Bỏ điểm sàn, lo chất lượng đầu vào

Trong dự thảo quy chế tuyển sinh 2017 vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra, lần đầu tiên kể từ 2002 khi thực hiện 3 chung, Bộ chính thức “buông điểm sàn” đại học. Bên cạnh những ý kiến tán đồng, vẫn còn đó không ít băn khoăn lo lắng của các chuyên gia giáo dục về cả chất lượng đầu vào lẫn đầu ra của loại hình đào tạo chủ chốt này.

Thí sinh sau giờ thi môn Ngữ văn tại trường ĐH Sư phạm-Hà Nội năm 2016. Ảnh: Ngọc Châu
Thí sinh sau giờ thi môn Ngữ văn tại trường ĐH Sư phạm-Hà Nội năm 2016. (Ảnh: Ngọc Châu)

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng: “Bỏ điểm sàn đại học là xu thế cần tiến tới trong tương lai, còn thời điểm này chưa thể bởi hệ thống giáo dục đại học của ta đang có sự nhập nhèm, trong một vòng luẩn quẩn”. Theo ông Dũng, điểm sàn hay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là ranh giới giữa các cấp, bậc học đồng thời cũng là để khống chế tình trạng tuyển sinh tràn lan, vượt chỉ tiêu của các trường.

“Trước đây có điểm sàn nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu, tiêu cực trong xét tuyển. Nếu bỏ điểm sàn, các trường cứ tha hồ tuyển, cộng với đầu vào yếu, chương trình không đảm bảo chất lượng dẫn đến sinh viên học không nổi, ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nên thất nghiệp. Đây là vòng luẩn quẩn tạo nên gánh nặng cho xã hội”, ông Dũng nói và cho rằng, việc bỏ điểm sàn chỉ phù hợp khi chúng ta có một môi trường đại học đồng đẳng với nhau về chất lượng.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho rằng, bỏ điểm sàn sẽ có 2 mặt. “Thứ nhất sẽ nhận được sự đón nhận của thí sinh và phụ huynh do quy chế theo hướng mở, tùy các trường quyết định. Nhưng ngược lại, sẽ phủ nhận những ưu điểm lâu nay của ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Lẽ ra, khung giáo dục 8 bậc vừa mới ban hành sẽ được hiểu là đầu ra của bậc dưới sẽ là đầu vào của bậc trên. Do đó, nên có ngưỡng cho cao đẳng là tốt nghiệp THPT còn ngưỡng cho đại học phải cao hơn!”, TS Lý nói.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Mở TPHCM cho rằng bỏ điểm sàn là hoàn toàn hợp lý. “Như năm trước, dù có điểm sàn nhưng nhiều em tốt nghiệp THPT có điểm dưới sàn vẫn vào được đại học bằng hình thức xét tuyển học bạ nên điểm sàn gần như không có nhiều ý nghĩa”, ông Hà nói. Đồng quan điểm, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM cũng cho rằng, quan trọng là phải kiểm soát được đầu ra chứ không phải là đầu vào.

Bộ bỏ, nhưng trường nên có “sàn” nhận hồ sơ

“Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn là đúng nhưng các trường cũng phải đưa ra mức điểm nhận hồ sơ. Vì mục tiêu của các trường là tuyển đủ, chất lượng tốt, không trường nào muốn nhận thí sinh kém nhưng khả năng có nhận được không thì là chuyện khác” - PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội nói. Theo PGS-TS Trần Văn Tớp, dù Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn nhưng chắc chắn các trường sẽ có “sàn” riêng cho mình.

“Ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội không có chuyện cứ tốt nghiệp THPT là có thể nộp hồ sơ xét tuyển. Trường có hai điều kiện, thứ nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT và qua vòng sơ loại. Tức là nếu thi kết quả tốt nhưng kết quả học ở phổ thông không tốt thì cũng bị loại. Thứ hai là ngưỡng điểm nộp hồ sơ. Ngưỡng này của trường chưa bao giờ bằng của Bộ đưa ra. Thường cao hơn điềm sàn hàng năm Bộ GD&ĐT quy định từ 3-5 điểm. Điểm sàn ngoài đảm bảo chất lượng đào tạo còn là để khẳng định vị thế của nhà trường chứ không đơn giản là điểm bao nhiêu. Giả sử bây giờ ĐH BK Hà Nội công bố ngưỡng là 12 điểm chắc sẽ chấn động” - PGS Trần Văn Tớp chia sẻ.

Chính vì vậy, PGS Trần Văn Tớp mong muốn Bộ yêu cầu các trường phải công bố điểm sàn của riêng mình.

Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủy lợi cũng đồng tình với quan điểm của lãnh đạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội khi cho rằng các trường cần có ngưỡng điểm sàn để nhận hồ sơ. “Điểm sàn chính là cách để các trường khẳng định thương hiệu. Phụ huynh nhìn vào đó để cho con em mình theo học. Ví dụ, trường A điểm sàn nhận hồ sơ là 18 nhưng trường B chỉ là 10. Chỉ cần nhìn thông số đó thôi, xã hội cũng như phụ huynh, thí sinh sẽ biết được vị trí của trường ĐH đó ở đâu trong bản đồ giáo dục ĐH Việt Nam” - ông Thạc khẳng định.

Các trường không được tù mù

Trong khi đó, dưới góc độ chuyên gia, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng quan điểm của thế giới là nếu ai qua được bậc học nào đó đều có quyền được đăng ký học ở bậc học cao hơn. Còn quyền đó có được chấp nhận hay không là ở các trường. Cho nên, việc này thực chất là bỏ điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định, thay vào điểm sàn do các trường tự quyết định.

GS Lâm Quang Thiệp, nguyện Vụ trưởng vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định bỏ điểm sàn là đúng. Đúng theo hướng cho các trường tự chủ. Nhất là với thí sinh, đã có bằng tốt nghiệp THPT, chính là sàn. Có bằng tốt nghiệp THPT là vào ĐH, còn lại tùy các trường chọn.

“Nhà trường phải chịu trách nhiệm chất lượng đào tạo. Chính vì vậy, khi tuyển sinh, các trường phải công bố minh bạch điều kiện xét tuyển, theo tiêu chuẩn nào, điểm bao nhiêu, không được tù mù. Khi họ công bố điều kiện xét tuyển thì xã hội sẽ biết trường này có chất lượng thế nào. Vì chất lượng các trường hiện nay khác nhau, trường chất lượng cao, trường chất lượng thấp. Những điều kiện đó phải công bố, không có chuyện nói thế này, tuyển thế kia để xã hội đánh giá các trường còn cho con em học hoặc tuyển dụng nhân công” - GS Lâm Quang Thiệp đề xuất.

Đứng dưới góc độ nhà tuyển dụng, bà Trần Thu Hương, Trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Shihen Việt Nam cho biết, khi tuyển dụng, như một luật bất thành văn, thường tuyển ứng viên tốt nghiệp các trường chính quy, lâu đời, có tiếng, các khoa mà có chuyên môn phù hợp.

Ông Nguyễn Nhật Hồng, Giám đốc nhân sự Công ty Young One Nam Định cho biết công ty không phân biệt ứng viên tốt nghiệp trường nào. Tuy nhiên, ông cho hay, trong số các ứng viên trúng tuyển từ trước đến nay thì ĐH Bách khoa Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất.

Theo Nghiêm Huê - Nguyễn Dũng

Tiền Phong