Hà Nội:

Buồn vui lớp luyện thi… cấp tốc

(Dân trí) - Mặc dù kì thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc được gần 1 tuần nhưng lượng sĩ tử đỗ về Hà Nội luyện thi khá “đìu hiu”. Có lẽ biết trước được xu hướng này nên rất ít các trung tâm mở ra các lò luyện thi cấp tốc.

Dưới cái nắng gay gắt của Hà Nội, với vai là sĩ tử đi tìm “lò luyện”, tôi phải mất vài vòng lượn quanh khu phố Tạ Quang Bửu gần ĐH Bách khoa Hà Nội thì mới tìm ra được một bàn thông báo mở lớp luyện thi cấp tốc. Niềm nở “đón khách”, cô nhận viên đưa tôi tờ rơi quảng cáo với những thông tin khá ấn tượng (Toán thầy P (ĐHXD) - thầy N (ĐHCD); Lý thầy T (ĐHSP); Hóa thầy C (ĐHBK). Lớp chất lượng cao dưới 50 học sinh, phòng học thoáng mát…) sau đó chỉ tôi về khu ký túc xá X của ĐH Bách khoa Hà Nội và nói: “Lớp mới mở hôm 7/6, chiều nay ôn luyện môn Hóa hữu cơ, 16h bắt đầu học. Anh cứ đến khu X sẽ có người đưa lên”.
 
Buồn vui lớp luyện thi… cấp tốc - 1

Một lớp luyện thi cấp tốc ở khu Tạ Quang Bửu.

Liếc nhìn đồng hồ đã là 15h55 phút, tôi chạy một mạch đến khu X vì sợ trễ giờ. Đặt chân lên đến nơi cũng là lúc công đoạn thu tiền học sắp “khóa sổ”, tôi vội vàng rút 25.000đ để đăng ký học thử và buổi luyện thi cấp tốc của tôi bắt đầu…

“Công nghệ” cấp tốc

Vô tình gặp thầy C (ĐHBK) - người phụ trách ôn luyện môn Hóa trước hành lang lớp học cùng với tập đề thi trắc nghiệm dày cộp trong tay, tôi lân la hỏi: “Phương pháp ôn luyện của mình là như thế nào vậy thầy? Liệu với khoảng thời gian hơn 3 tuần liệu có ôn tập kịp?”

Khẽ mỉm cười với đứa “học trò” mới từ tỉnh lẻ lên (vì tôi không phải là người Hà Nội), thầy C. giải thích: “Em không cần phải lo, chắc chắn là kịp. Ở đây mình ôn luyện theo hình thức bám sát cấu trúc đề thi tuyển sinh của Bộ, tập trung vào những phần trọng điểm hay được ra trong đề. Bên cạnh đó thầy cũng sẽ cung cấp cho các em các kỹ năng làm bài như tính toán nhanh, giải bài toán “mò” từ đáp số lên…”.

“Sĩ tử thời nay cũng sướng. Môn Hóa không như trước kia là phải ôn tập thi theo hình thức tự luận mà bây giờ thi theo hình thức trắc nghiệm nên cũng dễ dàng hơn. Chỉ cần biết cách và mẹo thì kiểu gì cũng làm được bài tốt”, khẽ đặt tay lên vai tôi, thầy C động viên.

Phòng luyện thi ở khu X khá “hoành tráng”, với thiết bị ánh sáng và quạt mạt đầy đủ. Ngày thường thì đây là phòng tự học của sinh viên ở trọ kí túc xá X nhưng đến đợt cao điểm như thế này thì do đa số sinh viên đã nghỉ hè nên phòng được cho thuê để tổ chức luyện thi.

Trong căn phòng hơn 80m2 gần 70 con người đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau hào hứng chờ đợi buổi học cấp tốc đầu tiên về Hóa hữu cơ do thầy C dạy. Một sĩ tử đến từ Hà Nam chia sẻ khi bắt gặp tôi bước vào lớp: “Chẳng biết thầy dạy thế nào? Lúc sáng cậu có đi học hóa vô cơ không?” Tôi khẽ lắc đầu rồi đi xuống dãy bàn cuối lớp chọn một vị trí thích hợp để “ôn luyện”.

Theo lịch trình thì buổi học sẽ kéo dài từ 16h cho đến 18h kém 15p. Trong khoảng thời gian này thầy C sẽ phải “đánh gọn” toàn bộ phần đại cương Hóa hữu cơ.

Khác với những gì mà thầy C tâm sự với tôi trước giờ vào lớp, thầy “ề à” nêu ra các kiến thức trọng điểm mà được cho rằng chắn chắn sẽ có trong đề thi.

“Đề thi nó chỉ nằm gọn trong các kiến thức tôi nêu ra, các em chỉ cần nhớ là chắc chắn làm bài được. Thời gian không cho phép tôi ghi gì các em cứ chép thế và tôi sẽ không giải thích cụ thể”, thầy C nhấn mạnh

Gần 70 con người như một cái máy, thầy ghi đến đâu trò chép đến thế. Cuộc hành trình “tập luyện” chữ viết kéo dài đến tận 17h30 mà vẫn chưa thấy cuộc chiến làm quen với bài tập đầu. Bên cạnh đó do lớp học nằm ở trong khuôn viên ký túc xa nên tiếng nhạc từ đài phát thanh, từ phòng của sinh viên “át” luôn tiếng thầy (cho dù chủ lò luyện đã khép bớt cửa sổ) nên trong khoảng thời gian này không ít sĩ tử ngao ngán và ngáp ngủ liên tục.

“Biết luyện thi cấp tốc kiểu này thì ở nhà ngủ cho xong. Tưởng lên Hà Nội gỡ gạc tí kiến thức, ai dè…” - Đạt, một thí sinh đến từ Thái Bình than thở với tôi.

Khi tôi đề cập nếu học chán thế này thì ra rút tiền lại ở nhà ôn luyện cho khỏi tốn kém Đạt lắc đầu ngán ngẩm: “ Nộp tiền rồi không cho rút lại ông ạ. Mất tiền thì cứ đến ngồi nghe được cái gì thì được, chứ bây giờ bỏ mà không học thì phí lắm…”.

Và kế hoạch luyện thi cùng… World Cup

Đang mắt nhắm mắt mở vì buồn ngủ do thất vọng lại cộng thêm với cảnh buồn chán luyện thi, Quân - thí sinh đến từ Hải Dương giật mình bởi có tin nhắn điện thoại. Lôi điện thoại từ túi quần ra Quân háo hức khoe: “ Thằng bạn ở quê nhắn tin là sắp tới có xem World Cup không. Mà này ông có thích xem bóng đá không thế?”

Tôi hăm hở tiếp chuyện: “Thích chứ, bóng đá là tôi ham lắm. Nhưng mà bận ôn thi thế này chắc là không xem được rồi”.

Bĩu môi nhìn tôi, Quân gằn giọng: “Ôn luyện cả năm, chứ mấy ngày này nhằm nhò gì. Như tôi đây này, nếu ở nhà thì chắc chắn bị cấm xem nên xin bố mẹ lên Hà Nội làm chuyến luyện thi vừa du lịch lại vừa được thả phanh để xem bóng đá”

Trước câu chuyện World Cup, mấy sĩ tử bên cạnh cũng hồ hởi tham gia: “Thế ông có biết nơi nào xem màn ảnh rộng không, xem như thế mới sướng!”.

Chưa từng quen biết nhau nhưng giờ đây các sĩ tử cho nhau số điện thoại không phải là mục đích để cùng nhau “ôn luyện” mà thay vào đó là những cuộc hẹn hò cùng đi xem…World Cup.

Không chỉ có cánh mày râu mà ngay cả các sĩ tử nữ cũng bị lôi cuốn. Huyền, thí sinh đến từ Hưng Yên ngồi bàn kế trước tôi chia sẻ: “ Người yêu em đang học trên này. Anh ấy nhắn tin là hôm nào có bóng đá sẽ qua phòng trọ đón để đi xem cùng. Ở nhà em thích xem bóng đá lắm”.

Thấy vẻ mặt hơi ngạc nhiên của tôi, Huyền mỉm cười thanh minh: “Em cũng muốn ôn luyện lắm nhưng học không vào. Lấy cớ lên ôn luyên thôi chứ chủ yếu là gặp người yêu và đi xem bóng đá là chính. Ở nhà thì làm sao mà xem được”.

Câu chuyện World Cup bị gián đoạn giữa chừng bởi buổi học đã kết thúc. Trong khi thầy C. đến tận nơi phát cho mỗi học viên một đề thi trắc nghiệm để tối còn ôn luyện thì không ít sĩ tử đã “nhẹ nhàng” rời khỏi phòng thi tiếp tục cuộc “hẹn hò”.

Nguyễn Hùng

Dòng sự kiện: Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010