Bằng tại chức như bằng chính quy: Nếu dám nhìn thật...

Muốn xem bằng đại học chính quy cũng như bằng đại học tại chức thì cần có sự thay đổi đồng bộ, một mình Bộ GD-ĐT không thể làm được.

PGS.TS Mạc Văn Tiến- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề gửi tới báo Đất Việt bài viết liên quan tới đề xuất mới của Bộ GD-ĐT.

Chưa chuẩn đào tạo chưa thể gọi chung một bằng.
Chưa chuẩn đào tạo chưa thể gọi chung một bằng.

Thông tin từ Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cho biết, dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học sẽ có điểm mới là "không phân biệt bằng đại học chính quy hay tại chức".

Thật ra, quan điểm của Bộ là không sai, thậm chí đó còn là tư duy tiên tiến, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Vì văn bằng tốt nghiệp chỉ là một tờ giấy chứng nhận mà qua đó người ta có thể nhận biết người tốt nghiệp được đào tạo theo loại hình nào, chứ không phản ánh được chất lượng đào tạo của người đó đạt tới đâu.

Do đó, văn bằng đại học chỉ nên được phân biệt theo xếp hạng bằng tốt nghiệp loại giỏi, loại khá hay trung bình chứ không phân biệt là đại học tại chức hay đại học chính quy.

Trong tương lai, việc phân định loại hình đào tạo qua văn bằng gần như không còn ý nghĩa. Một người có thể tốt nghiệp ba trường đào tạo theo ba loại hình đào tạo, được cấp bằng từ ba trường đại học khác nhau nhưng đều được gọi chung là tín chỉ.

Nhìn từ góc độ này, rõ ràng quan điểm của Bộ GD-ĐT là hợp lý, cần được ủng hộ.

Tuy nhiên, lại phải nhìn vào bản chất của vấn đề, nguyên nhân sâu xa là ở công tác quản lý đào tạo, chất lượng đào tạo và lớn hơn nữa còn là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự. Nếu đi vào phân tích thì sẽ thấy đề xuất của Bộ GD-ĐT hay nhưng một mình bộ này sẽ không thể thực hiện được.

Vướng mắc trước hết nằm ở chính nội hàm ngành giáo dục. Bản thân ngành giáo dục đưa ra đề xuất đổi mới nhưng lại bị mâu thuẫn với chính những vấn đề bức xúc đang tồn tại chưa được giải quyết tại lĩnh vực này.

Vì sao lại có cái tên gọi là đại học tại chức và đại học chính quy? Đại học tại chức khác đại học chính quy ở điểm gì?

Đầu tiên phải nói tới công tác tuyển sinh đầu vào, quá trình đào tạo, chất lượng đào tạo và cuối cùng là kết quả đào tạo của cả hai loại hình trên.

Từ câu chuyện của tỉnh Quảng Ngãi, khi ra quy định chỉ cán bộ có bằng tốt nghiệp đại học chính quy sinh sau 1975 mới được bổ nhiệm chức danh trưởng, phó phòng... đã cho thấy rõ bất cập trên.

Nếu thoạt nhìn, việc quy định trên sẽ là rất phản cảm, mang tính phân biệt bằng cấp, thậm chí có thể vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đứng trên góc độ của nhà tuyển dụng, với mong muốn tìm được người thực tài, có năng lực, có trí tuệ để đảm nhận những cương vị điều hành quản lý, giúp thực hiện công việc tốt hơn, hiệu quả hơn thì lại phải thừa nhận họ có cái lý của họ.

Tôi không ủng hộ tư duy tuyển dụng dựa trên bằng cấp nhưng cũng phải đặt ra câu hỏi là: vì sao lâu nay vẫn có dư luận "chuyên tu, tại chức"?

Đầu tiên, phải thừa nhận chất lượng đạo tạo đại học tại chức là có vấn đề.

Nếu trước đây, hệ đại học tại chức hay còn gọi là hệ đại học vừa học vừa làm, tức là học tại chức để tạo điều kiện cho những cán bộ, viên chức đã đi làm có cơ hội bổ túc thêm, nâng cao thêm trình độ, kiến thức của mình. Đây là chủ trương đúng.

Tuy nhiên, bây giờ lại ngược lại. Đối tượng là sinh viên học kém, không thể thi được vào đại học chính quy thì đi học tại chức.

Một vấn đề quan trọng nữa, tuyển dụng tại chức đôi khi lại được coi là "cứu cánh cho nồi cơm" của giảng viên. Việc tuyển dụng cho bằng được, tuyển cho đủ để đảm bảo nguồn thu nhập cho giảng viên cũng là vấn đề kéo theo những tiêu cực trong công tác đào tạo tại chức.

Tiếp đến, trong quản lý đào tạo đã có độ vênh, tạo ra bất cập rất lớn về chất lượng đào tạo. Chất lượng đầu vào đã thấp, chương trình đào tạo lại bị cắt xén, thu gọn, chỉ chiếm khoảng 60-80% chương trình chính quy, không đảm bảo được nội dung chương trình. Cùng với đó, quá trình quản lý đào tạo bị buông lỏng, có sự xuê xoa, nể nang cho qua.

Về phía sinh viên, nhiều trường hợp vẫn coi đi học là để chống chế, học cho có bằng chứ không trú trọng vào việc nâng cao kiến thức, trình độ.

Nếu tổng hợp lại những phân tích trên, rõ ràng chúng ta phải thừa nhận có thụt lùi nghiêm trọng về chất lượng đào tạo. Từ chất lượng đào tạo không được đảm bảo sẽ kéo theo chất lượng tuyển dụng đầu vào không tốt, không đảm bảo được công việc... Nhìn từ góc độ này, quy định của Quảng Ngãi là thực tế.

Trở lại đề xuất của Bộ GD-ĐT, nếu muốn đề xuất trên khả thi và thực hiện được trước hết bộ phải đảm bảo được rằng, hai loại hình này chỉ khác nhau về phương thức đào tạo, còn chuẩn về chương trình, giáo viên, chuẩn chất lượng quản lý đào tạo là như nhau. Khi đó chuẩn đầu ra, văn bằng tốt nghiệp mới coi như nhau được.

Về phía Bộ Nội vụ, phải thay đổi tư duy tuyển dụng cán bộ, công chức, không đề cao, quá ưu tiên bằng cấp. Đánh giá công việc phải dựa trên vị trí việc làm và năng lực, hiệu quả công việc chứ không phải ai có bằng cao hơn sẽ được xếp vị trí tốt hơn.

Về phía Bộ LĐ-TB-XH, cũng phải xem xét lại cơ chế trả lương. Tư duy trả lương theo bằng cấp không còn phù hợp nữa mà phải dựa trên đánh giá năng lực, hiệu quả công việc người đó làm được.

Nếu Bộ GD-ĐT vẫn đào tạo một kiểu, Bộ Nội vụ tuyển dụng một kiểu, Bộ LĐ-TB-XH trả lương một kiểu, thì đề xuất của Bộ GD-ĐT chỉ là đề xuất mà không thể thực hiện được.

PGS.TS Mạc Văn Tiến- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề

Theo Đất Việt