Căn chòi lá có tiếng cười trẻ con

(Dân trí) - Nghe đứa bạn sống ở thành phố về rủ rê, Phận bay bổng như muốn thoát khỏi luỹ tre làng, con đê xanh mướt và cánh đồng ngổn ngang rơm rạ, nơi ngày ngày Phận cùng mẹ lam lũ mồ hôi.

Thanh niên của làng hầu hết bỏ lên phố hoặc vào tận miền Nam xa xôi làm ăn, lập nghiệp. Chỉ có Phận là người ở lại, sớm tối làm một cô gái thuần nông, chất phác phụ mẹ nuôi em.
 
Căn chòi lá có tiếng cười trẻ con - 1


 

Hôm cái Hoa từ thành phố về, không biết làm ăn thế nào mà khi về quê đem thật nhiều quà, trong đó có chai nước hoa mua tặng Phận, bảo: “Con gái không dùng nước hoa thì mất đi vẻ quyến rũ”. Phận đưa bàn tay ra, lấy chai nước hoa xịt vào đó, hai tay chà xát với nhau rồi trầm trồ với bạn: “Quả thật nó thơm hơn dầu xả tóc hôm trước mày cho tao, mà nước hoa để làm gì nhỉ? Hay để dùng vào những tối làng mình có đoàn văn công, xịt một tý để có mùi thơm rồi đi xem…?”.

 

Những câu hỏi và hành động vụng về của Phận làm Hoa nực cười, cái hồn quê trong Phận dường như chưa phôi pha chút nào. Mà cũng đúng thôi, chỉ cách đây nửa năm, Hoa cũng là một cô gái thuần nông, đôi tay sạm đen vì nắng cháy, gót chân thì nứt nẻ như ruộng mùa hạn vậy. Thế mà sau một thời gian lên phố, mái tóc Hoa được duỗi thẳng, suôn và mềm mại, móng tay đ cắt giũa, sơn màu trông thật quý phái. Hoa đã thay đổi như cánh đồng lúa xanh đang thì con gái sau một đêm bỗng chín vàng. Phận nhìn Hoa, cái nhìn của một người hâm mộ.

 

Sau cái đêm cùng Hoa đi xem văn nghệ của một gánh hát về làng, Phận ao ước mình được như vậy: Quyến rũ và tự tin. Thế là Phận quyết thuyết phục bố mẹ lên phố. Đêm đó đầy xao xuyến, Phận không sao ngủ được. Phận nghĩ về thành phố và muốn quên đi con đường quê trơn trượt bùn lầy, mùi rơm rạ ngai ngái nồng cả mũi. Nhà trên nghe vọng tiếng người đàn bà khóc thút thít, Phận biết mẹ khóc vì mình. Dường như ánh trăng đêm đó rất sáng và tiếng ếch nhái râm ran mãi nên Phận không sao chợp mắt được. Phận nghĩ về anh chàng Sâm ở xóm dưới, đi bộ đội về, hiền khô. Mỗi lần gặp mẹ Sâm, Phận được bà săn đón, mớm lời để hai đứa đến với nhau. Sâm chỉ cười hiền lành, chất phác như khoai, lúa, nhưng chàng đôi lần đã làm nàng khó ngủ. Nàng tự nhủ, nếu mình không lên phố, vào một đêm trăng sáng nào đó, nàng sẽ bôi một ít nước hoa của con Hoa tặng và hẹn hò với Sâm…

 

Thành phố rộng, người đông. Phận theo Hoa ở chung tại một phòng trọ nằm trong con hẻm sâu hun hút. Những ngày nằm chờ việc nàng nhớ nhà da diết, khen cho con Hoa can trường, đi cả tháng trời mới về nhà một lần mà chẳng bao giờ thấy nhớ. Nàng đoán giờ này chắc bố mẹ đã về nhà, mẹ bỏ cuốc lao vào nhà bếp lấy rau ra ngồi thái cho đến tối để kịp nấu cho lợn ăn; bố sẽ nằm dài ra trên tấm phản rít thuốc lào. Còn con Linh sẽ lùa bầy vịt sau buổi chiều rúc lúa sót trên đồng về nhà. Nếu ở nhà, lúc này nàng sẽ ho sặc sụa và chảy nước mắt vì khói rơm cay xè để nấu bữa tối trong tiếng kêu xào xạc của bầy gà tìm chỗ ngủ và tiếng inh ỏi của bầy lợn đói chờ đến giờ ăn.

Phận vào làm công việc bồi bàn ở một nhà hàng, nơi Hoa làm nhân viên massage. Công việc nhẹ nhàng hơn ở quê, Phận gặp nhiều người giàu có đi trên những chiếc xe sang trọng. Họ đẹp trai và hào phóng. Có hôm nàng nhận được ít tiền khi một ông khách chơi sang đã cầm tay nàng và ép nàng lấy. Nàng tái mặt, sợ hãi nhưng nhiều lần sau như thế nào quen dần và thấy điều cho nhận ở xứ này thật giản đơn!

 

Nàng đã đôi lần nghĩ đến việc con Hoa đi sớm về khuya, điện thoại cứ reo vào những giờ người khác đã ngủ. Nàng cũng nghĩ về sự tiêu xài, sắm sửa lãng phí của Hoa, chẳng biết tiền đâu ra mà chơi sang thế. Cuối cùng nàng cũng biết con Hoa làm cái nghề mà dân quê thường gọi là làm gái, còn ở đây, theo cách gọi của nhóm tóc vàng tóc đỏ là “cave”! Nàng bắt đầu hiểu được sự đánh đổi giữa vật chất và nhân phẩm, giữa cái thuần nông hiền thục và cám dỗ của đồng tiền. Nàng sợ…

 

Ngày nhận tháng lương đầu tiên, Phận choáng ngợp với số tiền khá lớn. Với số tiền này cộng thêm tiền khách cho có thể đổi lấy không biết bao nhiêu thúng lúa, gánh khoai, cân sắn. Với mức thu nhập như thế này, có lẽ một năm sau nàng sẽ giúp bố mẹ sửa lại cái hiên nhà hay cái chái bếp, nàng cũng có thể mua nhiều thứ mà dân quê nằm mơ mới có.

 

Một lần có vị khách nhét vào túi Phận vài tờ tiền mà theo nàng nghĩ bằng cả tháng lương nàng làm và bảo nàng lên xe dạo phố. Nhiều lần như thế, nàng quen dần. Cũng từ những đêm như vậy, hình bóng anh chàng Sâm chân chất dưới quê mờ dần, nàng không buồn nghĩ tới.

 

Chưa đầy hai năm sau, Phận lột xác thành một con người mới. Ai ai cũng nghĩ nàng là con gái thành phố, thuần thục và giàu kinh nghiệm sống. Sau nhiều lần nàng về quê cũng tay xách tay cầm thật nhiều thứ. Người dân quê ác miệng bảo rằng: “Của phù du, có đi rồi lại mất”. Có người còn nói trắng ra: “Làm gái, đổi đời à. Tàn thôi”.

 

Nhiều năm sau, người làng không thấy Hoa về quê nữa. Chắc có lẽ Hoa đã thành đạt nơi thành phố, họ nghĩ thế. Còn Phận, bố mẹ dựng cho nàng cái chòi lá ở đầu làng để ở. Từ ngày nàng ôm cái bụng về làng, lời ra tiếng vào cứ làm bố mẹ nàng ngất lên ngất xuống.

Phận không biết bố đứa trẻ là ai, bố mẹ Phận cũng không hề biết, cả làng cũng thế, đó vẫn là điều người ta chờ đợi và buồn đau.

 

Riêng anh Sâm với chiếc bóng liêu xiêu trong mỗi chiều tà vẫn đi về phía căn chòi mà ai thấy cũng nặng lòng. Chẳng biết họ có sống được với nhau không, nhưng hàng ngày người làm đồng đi qua vẫn nghe thấy tiếng cười của con trẻ.

 

Y.M.S