Góc tâm hồn

Người thương binh làng tôi

(Dân trí) - Người thương binh ấy tên là Đạo, gầy gò và bị mù một bên mắt. Lũ trẻ con xóm tôi thuở ấy cứ nhìn thấy chú là lại gào toáng lên: “Lão chột! Lão chột chúng mày ơi!”, rồi ù té chạy.

Có lần mẹ thấy tôi chạy theo lũ trẻ con giễu “lão chột”, liền lôi xềnh xệch tôi về, đánh cho một trận nên thân, bắt tôi hứa từ nay về sau không được trên đùa người đàn ông khốn khổ đó nữa.

 

Mẹ kể, chú Đạo ngày xưa đi chống Mỹ bị bom làm hỏng mất một bên mắt. Ở nhà thì mẹ và hai đứa em nhỏ đều bị bom đánh chết cả. Chỉ còn người cha già nua ốm yếu, sau giải phóng được vài năm cũng mất. Hòa bình, chú lấy vợ. Tưởng được sống yên ổn nào ngờ sinh con toàn những quái thai, dị hình dị dạng, sống chẳng được lấy một năm. Đi khám mới biết là do chú bị nhiễm chất độc màu da cam. Vợ chú vì quá đau khổ, tiều tụy dần rồi cũng bỏ chú mà đi. Không biết có còn ai đau khổ hơn chú.

 

Nhìn cảnh nhà không đặng, chú xin xã ra ngoài rìa làng, cải tạo khu đầm lầy làm ao thả cá, trồng sen, mong công việc nguôi đi phần nào những khổ đau. Mẹ kể, chú nghèo khổ vất vả vậy mà sống tình nghĩa lắm. Bắt được cá hay thu hạt sen về lại đem đi biếu những nhà có hoàn cảnh khó khăn.

 

  lần tôi sang nhà thằng Quang lé, thấy nó vừa đun bếp, vừa say sưa đọc Tây du ký - cuốn sách mà tôi vẫn thèm có mà đọc. Nó kể, một hôm nó với một đứa nữa đi hái trộm sen nhà chú Đạo, bị chú bắt được. Thằng kia thì nhanh chân chạy được, nó bị chú dẫn vào nhà. Nó sợ tè cả ra quần. Vậy mà chú chả mắng cái gì, lại còn bảo nó thích đọc sách gì thì lấy về mà đọc. “Chao ôi! Nhà chú nhiều sách, nhiều truyện lắm”- thằng Quang bảo. Nó bảo sẽ dẫn tôi đến vì chú Đạo hiền lắm. Chú hiền thật!

 

Từ đó, lũ trẻ xóm tôi biết nên cứ vào chỗ chú mượn sách về đọc. Nhà lũ trẻ xóm tôi đều nghèo. Hàng năm đi học toàn mượn những cuốn sách cũ nát truyền tay nhau của các anh chị lớp trên, tiền đâu mà mua sách truyện. Những cuốn sách của chú là cả một thế giới đầy màu sắc với những đứa trẻ nghèo xóm tôi. Có tối, tôi và thằng Quang lé còn xin bố mẹ cho ra nhà chú ngủ.

 

Chú kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện về chiến tranh, về những lần đi hành quân, về đồng đội, về những trận đánh, và cả cái lần chú bị bom dội làm hỏng mất một bên mắt. Chúng tôi, đứa nào đứa nấy cứ há hốc mồm ra mà nghe.

 

Thi thoảng, có những buổi chiều đi học về qua nhà chú, chúng tôi lại thấy chú mang tranh ra vẽ. Chúng tôi nhìn cũng chẳng hiểu. Có những con đường, những người lính, những nụ cười, những mảng màu xám xịt… Chú bảo đó là những người bạn của chú. Tôi thấy bên mắt bị lòa của chú như loáng nước.

 

Có lần thấy chú bế về một đứa trẻ con mới đẻ. Chú bảo sáng sớm thấy nó khóc oe oe ngoài bờ ao. Một đứa trẻ đáng thương bị bỏ rơi. Chú xin xã nhận nó làm con nuôi, đặt tên nó là thằng Phúc. Ngày ngày chú vào làng xin sữa cho nó. Cũng may là thằng bé không quấy mấy. Chúng tôi rảnh là ra ngoài nhà chú, vừa đọc sách, vừa chơi với thằng nhỏ. Thằng bé lớn lên chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn lắm. Ai cũng mừng cho chú.

 

Lũ trẻ xóm tôi cũng lớn dần. Có đứa vào đại học, có đứa đi làm ăn xa, có đứa ở nhà bám lấy đồng ruộng. Nhưng tôi tin trong hành trang mà chúng tôi mang theo trên cuộc đời luôn có hình ảnh người thương binh già ấy. Đó không chỉ là những cuốn sách mở ra những chân trời mới chú đã cho bọn tôi đọc thoải mái mà còn là con người của chú. Mấy đứa trẻ con ngỗ nghịch hồi ấy cũng đã lặng người đi khi nghe chú kể về những cái chết thương tâm của đồng đội. Chúng tôi đều biết có cuộc sống cho chúng tôi ngày hôm nay, điều đó không dễ dàng gì.

 

Hôm trước tôi gọi điện về thăm nhà, mẹ bảo: “Thằng Phúc nhà chú Đạo đỗ đại học rồi  đấy con ạ. Thằng bé học giỏi mà lại hiếu thảo. Về nhà là lăn vào giúp bố. Mà chú Đạo cũng lành lắm. Một mình nuôi con, bây giờ lại già cả, ốm đau, vậy mà nhà ai khó khăn là chú ấy đến giúp. Có bao nhiêu giúp bấy nhiêu. Nhà chú bây giờ thành cái thư viện, người ta ủng hộ nhiều sách lắm. Trẻ con đến đó mượn sách. Đứa nào cũng quý chú. Nghe đâu chú còn trích tiền nuôi cá ra mà ủng hộ sửa sang nâng cấp trường làng…”

 

Tôi thấy mình thật nhỏ bé khi nghĩ về tấm lòng cao thượng trong người thương binh già nua và nhiều đau khổ ấy.

 

Anh Hoàng