DNews

"Việt Nam không cần đầu tư tốn kém cho SEA Games, cần hướng đến châu lục"

H. Long

(Dân trí) - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT, cựu trưởng đoàn thể thao Việt Nam nhiều kỳ đại hội, ông Nguyễn Hồng Minh đã chia sẻ thú vị về đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 32.

"Việt Nam không cần đầu tư tốn kém cho SEA Games, cần hướng đến châu lục"

Vị trí số một ở SEA Games 32 cho thấy thể thao Việt Nam phát triển bền vững

Tôi hoan nghênh và chúc mừng đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu HCV so với đề ra ban đầu với 136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ. Đây là lần đầu tiên đoàn Việt Nam giành vị trí số một ở một kỳ SEA Games được tổ chức ở nước ngoài. Hai lần trước chúng ta dẫn đầu đều ở kỳ đại hội được tổ chức ở Việt Nam, đó là SEA Games 2003 và 2022.

Nhiều người cho rằng khi SEA Games được tổ chức ở nước nhà thì đoàn thể thao Việt Nam có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Còn ở nước khác, chúng ta có thể thiếu một trong ba yếu tố đó. Thế nhưng, chúng ta đã xuất sắc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ trước lúc lên đường sang Campuchia. Đó là thành tích đáng khen ngợi.

Việt Nam không cần đầu tư tốn kém cho SEA Games, cần hướng đến châu lục - 1

Nguyễn Thị Oanh xuất sắc giành 2 HCV trong vòng 20 phút (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Những người yêu mến thể thao và cá nhân tôi rất hoan nghênh, trân trọng và cảm phục sự nỗ lực của đoàn thể thao Việt Nam, các vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) và các cán bộ quản lý. Tất cả cùng chung sức để giúp thể thao Việt Nam gặt hái được thành công.

Điều đó còn có ý nghĩa hơn ở chỗ, một số môn thế mạnh của chúng ta như bắn súng, bắn cung, đua thuyền… đều không được đưa vào chương trình thi đấu ở SEA Games 32. Bên cạnh đó, chúng ta còn gặp khá nhiều bất lợi từ quy định của nước chủ nhà. Đơn cử như việc ở các môn võ, nước chủ nhà Campuchia được đăng ký 100% nội dung, trong khi các đoàn thể thao khác chỉ được đăng ký 70%.

Bên cạnh đó, Campuchia còn bỏ nội dung thi của nữ ở môn Thể dục dụng cụ hay không cho phép Việt Nam (Thái Lan, Indonesia, Malaysia) tham gia nội dung cầu lông hỗn hợp. Điều này đã hạn chế nội dung, phạm vi thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam.

Điều đó dẫn tới việc hạn chế số lượng huy chương của chúng ta. Ngoài ra, tôi cũng muốn nói tới một vài tác động khác như việc chủ nhà Campuchia đổi lịch thi đấu hay thời tiết khắc nghiệt trong quá trình thi đấu.

Việt Nam không cần đầu tư tốn kém cho SEA Games, cần hướng đến châu lục - 2

Những VĐV Việt Nam nỗ lực giành tấm HCV SEA Games (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trong điều kiện như vậy, các VĐV của chúng ta đã xuất sắc vượt qua những trở ngại để giành vị trí dẫn đầu ở SEA Games. Đó là điều rất đáng khen ngợi.

Thành công của đoàn thể thao Việt Nam chứng tỏ sự ổn định trong thành tích của chúng ta ở đấu trường SEA Games. Năm 1989, Việt Nam trở lại ở kỳ SEA Games 15 tại Kuala Lumpur, chúng ta có 40 VĐV tham gia và giành được 3 HCV ở môn bắn súng. Tới SEA Games 1997 ở Jakarta, Việt Nam giành vị trí thứ 4 với 35 HCV. Bắt đầu từ SEA Games 2003, chúng ta đã vươn lên thứ nhất với 156 HCV.

Từ năm 2003 tới nay, thể thao Việt Nam luôn giữ vị trí trong top 3 đoàn mạnh nhất. Chúng ta từng vươn lên thứ hai ở kỳ SEA Games 2009. Giờ đây, Việt Nam đã vươn lên số một ở hai kỳ SEA Games liên tiếp. Điều đó chứng tỏ là trình độ của thể thao Việt Nam, lực lượng VĐV Việt Nam đã ổn định về mặt thành tích trên đấu trường SEA Games. Có thể khẳng định, chúng ta là một nước mạnh về thành tích thể thao ở khu vực Đông Nam Á.

34 năm trôi qua kể từ kỳ SEA Games đầu tiên, thể thao Việt Nam đã khẳng định vị thế. Từ chỗ hòa nhập trở lại, chúng ta trở thành đoàn thể thao vững mạnh, luôn có mặt trong top đầu khu vực Đông Nam Á.

SEA Games không đánh giá đúng thực lực của các đoàn thể thao

SEA Games là giải đấu để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và nâng cao trình độ thể thao cho các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, tôi cũng phải thừa nhận rằng trình độ thể thao ở khu vực Đông Nam Á nhìn chung rất thấp so với châu lục và thế giới. Vì vậy, cách tổ chức, sắp xếp lịch thi đấu SEA Games có khá nhiều mặt trái.

Trong mỗi kỳ SEA Games, nước chủ nhà đều thay đổi chương trình thi đấu, đưa vào các môn thể thao thế mạnh của mình và loại các môn mạnh ở các nước khác. Mặt trái đó làm chậm quá trình phát triển của thể thao Đông Nam Á so với tầm châu lục và thế giới, nhất là ở các môn thi đấu Olympic.

Việt Nam không cần đầu tư tốn kém cho SEA Games, cần hướng đến châu lục - 3

Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng thành tích ở SEA Games không phản ánh đúng thực lực của các đoàn thể thao.

Ở góc độ nào đó, với cách sắp xếp, quy trình thi đấu như ở SEA Games, tôi cho rằng rất khó để đánh giá đúng thực lực của các đoàn thể thao. Bởi vì năm nay chương trình thi đấu thế này nhưng hai năm sau lại áp dụng chương trình khác.

Ở mỗi kỳ SEA Games, các môn thi đấu (tùy từng đại hội) thay đổi khoảng 30%, thậm chí là 40-45%. Điều đó làm cho các nước khó ổn định phát triển thể thao và ảnh hưởng nhiều tới quá trình chuẩn bị và tham gia thi đấu của các VĐV ở mỗi kỳ SEA Games.

Chính vì điều này, thành tích ở SEA Games không đánh giá khách quan và không phản ánh được thực lực của các đoàn thể thao. Do đó, các vị trí xếp hạng không phản ánh trung thực trình độ của các đoàn.

Đã đến lúc, SEA Games cần xây dựng hệ thống ổn định, để phát triển chương trình thể thao đồng bộ với ASIAD và Olympic. Điều đáng buồn là những mặt trái của SEA Games đã tồn tại qua nhiều thập kỷ.

Nhìn vào thành tích thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam, chúng ta cần nhìn thẳng một thực tế rằng chúng ta đã trải qua một thời gian dài bị lệ thuộc vào chương trình thi đấu này. Do đó, chúng ta luôn bị động trong công tác chuẩn bị. Thành tích của các VĐV Việt Nam cũng không phản ánh hết thực lực cũng như những mặt mạnh, mặt yếu của chúng ta.

Đặc biệt, ở các môn thể thao Olympic, trình độ của các nước trong khu vực Đông Nam Á rất thấp. Một số nước ở Đông Nam Á chỉ có một vài môn thế mạnh có thể cạnh tranh ở Olympic. Tôi có thể lấy ví dụ như Indonesia có cầu lông, cử tạ, Thái Lan mạnh boxing, cử tạ, Singapore lại rất giỏi bơi lội. Trình độ của một số cá nhân ở nước này đạt tới trình độ có thể giành huy chương Olympic hay ASIAD.

Nhìn vào thực tế, số lượng huy chương của các nước Đông Nam Á ở các giải đấu châu lực và thế giới còn hạn chế. Thông thường ở Olympic, các nước trong khu vực giành 2-3 HCV, còn ở ASIAD rơi vào khoảng 7-12 HCV. Nói vậy để thấy, trình độ thể thao ở Việt Nam hay Đông Nam Á rất thấp.

Việt Nam không cần đầu tư tốn kém cho SEA Games, cần hướng đến châu lục - 4

SEA Games có khá nhiều mặt trái, ảnh hưởng tới sự phát triển của các đoàn thể thao (Ảnh: Tiến Tuấn).

Thể thao Việt Nam không nên lệ thuộc vào SEA Games

Khoảng 15-20 năm trước, tôi có kiến nghị rằng thể thao Việt Nam nên kiên trì, tập trung vào phát triển các môn thể thao Olympic. Sau một thời gian dài thống nhất quan điểm, chúng ta đã gặt được trái ngọt. Ở SEA Games 2015 tại Singapore, Việt Nam đã chứng minh được sự phát triển đúng hướng.

Năm đó, các môn thể thao Olympic chiếm khoảng 73-76% tổng số huy chương ở đoàn thể thao Việt Nam. Môn bơi giành được tới 11 HCV, thể dục dụng cụ cũng có 11 HCV. Đấu kiếm, đua thuyền, cử tạ đều thành công. Đó là năm thấy rõ nhất kết quả các môn Olympic của Việt Nam.

Sau đó, chúng ta tiếp tục phát triển và duy trì mức ổn định cho tới hiện tại. Sau năm 2015, điền kinh Việt Nam luôn chiến thắng trước Thái Lan. Ở SEA Games 32, chúng ta lại thua Thái Lan vì một vài yếu tố khách quan. Việc điền kinh Việt Nam thắng Thái Lan ở ba kỳ SEA Games liên tiếp trước đó, tôi cho rằng đó là tiến bộ vượt bậc.

Việt Nam không cần đầu tư tốn kém cho SEA Games, cần hướng đến châu lục - 5

Dù đứng thứ nhất toàn đoàn ở SEA Games 32 nhưng thể thao Việt Nam lại không thi đấu thành công ở các môn Olympic (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tại Olympic Tokyo 2020 diễn ra ở Nhật Bản, Philippines giành 1 HCV (Hidilyn Diaz, cử tạ 55kg nữ), 2 HCB (Carlo Paalam và Nesthy Petecio, boxing nữ, hạng cân 54kg và 57kg) và 1 HCĐ (Eumir Marcial, boxing nam hạng cân 75kg)

Thái Lan cũng giành được 1 HCV (Panipak, taekwondo nữ) và 1 HCĐ (Sudaporn, boxing nữ). Indonesia có 1 HCV (cầu lông đôi nữ), 1 HCB (cử tạ hạng cân 61kg nam) và 3 HCĐ (cầu lông đơn nam, cử tạ hạng cân 73kg và 49kg nữ).

Trong khi đó, đoàn thể thao Việt Nam và Singapore trắng tay ở Olympic 2020 dù cả hai quốc gia này đều giành HCV ở Olympic Rio 2016, nhờ dấu ấn của Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) và Schooling (bơi lội).

Ở môn Thể dục dụng cụ, trước đây chúng ta rất mờ nhạt nhưng giờ đây đã khẳng định được vị trí hàng đầu ở Đông Nam Á và đã có huy chương thế giới và châu lục. Ngoài ra, chúng ta cũng đứng đầu ở môn aerobic.

Cử tạ, bắn súng Việt Nam đều có huy chương Olympic. Boxing cũng có huy chương bạc thế giới của Nguyễn Thị Tâm hay những võ sĩ khác như Vương Thị Vỹ hay Lừu Thị Duyên đều có huy chương ở cấp độ châu Á. Môn đua thuyền đã vượt qua trình độ Đông Nam Á và tiến đến cạnh tranh huy chương ở châu lục.

Hay trong kỳ SEA Games 32, bóng chuyền nữ Việt Nam đã thi đấu ngang ngửa với Thái Lan. Đó là sự tiến bộ bởi vì Thái Lan nằm trong top 6 đội bóng chuyền nữ mạnh nhất thế giới.

Bóng rổ từng được xem là bộ môn chậm phát triển, ít quan tâm ở Việt Nam nhưng tới năm 2010 tới nay, phong trào bóng rổ phát triển rực rỡ. Ở SEA Games 32, bóng rổ Việt Nam đã xuất sắc giành HCV nội dung 3x3.

Những môn thể thao mà chúng ta giành được HCV ở SEA Games 32 như cờ ốc (2 HCV), Kun Khmer (5 HCV), Kun bokator (6 HCV), võ gậy (2 HCV), lặn (14 HCV)… đều không có mặt ở ASIAD hay Olympic. Điều đó đồng nghĩa với việc các huy chương chỉ mang ý nghĩa ở khu vực Đông Nam Á và không thể nâng cao thành tích thể thao Việt Nam ở tầm châu lục và thế giới.

Vượt lên trên tất cả, chúng ta trân trọng, cảm phục những nỗ lực hết sức mình của những VĐV ở SEA Games vừa qua. Trong đó, nhiều người đã gây ấn tượng, xúc động cho người hâm mộ như đội tuyển bóng đá nữ hay những VĐV Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền ở môn điền kinh, Phạm Thanh Bảo, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Huy Hoàng ở môn bơi lội, cặp đôi Trần Mai Ngọc và Đinh Anh Hoàng ở môn bóng bàn, đội bóng chuyền nữ Việt Nam, đội bóng rổ 3x3 hay các võ sĩ các môn Taekwondo, karate, thể dục dụng cụ (Nguyễn Văn Khánh Phong đánh bại nhà vô địch thế giới Carlos Yulo)…

Thành tích của thể thao Việt Nam ở một số môn thể thao Olympic tại SEA Games 32:

Điền kinh: 12HCV, 17 HCB, 5 HCĐ (không đạt chỉ tiêu đề ra là 14-18 HCV).

Bơi lội: 7 HCV, 4 HCB, 7 HCĐ (không đạt chỉ tiêu đề ra là 8 HCV).

Boxing: 2 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ (hoàn thành chỉ tiêu).

Đấu kiếm: 4 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ (hoàn thành chỉ tiêu).

Bóng bàn: 1 HCV, 3 HCĐ (vượt chỉ tiêu).

Thể dục dụng cụ: 4 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ (hoàn thành chỉ tiêu).

Taekwondo: 5 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ (hoàn thành chỉ tiêu).

Karate: 6 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ (hoàn thành chỉ tiêu).

Cử tạ: 4 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ (hoàn thành chỉ tiêu).

Họ là những bông hoa đẹp nhất của thể thao Việt Nam. Tôi nể phục tinh thần chiến đấu của họ, sẵn sàng vượt qua nghịch cảnh để mang về thành tích tốt cho nước nhà. Thế nhưng, chúng ta không có nhiều VĐV có thể vươn tầm và gặt hái được huy chương ở đấu trường châu lục.

Thành tích cao nhất của thể thao Việt Nam là giành 5 HCV ở ASIAD 2018 tại Indonesia (trong đó có 1 HCV của Quách Thị Lan được đôn lên sau khi VĐV Kemi Adekoya dương tính với doping).

Chúng ta có một vài nội dung có thể giành huy chương ở ASIAD 2023 như đua thuyền, điền kinh, cử tạ và một số môn võ thuật. Thế nhưng, cần nói thêm rằng, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines đều có huy chương ở Olympic Tokyo 2020 (tổ chức năm 2021). Trong khi đó, chúng ta không giành được huy chương nào. Đó là điều đáng lo ngại.

Tôi hy vọng các nhà quản lý thể thao cần nhìn vào thực tế ấy để vạch hướng đi đúng đắn. ASIAD 2023 ở Hàng Châu chỉ còn 4 tháng. Chúng ta có quá ít thời gian để chuẩn bị.

Ngoại trừ bắn súng không tham dự SEA Games và vẫn có khả năng cạnh tranh huy chương ở ASIAD thì chúng ta cần nỗ lực ở các môn như điền kinh, bơi và boxing. Còn các môn võ như Taekwondo, Karate, Judo, chúng ta cũng có một vài nhân tố có thể tiếp cận được huy chương ở ASIAD. Thế nhưng, việc giành HCV ở các môn nói trên là vô cùng khó khăn.

Việt Nam không cần đầu tư tốn kém cho SEA Games, cần hướng đến châu lục - 6

Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng thể thao Việt Nam không nên lệ thuộc vào SEA Games mà cần tập trung phát triển các môn thi đấu Olympic hoặc ASIAD (Ảnh: Tiến Tuấn).

Quay trở lại vấn đề, 15-20 năm qua, chúng ta tranh luận với nhau rằng thể thao Việt Nam không nên lệ thuộc vào đấu trường SEA Games mà chỉ xem đây là đấu trường cho các VĐV rèn luyện và cọ xát. Không quá tập trung đầu tư tốn kém tiền bạc và nhân lực vào đấu trường này.

Thay vào đó, chúng ta nên tập trung tuyển chọn, đào tạo VĐV ở các môn thể thao tầm châu lục và thế giới.

Trong chiến lược xây dựng thể thao Việt Nam sắp tới đang được xây dựng, chúng ta hướng mục tiêu tới đấu trường châu lục. Tôi cho rằng đó là chiến lược đúng đắn và phải kiên định phát triển theo hướng này.

Bởi vì sau 30 năm, chúng ta xác lập vị thế số một ở SEA Games và cần phải cố gắng tiệm cận với trình độ châu lục. Điều đó đòi hỏi quyết tâm và định hướng của các nhà quản lý thể thao. Đề án phát triển thể thao từ năm 2030-2045 đã được thảo luận và chờ Chính phủ phê duyệt.

Nguyễn Hồng Minh