Học song ngành Sư phạm Kỹ thuật tại Đại học Bách khoa Hà Nội - Cơ hội việc làm nhân đôi

Trước năm 2014, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBK HN) áp dụng phương thức xét tuyển theo 7 nhóm ngành. Mỗi nhóm ngành bao gồm các ngành có đặc thù chuyên môn và lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp gần nhau.

Sau năm học thứ nhất, dựa trên kết quả học tập và chỉ tiêu cho từng ngành, sinh viên mới đăng ký nguyện vọng ngành học cụ thể (thuộc nhóm ngành trúng tuyển) để Trường xếp. Tuyển sinh năm 2015 có sự thay đổi, thí sinh chọn thẳng ngành mình muốn dự tuyển.

Học song ngành Sư phạm Kỹ thuật tại Đại học Bách khoa Hà Nội - Cơ hội việc làm nhân đôi - 1

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với PGS Trần Việt Dũng- Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật (SPKT) – ĐHBK HN về công tác tuyển sinh của Viện SPKT.

Đây là năm đầu tiên, Viện SPKT ĐHBK tuyển sinh ngành Sư phạm kỹ thuật ngay từ năm thứ nhất. PGS cho biết, ngành SPKT ĐHBK khác với ngành SPKT Đại học Sư phạm Hà nội như thế nào?

PGS Trần Việt Dũng: Mục tiêu chính của Khoa SPKT - Đại học Sư phạm Hà nội là đào tạo giáo viên dạy môn Công nghệ cho các trường phổ thông. Viện SPKT – ĐHBK đào tạo GV dạy các chuyên ngành kỹ thuật: Công nghệ thông tin (CNTT), Điện, Điện tử, Cơ khí... cho các trường Đại học, Cao đẳng kỹ thuật trong cả nước. Với phương châm đào tạo song ngành, sinh viên SPKT tốt nghiệp cũng có thể làm việc tại các doanh nghiệp như các sinh viên học từ các chuyên ngành kĩ thuật khác.

Tiêu chuẩn để trở thành giảng viên Đại học & Cao đẳng phải là những sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi, nhưng các năm trước, Viện SPKT Đại học Bách khoa thường lấy điểm chuẩn thấp nhất của ĐHBK. Vậy có mâu thuẫn với mục tiêu đào tạo ban đầu của Viện không?

PGS Trần Việt Dũng: Từ khi thành lập đến nay, do công tác quảng bá của Viện SPKT chưa làm rõ để xã hội hiểu về ngành SPKT, do đó nhiều sinh viên khi đỗ vào ĐHBK không muốn học ngành SPKT. Sinh viên của Viện SPKT nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn thấp (năm 2014 điểm chuẩn là 18) so với các nhóm ngành khác trong trường ĐHBK nhưng lại cao so với các trường khác.

Vậy làm thế nào để đảm bảo chất lượng của đầu ra ngành Sư phạm kỹ thuật?

PGS Trần Việt Dũng: Sinh viên Viện SPKT có điều kiện học “song ngành”, bao gồm ngành cử nhân kĩ thuật chuyên ngành và ngành Sư phạm kỹ thuật, trong đó, các môn kỹ thuật do các viện chuyên ngành của BKHN đảm nhiệm. Sau khi tốt nghiệp Đại học nếu đạt bằng Khá trở lên sẽ có điều kiện dự tuyển làm GV các trường Đại học & Cao đẳng kỹ thuật khác, hay làm việc như các SV chuyên ngành khác tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, nhiều em lựa chọn học tiếp để lấy bằng kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ. Một lợi thế mà các SV các ngành khác không có được là SV Viện SPKT được miễn học phí khi học các môn nghiệp vụ Sư phạm.

Trong các ngành học của Viện SPKT (Điện, Điện tử, Cơ khí, CNTT), ngành nào có triển vọng dễ tìm việc làm nhất?

PGS Trần Việt Dũng: Cơ hội tìm kiếm việc làm của các ngành trong Viện SPKT là như nhau, nó phụ thuộc chủ yếu vào kết quả học tập & phấn đấu của từng SV. Đặc biệt, các ngành đào tạo song ngành của SPKT đều là các ngành “hot” bởi thực tế xã hội đang rất cần nguồn nhân lực có trình độ cao trong các lĩnh vực Điện, Điện tử, Cơ khí, CNTT. Vì vậy, với một điểm chuẩn đầu vào không quá cao, các thí sinh có thể lựa chọn ngành SPKT để theo đuổi đam mê học các ngành kỹ thuật mũi nhọn tại trường Đại học Bách khoa Hà nội.

 

Học song ngành Sư phạm Kỹ thuật tại Đại học Bách khoa Hà Nội - Cơ hội việc làm nhân đôi - 2
Mạch Điều khiển từ xa cho Tivi thông minh - sản phẩm đề tài giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường.

Xin cám ơn PGS đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích.

 

Để biết thêm thông tin tuyển sinh ngành Sư phạm kỹ thuật, Đại học Bách Khoa Hà nội, vui lòng liên hệ:

- Địa chỉ: P402 nhà D5, trường Đại học Bách Khoa Hà nội

- Email: sepd@hust.edu.vn

- Website: http://feed.hust.edu.vn

- Hoặc liên hệ trực tiếp với bộ phận tư vấn tuyển sinh:

Thầy Hùng: 0904. 116. 405

Cô Giang: 091.575.4232