Bảng xếp hạng và “trái đắng” mùa thi

(Dân trí) - Vì sao em không trúng tuyển? Tại sao trường không hạ điểm chuẩn xuống mà lại xét tuyển NV2?... Những câu hỏi dồn dập, bức xúc xen lẫn cảm giác cay đắng của không ít sĩ tử chia sẻ cùng <i>Dân trí</i>.

Nhằm "phục vụ" thí sinh hết mình nên không ít website hình thành dịch vụ tra cứu điểm, xếp hạng, khả năng trúng hay trượt… Mặc dù nhiều trang đã ghi rõ là xếp hạng chỉ có tính chất tham khảo nhưng nhiều thí sinh vẫn “áp đặt” những thông tin này để “trút giận” lên các trường.

Sáng ngày 2/8, Dân trí vô tình đọc một bức thư của một bạn thí sinh gửi về: “Em thi vào ngành hệ thống thông tin quản lí của trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM). Em được 13,5 điểm, em thuộc KV1 được cộng 1,5. Vậy em được 15 điểm. Chiều ngày 30/7/2010, trường này công bố điểm chuẩn dự kiến, ngành ngày dự thi là 16 điểm. Em thấy điểm chuẩn này có vấn đề: Ở mức 13,5 thì có 55 thí sinh hơn điểm em. Chỉ tiêu năm 2010 là 90. Vậy ở mức 16, trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu mặc dù điểm chuẩn còn có thể hạ xuống để lấy thêm thí sinh thi NV1 vào trường (tất nhiên là phải hơn điểm sàn). Năm 2009 cũng như vậy, trường lấy 16 điểm mà phải tuyển NV2 (hình như là 63 thí sinh, điểm NV2: 17). Đáng lẽ phải ưu tiên cho thí sinh thi NV1. Nếu tới mức điểm sàn mà chưa đủ thí sinh thì mới xét NV2 cho đủ chỉ tiêu” .

Năm 2010, từ đầu trường công bố chỉ tiêu là 90, và sau đó thì có 179 thí sinh dự thi vào ngành này. Em thấy cơ hội đậu rất cao đối với 1 học sinh học lực khá như em. Theo trang web timdiemthi.com thì thứ hạng của em trong ngành là 57/141 (chưa tính điểm ưu tiên khu vực) và theo trang web diemthi.24h.com.vn thì có 55 thí sinh lớn điểm hơn em (lớn hơn 13.5 chưa tính ưu tiên KV1)”- thí sinh này cho hay.

Tuy nhiên cách nghĩ và sự ấm ức của thí sinh này đặt không đúng chỗ bởi lẽ công tác tuyển sinh không đơn giản như mọi người thường hay mường tượng. Để các bạn thí sinh nhìn nhận đánh giá vấn đề một cách khách quan, Dân trí xin chia sẻ một vài điểm nhấn về xác định điểm chuẩn để tránh việc sĩ tử phải ấm ức trong lòng.

Thông thường các thí sinh nghĩ rất đơn giản là cứ lấy tổng điểm 3 môn sau đó đối chiếu từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu mà trường công bố là quyết định ra điểm chuẩn. Tuy nhiên trên thực tế, việc xây dựng điểm chuẩn không đơn giản như vậy. Nguyên tắc để xây dựng điểm chuẩn tuân thủ một cách trình tự như sau:

1. Xác định chỉ tiêu thực tuyển để xây dựng điểm chuẩn

Chỉ tiêu thông tin ở trong cuốn “Những điều cần biết…” là tổng chỉ tiêu của trường. Tuy nhiên trong số này sẽ phát sinh thêm các chỉ tiêu về tuyển thẳng, cử tuyển, hệ dự bị dân tộc (nếu có). Do đó chỉ tiêu thực tuyển có thể sẽ giảm đi so với tổng chỉ tiêu mà trường công bố trước đó.

2. Hình thành xây dựng điểm chuẩn

Sau khi xác định chỉ tiêu thực tuyển thì các trường tiến hành xây dựng điểm chuẩn. Việc xây dựng điểm chuẩn được tính bằng tổng điểm so sánh đối chiếu với chỉ tiêu thực tuyển.

Tổng điểm so sánh được xác định bằng tổng điểm 3 môn thi cộng với điểm ưu tiên khu vực, điểm ưu tiên đối tượng và điểm cộng khuyến khích (nếu có). Trên cơ sở tổng điểm so sánh trường sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện như vậy sẽ phát sinh ra các vấn đề: ở mức điểm xác định chuẩn có nhiều thí sinh đủ điều kiện nên sẽ vượt so với chỉ tiêu. Chính vì thế mà các trường sẽ hình thành các phương án điểm chuẩn để đem ra họp tại Hội đồng tuyển sinh nhằm chọn giải pháp khả thi nhất.

Các phương án tính đến có thể xảy ra đó là, lấy mức điểm chuẩn cao và dành một số chỉ tiêu xét tuyển NV2, lấy vượt quá chỉ tiêu thực tuyển nhưng không quá 10% (Quy chế của Bộ GD-ĐT cho phép các trường thực hiện điều này). Thông thường các trường có điểm thi cao sẽ tính đến phương án tuyển vượt quá chỉ tiêu thực tuyển nhưng không quá 10%. Còn đối với các trường có điểm thi ở mức vừa phải thì lại chọn giải pháp dành chỉ tiêu xét tuyển NV2…

Bên cạnh đó, đối với các trường lấy điểm chuẩn theo ngành thì tùy vào mặt bằng điểm thi từng chuyên ngành mà có thể luân chuyển chỉ tiêu vào từng ngành (chỉ tiêu ngành ở trong cuốn Những điều cần biết chỉ là dự kiến).

Còn đối với các trường có mặt bằng điểm thi thấp thì thường xác định chỉ tiêu NV2 một cách rõ ràng. Chính vì thế khi xác định điểm chuẩn không bao giờ lấy từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.

Chính vì lý do này mà việc đưa ra các chỉ số xếp hạng theo trường, theo ngành chỉ là những thông tin mang tính chất tham khảo chứ nó không phải là cơ sở lớn để đánh giá bạn trúng tuyển hay không. Bên cạnh đó cách xây dựng phần mềm xếp hạng của mỗi dịch vụ là không giống nhau nên thường đưa ra những kết quả khác nhau. Hi vọng qua bài viết này thí sinh sẽ hiểu về công tác xây dựng điểm chuẩn của các trường hơn để tránh tình trạng hoài nghi không đáng có.

Nguyễn Hùng