Học nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Ngày nay, các bạn trẻ không còn chạy theo thị trường để tìm cho mình một công việc “tầm cỡ”, họ đã tự biết đánh giá năng lực bản thân để chọn cho mình một nghề phù hợp.

Kỳ 1: Chọn học nghề gì để lập nghiệp

Ngoài các nghề “hot” như sửa chữa ô tô, điện thoại, điện lạnh, điện tử,… còn nhiều nghề khác như: sửa chữa điện dân dụng, điện xí nghiệp, điện nước, sửa chữa máy may, hàn, sơn tân trang, may,… Các nghề này tuy không “hot”, không “thời thượng”, nhưng lại là những nghề mà thị trường lao động đang có nhu cầu lớn. Các nghề trên đều đang được đào tạo tại Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân, Hà Nội.

Nghề sửa chữa điện

Ngày nay, các thiết bị điện có mặt trong mọi lĩnh vực đời sống của con người nên học nghề điện không lo thất nghiệp. Nghề điện đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, chịu khó và có khả năng tư duy. Nghề điện bao gồm nghề điện dân dụng, điện xí nghiệp và điện nước, thời gian học mỗi nghề là 4 tháng. Học nghề điện dân dụng, các bạn có thể lắp đặt mạng điện nội thất, quấn các loại mô tơ, sửa các thiết bị điện như: đèn tuýt, bếp từ, nồi cơm điện,... Trong thời gian học điện xí nghiệp, học viên sẽ đọc các bản vẽ kỹ thuật điện, lắp đặt và sửa chữa mạng và thiết bị điện công nghiệp. Khoá học điện nước cung cấp kiến thức và kỹ năng thiết kế, lắp đặt mạng điện và nước nội thất. Khi tốt nghiệp, học viên có thể làm việc trong các nhà máy hoặc tự mở cửa hàng sửa chữa tại nhà.

Nghề sửa chữa máy may

Nghề sửa chữa máy may là nghề ít người biết đến, ít nơi đào tạo, và khi học xong, ít bị cạnh tranh việc làm. Sau 4 tháng học nghề này, học viên có thể sửa chữa, bảo dưỡng máy may dân dụng và công nghiệp. Máy may là thiết bị cơ khí tinh vi và phức tạp nên người thợ phải có sự kiên trì, óc quan sát và đôi bàn tay khéo léo.
Học nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động - 1

Giờ học sửa chữa máy may tại Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân

Thầy Nguyễn Huy Đức, giáo viên nghề sửa chữa máy may Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân, cho biết: “Học viên của chúng tôi ra trường đều có việc làm ngay. Nhiều em chưa học xong cũng đã được các đơn vị đến tuyển vào làm với mức lương khởi điểm hơn 2 triệu đồng/tháng. Một số em đi xuất khẩu lao động sang các nước Đông Âu với mức lương rất cao như em Nguyễn Văn Đắc, quê Thanh Hoá, sang Nga năm 2007, lương là 1.000USD”.

Nghề hàn

Nghề hàn là nghề thích hợp với các bạn nam. Nghề hàn gắn với các ngành công nghiệp như: đóng tàu, xây dựng, cơ khí, chế tạo máy,… Nghề hàn bao gồm nghề hàn điện, hàn công nghệ cao, hàn hơi và sơn tân trang, thời gian học là 4 tháng. Nghề hàn đòi hỏi sức khỏe và sự khéo léo. Ánh sáng từ ngọn lửa hàn rất mạnh, sinh nhiệt và chứa nhiều tia độc hại nên học viên phải đeo mặt nạ, mặc quần áo bảo hộ lao động và đeo găng tay. An toàn lao động phải được người thợ hàn đặc biệt quan tâm, nhất là an toàn điện và phòng chống cháy nổ. Nước ta đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên đang thiếu trầm trọng thợ hàn lành nghề. Vả lại, các nước Trung Đông vẫn đang tuyển dụng lao động nghề hàn Việt Nam với số lượng lớn.
Học nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động - 2

Thực hành nghề hàn tại Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân

Nghề cắt may

Khác với nghề hàn, nghề cắt may lại thu hút được đông đảo các bạn nữ theo học. Sau 5 tháng học, các bạn trẻ sẽ tự tay làm ra các trang phục như quần âu, áo sơ mi, đồ đầm, đồ kiểu, măng tô, áo dài,… theo catalogue của Hồng Kông, Hàn Quốc. Nghề cắt may pha trộn hài hoà giữa mỹ thuật và kỹ thuật. Khả năng quan sát, tính kiên trì, tỷ mỷ cũng là những tính cách không thể thiếu của người thợ may. Ngoài ra, người thợ may cũng phải biết ăn mặc đẹp, biết về các xu hướng thời trang thì mới có thể thiết kế các bộ quần áo trang nhã, hiện đại. Sau khi tốt nghiệp, học viên thường tự mở cửa hàng riêng.

Để chọn được một nghề phù hợp, các bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ năng lực, sở thích của chính mình và những yêu cầu, những khó khăn, thuận lợi cùng triển vọng phát triển của nghề nghiệp lựa chọn. Thành thạo một nghề, các bạn sẽ dễ dàng tạo lập sự nghiệp, gia tăng thu nhập và góp phần ổn định cuộc sống.