Ấm áp tấm lòng người dân thủ đô đón sĩ tử

(Dân trí) - “Chân ướt chân ráo” lên thủ đô dự thi ĐH, nhiều sĩ tử đến từ các địa phương trong cả nước thấy bớt lo lắng và thoải mái hơn nhiều khi nhận được sự tiếp đón hồn hậu của những người dân thủ đô ở các điểm cho sĩ tử ở trọ miễn phí…

“May quá là may…” 

Có mặt tại Trung tâm Dạy nghề Nhân đạo (số 25, ngách 48, ngõ Linh Quang, phường Văn Chương, quận Đống Đa) chiều tối 1/7, tôi gặp hai bố con bác Thử, người dân tộc Nùng, đến từ Cao Bằng. Em Huế, con bác Thử, năm nay thi vào Học viện Ngân hàng, điểm thi ở Trường THCS Huy Văn.

Bác Thử hồ hởi cho biết nhờ đọc báo được biết của Trung tâm Dạy nghề Nhân đạo dành 40 chỗ trọ miễn phí cho thí sinh thi ĐH, sáng 1/7, khi vừa xuống bến xe Lương Yên, hai bố con bác bắt xe ôm đi thẳng đến trung tâm.

“May quá là may khi đưa con đến thủ đô thi đại học lại được dành cho chỗ trọ thế này. Tôi cảm thấy yên tâm nhiều lắm” - bác Thử cho hay.

Còn chị Kim Anh, đến từ Hải Dương, đưa em gái tên Hoa đi thi Học viện Ngân hàng, cho biết tối hôm 1/7 ngay trước ngày đến Hà Nội, Kim Anh đọc báo và biết suất trọ miễn phí tại Trung tâm Dạy nghề Nhân đạo. Kim Anh gọi điện cho thầy Hải (ông Trần Duyên Hải, giám đốc trung tâm - PV) và rất mừng rỡ khi biết trung tâm có chỗ trọ miễn phí cho thí sinh. Thế là sáng 2/7, từ bến xe Lương Yên, hai chị Kim Anh đi xe ôm đến trung tâm.

“May quá cơ chị ạ, em đang lo có khi phải đi tìm chỗ trọ. Mà thời điểm này nghe nói phòng trọ giá đắt lắm…” - Kim Anh kể.

Ấm áp tấm lòng người dân thủ đô đón sĩ tử - 1
Ông Trần Duyên Hải (giữa, áo xanh) đang trò chuyện cùng các thí sinh và phụ huynh trọ tại Trung tâm Dạy nghề Nhân đạo sáng 2/7.

Trò chuyện với ông Trần Duyên Hải - giám đốc trung tâm, PV Dân trí được biết từ chục năm trước thì trung tâm cũng đã cho các thí sinh là con em của cán bộ nhân viên, học sinh của trung tâm ở trọ miễn phí khi đi thi ĐH. Từ năm 2008, trung tâm bắt đầu cho các thí sinh trọ miễn phí. Và từ năm ngoái, trung tâm chính thức thực hiện chương trình cung cấp 40 suất trọ miễn phí cho các thí sinh trong 2 đợt thi ĐH.

Tính đến sáng 2/7, trung tâm đã đón hơn 20 sĩ tử đến ở trọ miễn phí.

Ông Hải cho biết trung tâm quyết định thực hiện chương trình cấp chỗ trọ miễn phí cho sĩ tử để hướng tới 3 mục đích. Một là, cùng với các hộ gia đình và tổ chức khác, trung tâm muốn góp phần làm giảm nhiệt “cơn sốt” tăng giá nhà trọ ồ ạt vào mỗi mùa thi tuyển sinh ĐH. Hai là, nếu ở trong các nhà trọ bình dân, thí sinh và phụ huynh có thể cảm thấy không yên tâm về an ninh, trật tự, và chính điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh. Ba là, việc được ở trọ miễn phí ít nhiều tạo ấn tượng tốt cho các thí sinh từ các nơi xa đến, khiến các em cảm thấy phấn khởi hơn vì chi phí thi cử được giảm bớt. Đồng thời thí sinh cũng thấy mình được xã hội quan tâm, được nhân dân thủ đô tiếp đón.
 
Ấm áp tấm lòng người dân thủ đô đón sĩ tử - 2
Bác Thử cho biết bác rất yên tâm khi hai bố con bác có chỗ ở đảm bảo trong những ngày em Huế thi ĐH.

Được biết, các phòng ở dành cho các sĩ tử vốn là chỗ ở của những người cơ nhỡ hay một số chị em phụ nữ bị bạo hành đến xin hỗ trợ tại trung tâm. Để dành chỗ cho các sĩ tử, trung tâm phải tạm thời thu xếp để những người này ở chỗ khác trong thời gian diễn ra kỳ thi ĐH. Thậm chí, căn phòng làm việc rộng vài mét vuông của ông Hải cũng được huy động làm …chỗ ngủ buổi tối của các nhân viên trung tâm vì họ đã nhường phòng của mình cho các sĩ tử.

“Như đang ở nhà mình vậy”

Chiều ngày 2/7, đến thăm các sĩ tử ở trọ miễn phí tại nhà bác Lê Minh Lương (khu tập thể Bộ Ngoại giao, đường Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy), tôi mới thấy một không khí thật vui vẻ và tràn đầy tình cảm nơi đây. Tại nhà bác Lương lúc này có hơn chục em thí sinh, chủ yếu quê ở Thái Bình. Một số em tụ tập xem tivi, số khác ra ban công hóng mát. Một số em nữ thì phụ giúp các chị sinh viên tình nguyện chuẩn bị bữa cơm tối.

Ấm áp tấm lòng người dân thủ đô đón sĩ tử - 3
Cô sinh viên tình nguyện tên Vân, sinh viên Trường trung cấp Y dược Lê Hữu Trác, đang chuẩn bị bữa tối cho các thí sinh ở trọ tại nhà bác Lương.

Được biết năm nay là năm thứ 4 bác Lương dành chỗ ở miễn phí cho các thí sinh. Nhà bác có thể cho khoảng 20 - 30 thí sinh ở trọ. Hiện bác Lương đã nghỉ hưu nên bác cũng dành thời gian hỗ trợ các bạn thí sinh ví dụ như mua đồ ăn giúp các bạn.

Trò chuyện với PV Dân trí, cậu thí sinh tên Minh, quê ở huyện Kiến Xương, Thái Bình, dự thi Trường ĐH Mỏ - địa chất cho biết ở đây em cảm thấy rất an tâm. Đó cũng là tâm trạng chung của nam thí sinh tên Hội, quê Nam Định, thi vào Trường CĐ Điện lực cũng như tất cả hơn chục em thí sinh ở trọ tại nhà bác Lương.

Ấm áp tấm lòng người dân thủ đô đón sĩ tử - 4
Các em thí sinh chụp ảnh cùng hai anh sinh viên tình nguyện Đại (áo xanh) và Thủy (áo kẻ). Trong các ngày diễn ra kỳ thi ĐH, Đại, Thủy và các sinh viên khác tình nguyện chở thí sinh đến điểm thi.

Với giọng nói hồ hởi, Yến, quê huyện Tiền Hải, Thái Bình, thí sinh Trường ĐH Thương mại, nhận xét rằng chỗ ở này khiến các em thoải mái, yên tâm và tự tin hơn. Yến kể trước đây em thuê trọ 20 ngày tại TP Thái Bình để ôn thi ĐH, phòng khoảng chục m2 với 6 người ở mà giá lên tới 250 ngàn đồng/người, vừa chật chội lại đắt đỏ.

“Được ở nhà bác Lương thật là vô cùng lý tưởng” - Yến kết luận rồi cười tít cả mắt.

Qua trò chuyện, được biết, biết nhóm các thí sinh trọ tại nhà bác Lương biết đến điểm trọ miễn phí này qua chương trình của đội sinh viên Công giáo tình nguyện Thái Bình. Nhóm các thí sinh này được 4 anh chị SV tình nguyện tiếp sức. Sáng và trưa hôm 2/7, từ bến xe, các thí sinh được SV tình nguyện chở đến nhà bác Lương. Trong các ngày 3, 4, 5 tháng 7, các em cũng sẽ được SV tình nguyện chở đến các điểm thi.

Ấm áp tấm lòng người dân thủ đô đón sĩ tử - 5
Bữa ăn tối đầm ấm của các thí sinh và sinh viên tình nguyện tại nhà bác Lương.

Đại, cậu sinh viên năm ba Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, là nhóm trưởng nhóm tình nguyện, cho biết năm nay là năm thứ 3 bạn tham gia tiếp sức mùa thi. Một điều khá thú vị là chính Đại cũng là một sĩ tử từng được ở trọ miễn phí tại nhà bác Lương. Sau khi đỗ ĐH Sư phạm Hà Nội, Đại lại trở thành một người tiếp theo tiếp sức mùa thi cho các sĩ tử.

Bài và ảnh: Nguyên Chi

Dòng sự kiện: Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010