Tuyển sinh năm 2015:

Muốn vào ĐH Luật TPHCM, phải làm bài kiểm tra năng lực

(Dân trí) - Bên cạnh việc căn cứ vào điểm trung bình 3 năm phổ thông và kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì Trường ĐH Luật TPHCM còn có thêm nhiều điểm mới trong đề án tuyến sinh năm 2015. Đặc biệt nhất, trường sẽ tổ chức cho thí sinh làm bài kiểm tra năng lực.

Muốn vào ĐH Luật TPHCM, phải làm bài kiểm tra năng lực
 Trường ĐH Luật TPHCM cho rằng việc kiểm tra năng lực của thí sinh nhằm giúp đào tạo đội ngũ làm tư pháp giỏi cho xã hội trong thời hội nhập (ảnh minh họa).

Theo đề án tuyển sinh của ĐH Luật TPHCM, thí sinh muốn đăng ký vào trường phải thực hiện 2 bước. Bước 1 là xét tuyển với hai tiêu chí gồm căn cứ điểm trung bình 3 năm học THPT chiếm 20% số điểm trúng tuyển và kết quả thi trong kỳ thi THPT quốc gia theo cụm do Bộ GD-ĐT chỉ định. Sau đó, trường sẽ xét tuyển theo cách chọn điểm từ cao xuống thấp để xác định thí sinh trúng tuyển bước 1.

Căn cứ số lượng thí sinh đăng ký, Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ xét điểm từ cao xuống thấp để xác định kết quả đạt bước 1 (chỉ xét những thí sinh đã dự kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định) và thông báo cho những thí sinh này biết để tham gia làm kiểm tra năng lực ở bước 2

Những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển bước 1 sẽ tiếp tục bước thứ 2 với hình thức làm bài kiểm tra khả năng về các lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân; khả năng lập luận của thí sinh và tư duy logic. Bài kiểm tra này chiếm 20% trong tổng số điểm trúng tuyển. Bài kiểm tra gồm có 2 phần trắc nghiệm (45 phút) và tự luận (60 phút).

Lý giải về mục tiêu nhà trường xác định và thực hiện bài kiểm tra, TS Trần Hoàng Hải - Phó hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM cho biết việc kiểm tra này phù hợp với xu hướng học luật của các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada. Hình thức này giúp trường đào tạo ra các cử nhân Luật, cử nhân Quản trị kinh doanh và cử nhân Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập vào thị trường kinh tế, lao động khu vực và trên thế giới.

Ông Hải cũng cho rằng việc kiểm tra này hoàn toàn có lợi cho thí sinh, hạn chế tối đa các trường hợp may rủi, học tài thi phận của thí sinh nếu chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào một kỳ thi. Với cơ cấu kết quả xét trúng tuyển lần lượt là 20% - 60% và 20%, thí sinh được đánh giá một cách toàn diện cả quá trình học THPT, thi tốt nghiệp THPT và kiến thức tổng hợp, tư duy logic. Đồng thời, từ những tình huống trong đề kiểm tra sẽ giúp thí sinh bước đầu có thể xác định được ngành học mình lựa chọn học có phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình không.

Cũng theo ông Hải, để làm bài kiểm tra, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào, nên sẽ không tạo áp lực gì cho thí sinh. Bởi vì, những vấn đề được kiểm tra là những kiến thức mà mỗi công dân có được trong quá trình trưởng thành của mình.

Theo kế hoạch, từ tháng 4-5/2015, bước 1 thí sinh có thể đăng ký, nhập điểm trung bình 3 năm THPT trên website của trường và có thể nộp học bạ trực tiếp tại trường trong thời gian dự kiến là đầu tháng 6/2015. Phía nhà trường cho biết lộ trình kiểm tra năng lực tiến hành phù hợp với quy trình mà Bộ GD-ĐT quy định, kịp thời điểm công bố kết quả đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2015.

Lê Phương

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!