Lấy chồng cho bằng bạn bằng bè

Nhiều cô gái gọi điện đến đường dây tư vấn hỏi: "Em sắp cưới rồi mà vẫn băn khoăn không biết mình có yêu chồng không?". Họ đa số là những người vội vã kết hôn vì thấy mình còn lẻ loi khi bạn bè đã yên bề gia thất.

26 tuổi, đang làm kế toán trong một doanh nghiệp ngành Bưu chính ở Hà Nội, Liên khá xinh xắn và dễ mến. Thế nhưng, bao chàng trai đến, Liên đều không để ý, lại phải lòng một anh chàng hoàn toàn dửng dưng với mình.

 

Mối tình đơn phương ấy làm Liên hy vọng, day dứt mấy năm trời. Cho đến khi 4 cô bạn thân lần lượt yên bề gia thất, có đứa đã con bồng, Liên mới giật mình, thấy hoang mang vì sự cô đơn, trống trải.

Rồi Hà, người bạn mới quen trong đám cưới cô bạn thân đã có ý và ngỏ lời với Liên. Sau một tháng do dự, cô gật đầu. "Thôi, cứ cho mình một cơ hội, chứ cuộc sống như thế này thì chán quá. Mình cũng muốn có một gia đình hạnh phúc như bạn bè, đằng nào cũng phải lấy chồng", Liên tâm sự.

 

Đôi lúc, cô cũng băn khoăn, sợ mọi thứ đến quá nhanh, khi hai người mới quen nhau chưa đầy 4 tháng. Cô cũng không biết mình đã yêu người sắp thành chồng chưa.

 

Cũng mang tâm trạng này, chị Huyền, kỹ thuật viên tại một nhà in ở Hà Nội quyết định chuyện hệ trọng đời mình cũng chỉ vì không muốn phải bơ vơ khi bạn bè xung quanh đều đã có bến đỗ. 30 tuổi, Huyền rất sắc sảo, xinh đẹp và được nhiều người theo đuổi. Nhưng, mối tình đầu tan vỡ từ thời sinh viên cứ ám ảnh chị mãi, khiến Huyền không thể chấp nhận người đàn ông khác. Bạn bè trong lớp mỗi lần họp mặt lại không khỏi ái ngại cho cô hoa khôi đa cảm vẫn đi về lẻ bóng. Nhưng cái tin Huyền đi lấy chồng - một anh chàng kỹ sư thuỷ lợi có vẻ ngoài già dặn, điềm đạm - lại khiến họ lo hơn mừng.

 

Hỏi vì sao gật, Huyền cười buồn bảo vì thấy "ông ấy hiền, lại quan tâm chân thành đến mình". Nhưng sắp đến ngày cưới, bạn bè vẫn chẳng thấy cô dâu tương lai có vẻ gì háo hức hay vui mừng. Huyền tâm sự với người bạn thân: "Tao chả thấy yêu tí nào, có lẽ lấy nhau rồi phải cố kính trọng chồng mà sống cho bình yên thôi".

 

Theo Thạc sĩ Quách Thị Quế, chuyên viên tư vấn đường dây Hạnh phúc gia đình thuộc Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, nhiều cô gái ngấp nghé tuổi băm hoặc thấy bạn bè có gia đình hết, cảm thấy trống trải, hoang mang và cũng muốn nhanh chóng tìm một bến hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng vì thế, nhiều người đã quá vội vã kết hôn khi mới hiểu rất ít về nửa kia và chưa xác định rõ tình cảm của mình.

 

Theo bà, nếu kết hôn không xuất phát từ tình yêu, hoặc đến với nhau quá nhanh mà chưa hiểu kỹ, khi bước vào cuộc sống chung, vợ chồng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tất nhiên, nếu mọi việc suôn sẻ, hai người cùng cố gắng hòa hợp, may mắn, họ sẽ có cuộc sống gia đình êm ấm. Tuy nhiên, nếu có bất trắc nảy sinh, họ khó vượt qua hơn vì tình yêu chưa đủ lớn. Có tình yêu, người ta dễ cảm thông, chia sẻ và hy sinh cho nhau. Và đó cũng là những yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

 

Câu chuyện của một chàng trai 34 tuổi tên Quang, gọi điện đến đường dây tư vấn 1900585877 là một ví dụ. Quang tự lập từ nhỏ vì cha mẹ mất khi anh mới ngoài 20 tuổi. Anh ở một mình từ đó và sống rất gắn bó với một nhóm bạn thân từ thời phổ thông. Nhưng rồi bạn bè lần lượt lấy vợ, lấy chồng. Nhìn cảnh Quang sớm khuya một nồi một mâm, họ thương cảm, khuyên anh nên lấy vợ để có người chia sẻ.

 

Qua người bạn gái giới thiệu, anh làm quen với Dịu, một giáo viên cấp 3 ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng vừa bước sang tuổi 30. Ban đầu, Quang còn băn khoăn vì Dịu có ngoại hình rất nhỏ nhắn, lại yếu ớt. Nhưng sau được bạn động viên: "Lấy chồng rồi, đẻ xong, nó lại béo khỏe ra ngay ấy mà", chàng đồng ý lấy nàng. Từ lúc quen đến khi đám cưới diễn ra chỉ vẻn vẹn 3 tháng.

 

Cưới xong, Quang mới biết, vợ anh bị vôi hóa cột sống. Ngoài đi dạy, cô không làm được bất cứ việc gì trong nhà. "Thật ra, tôi không ngại làm việc nhà, chăm sóc vợ. Nhưng khi lấy nhau, mình chưa thực sự yêu, mong lấy cô ấy về để có người chia sẻ, giúp đỡ. Giờ thế này, thấy như mình bị lừa, bị đổ gánh nặng nên cảm giác rất khó chịu, mệt mỏi", anh tâm sự.

 

Vợ Quang đang mang thai tháng đầu. Cuộc sống hai người vẫn bình thường, không có cãi vã, mâu thuẫn gì nhưng anh cảm giác mình bị áp lực quá lớn và thấy khó chung sống cả đời.

 

Theo bà Quế, thật ra, nếu có tình yêu và tìm hiểu trước về nhau, Quang đã không rơi vào tâm trạng bế tắc này.

 

Sự ràng buộc vì trách nhiệm khiến người ta không cảm thấy hạnh phúc, tự nguyện chia sẻ và hy sinh cho người bạn đời. Khi bước vào tuổi chín chắn, các bạn trẻ ít khi kết hôn vì những rung động cảm tính. Điều này có mặt tích cực là họ nhìn nhận, phân tích cuộc sống thực tế hơn nên sẽ không bị "sốc" sau kết hôn vì trước đó mộng tưởng quá nhiều.

 

Tuy nhiên, nếu lấy nhau lại vì những lý do khác mà không có tình yêu, phải toan tính, so sánh, người ta rất khó dung hòa, chấp nhận để chung lưng đấu cật, vượt qua những sóng gió của hôn nhân để cập bến hạnh phúc.

 

Theo Minh Thuỳ

VNExpress