghe đến chán tai: học hỏi, cọ xát để tiến bộ)?, Và hiệu quả của nó đã đáng với đồng tiền bỏ ra hay chưa, khi mà rất nhiều môn thể thao trọng điểm vẫn đang ngoắc ngoải vì tiền?

 

Hãy sòng phẳng với nhau!

Tiêu Minh Huấn