Chủ động quá trớn

Phong là một doanh nhân thành đạt. Do quá bận rộn pha lẫn hoài nghi không biết những cô gái yêu quý anh hay săn đón tài sản nên đã 35 tuổi mà Phong vẫn chưa chọn được đám nào vừa ý.

Ngày lễ tình nhân năm ngoái, anh có tham gia một vũ hội dành cho những người độc thân và làm quen được với Vân Anh.

 

Cô khá đẹp, ăn mặc rất hợp thời trang, phong cách tự tin. Phong thích và chấm ngay vì đó là mẫu người anh vẫn mơ ước. Sau vài lần đi uống cà phê, những thông tin có được khiến anh yên tâm, muốn tìm hiểu và tiến tới.

 

Phong không ngờ, trong lúc anh đang nghĩ cách tán tỉnh cho thật ấn tượng thì “phía bên kia” lại tỏ ra sốt ruột. Vân Anh liên tục gọi điện hỏi thăm, rủ anh đi chơi. Trong hộp thư điện tử của anh đầy những e-mail của cô, chưa kể những tin nhắn trong điện thoại mà anh chưa kịp trả lời hết. Anh cảm thấy mất hứng, rồi đâm ra sợ. Thế là bao nhiêu dự định nhằm chinh phục người đẹp tiêu tan.

 

Cưới mà như mếu

 

Xưa nay, trên thế giới, dường như việc nói lời cầu hôn được xem là đặc quyền của phái nam. “Cơ chế xin - cho” chính là ưu thế của phái nữ. Thế nhưng, không ít cô gái thời nay đã tự đánh mất “quyền lực” trời cho ấy. Chuyện của Thuỷ Phương là ví dụ.

 

Cô quen chàng trai tên Hào được vài tháng. Hào là dân tỉnh lẻ, sau khi tốt nghiệp đại học hạng ưu được giữ lại trường và đang học cao học. Thế nhưng, Thuỷ Phương liên tục gợi ý chuyện cưới xin. Sau mấy lần phân tích và “khất” người yêu không được, cuối cùng họ phải chia tay.

 

Có không ít cô gái không đủ tự tin lại tự đẩy mình “rớt giá” kiểu cầu cứu cha mẹ can thiệp vào mối quan hệ yêu đương. Sắp đến ngày “trọng đại” của đời mình mà mặt mũi Nam cứ méo xẹo. Thì ra, Nam và cô dâu yêu nhau gần một năm nhưng anh chưa muốn cưới vì còn khó khăn về kinh tế.

 

Thế nhưng, Quỳnh Trang, người yêu anh, sau nhiều lần gợi ý không thành đã nhờ cha mẹ can thiệp. Khi nghe Nam trình bày hoàn cảnh, tưởng cha mẹ vợ tương lai sẽ thông cảm, ai ngờ ông bà khoát tay bảo “chuyện nhỏ” và tuyên bố nhà gái sẽ bao hết, kể cả nữ trang và tặng thêm miếng đất. Không còn lý do để từ chối nhưng Nam là người đầy tự trọng nên đành cười như mếu để nhà gái cưới chồng.

 

Thật ra, dù riêng tư hay công khai thì tình yêu vẫn luôn là chuyện của hai người và mức độ tiếp nhận tình cảm tùy thuộc vào người trong cuộc. Điều quan trọng không phải ở cách thức mà ở chính trái tim.

 

Theo giáo sư tâm lý Tương Lai, với nếp nghĩ của người Á Đông, sự chủ động quá trớn đôi khi khiến nhiều chàng trai cảm thấy bị tước mất vai trò chinh phục. Họ dễ thấy cô gái mình yêu như một món hàng được chào mời quá nồng nhiệt, sinh tâm lý ngán ngại, mất hứng thú, bị lệ thuộc và họ dễ bỏ chạy.

 

Bản tính của phái mạnh là ưa được chinh phục chứ không thích bị “bao vây”. Dù cho xã hội có phát triển đến đâu thì người phụ nữ khôn ngoan vẫn chỉ nên chủ động ngầm, có thể biểu hiện sự cảm mến một cách khéo léo, có duyên. Đó cũng là cách mà phái nam dễ dàng bị “đổ” nhất.

 

Theo Người Lao Động