Xuân vẫn vậy

(Dân trí) - Mùa Xuân hây hẩy nồng nàn, đất trời khoác lên mình màu áo mới, con người thêm tuổi mới. Thường thì người ta hướng về tương lai với bao hứa hẹn, mấy ai nhìn lại quá khứ mà tự hỏi ta ở đâu giữa chốn mênh mang này?

Ngày xưa mong Tết đến để được ăn bánh chưng, đi khoe tà áo đẹp. Ngày nay mong đến Tết  để được đoàn tụ với anh em, bạn bè, nhìn chúng tíu tít trên đường làng, đứa đi làm, đứa đi học trong lòng tự dưng trỗi dậy niềm vui xen lẫn tự hào. Kẻ Nam người Bắc, bên chén rượu quê, đủ chuyện trên trời dưới mây vui đáo để.

 

Phải, dù học hành hay bôn ba kiếm sống ở đâu thì quê hương vẫn là lời mời gọi thiết tha nhất như cây phải có cội, như mạch nước ngầm từ mấy giếng cổ vùng đất Gio An này vậy, quanh năm nước trong vắt, lững lờ trôi, mặc cho đổi thay của thế sự.

 

Những chiếc giếng cổ không biết có từ bao giờ, nghe người già bảo tạo hóa sinh ra cho người có cái uống, các nhà nghiên cứu bảo đó là những công trình dẫn thủy nhập điền của người Chăm để lại, tự nhiên mà nhớ, mà cảm phục cái tài của người xưa. Không biết nơi mình đang đứng đây có phải là chốn vua tôi nhà Trần tiễn biệt công  chúa Huyền Trân? Nơi nàng khóc, vái lạy vua cha ra đi để châu Lý châu Ô trở về đất Việt. Gót hồng người thiếu nữ thay bước  chân binh tướng suốt mấy thế kỷ ròng.

 

Những phiến đá giếng cổ rêu phong trầm mặc, ít ai biết trong nó ẩn chứa mối u hoài của thời vận. Những phiến đá chông vuông bốn mươi phân đâu phải trầm ngâm chốn này. Chúng chịu chung số phận bi tráng cùng dân tộc. Người già ở Gio An kể lại: Khi quân Pháp tấn công cửa Thuận An, quan trấn thủ Lâm Hoằng đã thuê thợ làm đá chọn những phiến đá tốt nhất, ghè đẽo cẩn thận sau đó đưa xuống thuyền vào ngăn tàu chiến giặc. Lịch sử lạ kỳ, bậc quan văn trở thành võ tướng, phiến đá vô tri góp công chống giặc. Phải thôi, khi có giặc chú bé ba tuổi vươn vai thành chàng trai Phù Đổng, những cụm tre ngà thân thuộc trở thành vũ khí, hào khí ấy vẫn còn vang mãi đến ngày nay để hòa vang khúc tráng ca bi hùng cùng thời đại. Sự nghiệp giữa chừng thì cửa Thuận An thất thủ, chủ tướng Lâm Hoằng hi sinh, đành ôm mối hận ngàn Thu chốn thâm cốc như những chí sĩ đau đời. Không cứu được vận nước thì rỗi cho vận nhà... Âu cũng là cái lý mà bao bậc anh hùng từ nghìn xưa đeo đuổi. Nhờ những phiến đá vững chãi mà giếng cổ còn lại đến ngày nay, để con cháu muôn đời sau có cái mà tự hào mà, cảm phục về cha ông một  thuở, để những mạch nước ngầm tuôn chảy tưới mát cho những cánh đồng cải xoong, để trên vai mẹ kĩu kịt sớm khuya đưa sĩ tử đến trường.

 

Nhìn những cánh đồng xà lách xoong ngút tầm mắt mà vui, mà suy tư cho số phận những người nông dân tần tảo. Xà lách xoong ở đây không giống xà lách xoong Đà Lạt, xanh đậm, vị cay phải luộc hoặc nấu canh mới ăn được. Nó có màu xanh nõn chuối, vị thanh dùng làm rau sống, phải chăng mạch nguồn giếng cổ đã chắt chiu cho muôn đời vị ngọt?

 

Chiều cuối năm những cơn gió mùa Đông Bắc thổi thông thốc đem theo cái rét cắt da cắt thịt. Thật lạ kỳ, hình như bao nhiêu gian khó trên đời đều được ông trời hào phóng ban cho cái dải đất nghèo này thì phải. Mùa Hạ gió Lào vốc từng ngụm ném vào người bỏng rát, mùa Đông rét buốt thấu xương. Khắc nghiệt thế mà vẫn đủ sức nâng bước chân sĩ tử đến trường để giờ đây Tết đến Xuân về có cái mà chờ đợi, mà háo hức. Phải chăng là trầm tích là mạch nguồn của vùng bán sơn địa, nơi giao thoa những nền văn hóa: Việt- Chăm và Môn-Khmer từ dãy Trường Sơn chảy xuống suốt bao đời nay làm nên cốt cách con người Quảng Trị.

 

Mùa Xuân vẫn vậy, hây hẩy, nồng nàn thúc giục con người ta hướng về phía trước, bươn bả đến mệt nhoài trong dòng chảy không ngừng, khi thấm mệt thì quê hương đầy ắp kỷ niệm là chốn đi về.

 

Đình Dũng