Huyện nghèo ở Ninh Thuận đẩy mạnh công tác bình đẳng giới bằng cách nào?

Hoàng Bình

(Dân trí) - Tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, tuyên truyền trên không gian mạng là cách mà UBND huyện Bác Ái triển khai thực hiện bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ trong giai đoạn 2021-2023.

UBND huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) vừa sơ kết cuộc vận động, thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2021-2023.

Nhiều hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới

Bà Cấn Thị Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật bình đẳng giới, huyện Bác Ái luôn quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. 

Việc vận động triển khai được các cơ quan, tổ chức, địa phương đẩy mạnh thực hiện, tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung, hình thức và đối tượng tuyên truyền đa dạng, thiết thực: thông qua hội nghị, sinh hoạt cơ quan, đoàn thể, qua các buổi tọa đàm, qua hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở. 

Huyện nghèo ở Ninh Thuận đẩy mạnh công tác bình đẳng giới bằng cách nào? - 1

Phụ nữ dân tộc Raglai tại tỉnh Ninh Thuận trên đường đi rẫy về (Ảnh: Hoàng Bình).

Đặc biệt các cơ sở đã vận dụng mạng xã hội để tuyên truyền bằng trực quan như tờ rơi, sách, panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở, cơ quan, trường học, các trục đường chính, nơi công cộng, khu đông dân cư.

Theo UBND huyện Bác Ái, các hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi quan niệm truyền thống về phân công lao động theo giới trong gia đình theo hướng tăng cường trách nhiệm của nam giới trong chia sẻ việc nhà và chăm sóc các thành viên trong gia đình; tuyên truyền "việc nhà bình đẳng" nhân ngày Gia đình Việt Nam, ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Hàng năm, huyện Bác Ái cử cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới cấp huyện tham gia các lớp tập huấn về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức.

Các hoạt động thực hiện bình đẳng giới bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ. Công tác bình đẳng giới ngày càng có bước chuyển mới. Các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới cơ bản đã đảm bảo kế hoạch đề ra như lĩnh vực lao động việc làm, xóa đói giảm nghèo, lĩnh vực y tế, giáo dục …

Với kết quả trên, phụ nữ huyện Bác Ái đang ngày càng vươn lên giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần to lớn vào sự phát triển của huyện và giảm dần sự bất bình đẳng giữa nam và nữ giới.

Lồng ghép công tác bình đẳng giới vào phát triển kinh tế

Thời gian qua, UBND huyện Bác Ái đã có sự quan tâm lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực lao động việc làm, xóa đói giảm nghèo, giáo dục đào tạo.

Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ công chức nữ, trình độ năng lực cho cán bộ nữ được nâng lên. Có nhiều cán bộ nữ được đề bạt vào các chức danh chủ chốt.

Tỷ lệ nữ được kết nạp vào Đảng hàng năm đều tăng. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, Đảng, HĐND các cấp nhiều kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước.

Huyện nghèo ở Ninh Thuận đẩy mạnh công tác bình đẳng giới bằng cách nào? - 2

Ngôi nhà của đồng bào dân tộc Raglai ở tỉnh Ninh Thuận (Ảnh: Hoàng Bình).

Theo bà Cấn Thị Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Bác Ái, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, tồn tại trong công tác tuyên truyền về Luật bình đẳng giới của cấp ủy, chính quyền. Hội phụ nữ cơ sở vẫn còn có những  hạn chế.

Theo đó, hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ một số cơ sở còn mang tính hình thức, chưa thật sự mang lại hiệu quả. Nhận thức về giới, bình đẳng giới ở một số đơn vị, địa phương và một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ.

Ngoài ra bản thân một số cán bộ, hội viên phụ nữ vẫn chưa thoát khỏi tâm lý tự ti, ngại học tập, chưa chủ động sáng tạo trong công việc. Tư tưởng định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân.

Công tác thống kê, thông tin báo cáo còn nhiều khó khăn do chưa hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu có lồng ghép giới trên các lĩnh vực ngành. Việc chấp hành chế độ báo cáo đôi lúc chưa nghiêm, chưa kịp thời.

Huyện nghèo ở Ninh Thuận đẩy mạnh công tác bình đẳng giới bằng cách nào? - 3

Nhiều hoạt động tuyên truyền về Bình đẳng giới được huyện Bác Ái triển khai rộng khắp trong thời gian vừa qua (Ảnh: Hoàng Bình).

UBND huyện Bác Ái cho rằng một số cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương chưa thực sự chủ động trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Đặc biệt, địa phương chưa có bước đột phá để phát triển hơn nữa công tác cán bộ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hơn nữa định kiến giới vẫn còn tồn tại trong đời sống xã hội, đã làm hạn chế sự phấn đấu của phụ nữ trên các lĩnh vực.

Cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp đều kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Kinh phí cấp cho công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp còn hạn chế.

Bác Ái là huyện nằm trong 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện có 9 đơn vị hành chính, diện tích tự nhiên 102.729,48 ha, chiếm 30,57% diện tích toàn tỉnh, dân số 33.014 người, chủ yếu là dân tộc Raglai, chiếm 90% dân số toàn huyện; lao động trong độ tuổi là 17.167 người, chiếm 52%.