Cơn “khát” nhân lực trình độ cao

Trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội HSB - MBA” do Khoa Quản trị Kinh doanh - trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, nội dung thảo luận về cơ hội nghề nghiệp cho những người tốt nghiệp thạc sĩ (MBA) thu hút được đông đảo các bạn trẻ tham gia.

Theo đó, nhu cầu nhân lực trình độ cao, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế (của các công ty, doanh nghiệp trong nước là rất lớn.

Ông Trịnh Văn Độ - Phó tổng Giám đốc phụ trách đầu tư và chiến lược, Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long cho biết: “Hiện nay các tập đoàn kinh tế rất cần nhân lực có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Doanh nghiệp muốn phát triển một cách bài bản, hệ thống, nên có MBA”.

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc khu vực, Tập đoàn Navigos phát biểu: “Xu hướng tuyển dụng nhân sự có bằng MBA ở Việt Nam đang rất cao, đặc biệt là các công ty đa quốc gia. Họ có nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ cao và toàn diện, MBA đáp ứng được yêu cầu đó.

Người tốt nghiệp MBA có thể làm việc ở vị trí cao, quản trị từ trung cấp, cao cấp trở lên”. Nói cách khác, các doanh nghiệp Việt Nam đang “khát” nhân lực có trình độ cao.

Chương trình MBA do Khoa Quản trị Kinh doanh - trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức cung cấp một cái nhìn tổng quan từ nhiều khía cạnh của doanh nghiệp, hoặc có thể hệ thống lại những kiến thức, kinh nghiệm mà học viên đã học được trước đó.

Chị Trần Thị Thu Trang - học viên lớp HSB MBA 5 chia sẻ: “Điều bổ ích tôi thu được từ khóa học là cách thức đặt vấn đề, phân tích và giải quyết vấn đề một cách chủ động, chính xác. Theo tôi, đó là cái doanh nghiệp cần ở một người quản lý”.

Với kinh nghiệm của một người lãnh đạo tập đoàn tư vấn lao động, bà Nguyễn Thị Vân Anh phân tích: “Nguồn nhân lực MBA bản địa có lợi thế rất lớn về văn hóa, ngôn ngữ. Nếu sử dụng nhân lực nước ngoài, các công ty sẽ phải trả lương rất cao mà những rào cản trên đây có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc”.

Hàng năm, số lượng MBA được đào tạo trong nước còn rất ít. Thế nên, doanh nghiệp nào muốn cạnh tranh và phát triển thì chiến dịch “săn đầu người” phải là trọng tâm.

Chị Đặng Thị Thuyết - học viên HSB MBA khóa 4, tốt nghiệp tháng 12-2007 tâm sự: “Người có trình độ MBA sẽ nổi bật lên để các công ty nhìn thấy. Chúng tôi không phải đi tìm việc mà chúng tôi có cơ hội để lựa chọn”.

Cũng theo chị Thuyết, người có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của các công ty sẽ có thu nhập cao, khoảng 600-700 USD/tháng. Sức ép của công việc không lớn, những kiến thức, kỹ năng do chương trình học MBA mang lại giúp họ giải quyết công việc một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, chương trình MBA theo tiêu chuẩn quốc tế được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Đây là cơ hội để nhân lực MBA tự tin trong giao tiếp và tìm hiểu giá trị văn hóa của nước khác. Đó cũng là một trong những yếu tố cần thiết cho lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập với thế giới.

Vậy làm thế nào để thu hút nhân tài vào doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám” hiện nay? Ông Trịnh Văn Độ đưa ra quan điểm: “Tùy từng công ty mà hình thức thu hút nhân tài khác nhau: Dựa vào văn hóa, lương... Chúng tôi luôn tạo môi trường làm việc và mức thu nhập xứng đáng với họ”.