Các trường ĐH điều chỉnh phương án tuyển sinh

Dù vẫn chờ quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng thời điểm này, nhiều trường ĐH đã có điều chỉnh, bổ sung phương án tuyển sinh cho năm 2017 và các năm tới.

Năm 2017, ĐHQG Hà Nội tiếp tục phương thức tuyển sinh bằng việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Đề thi bao gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 195 phút. Do một số trường phía Nam mong muốn sử dụng kết quả thi của ĐHQG Hà Nội nên năm nay, ĐH này sẽ mở rộng thêm 3 điểm thi ở Khánh Hòa, TP HCM và Đồng Tháp, đồng thời dự kiến tăng số đợt thi đánh giá năng lực lên 3, vào các tháng 5, 7 và 12.

Mở rộng điểm thi, tăng khối thi

Lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết nhóm GX gồm 12 trường (Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Ngoại thương, Thủy lợi, Giao thông Vận tải, Mỏ Địa chất, Thăng Long, Công nghiệp Hà Nội, Công nghệ Giao thông Vận tải, Ngân hàng, Học viện Chính sách và Phát triển) cũng sẽ dùng điểm thi THPT quốc gia 2017 để xét tuyển ĐH. Sở dĩ nhóm quyết định chọn phương án này là bởi muốn thí sinh đỡ sốc hoặc quá áp lực trước nhiều thay đổi trong thi cử. Tuy nhiên, dự kiến 1-2 năm tới, nhóm sẽ có phương án thi riêng. Đặc biệt, nhóm dự định sẽ mở rộng từ 12 đến 20 trường trong năm tới để giảm tỉ lệ thí sinh ảo.

Học sinh tìm hiểu thông tin vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Học sinh tìm hiểu thông tin vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Ông Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thông tin: phương án tuyển sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2017 vẫn thiên về sử dụng điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển. Bên cạnh đó, trường xét thêm một vài tiêu chí phụ, như xét điểm học bạ 3 năm của tổ hợp các môn thi. Riêng chuyên ngành báo chí, trường vẫn tiếp tục tổ chức thi thêm bài thi năng khiếu để sàng lọc thí sinh. Một điểm đáng chú ý nữa là trong năm 2017, trường chủ trương tăng khối thi, thêm cả khối A cho chuyên ngành báo ảnh và quay phim.

GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết trong năm 2017, trường tiếp tục tuyển sinh theo phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi THPT quốc gia. Ông Tú cũng bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đặc biệt chú ý đến khâu ra đề để dù thi trắc nghiệm, các trường vẫn tuyển được đúng người tài.

Xét năng lực, mở ngành mới

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết định hướng về tuyển sinh năm 2017 của trường là sẽ xét học bạ của thí sinh trước để đánh giá khả năng, sự phù hợp của thí sinh đối với ngành học, sau đó sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như ĐHQG Hà Nội. Từ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi đánh giá năng lực, trường sẽ xét tỉ trọng điểm trong tổng điểm xét tuyển. Tất nhiên, kế hoạch tuyển sinh sẽ được xác định cụ thể sau khi bộ ban hành quy chế.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, mùa tuyển sinh 2017, trường có kế hoạch chỉ xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia nhưng sẽ rút ngắn thời gian xét tuyển chứ không nhất định kéo dài 10 ngày như năm 2016 và số đợt xét tuyển tùy thuộc vào kết quả tuyển sinh đợt đầu. Trường cũng xây dựng phần mềm xét tuyển riêng chứ không phụ thuộc vào phần mềm xét tuyển của bộ, các chính sách ưu tiên đối với thí sinh, trường vẫn thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết trường đang đợi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế để có cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Hiện trường đang xem xét khả năng tổ chức thi riêng hoặc kết hợp với ĐHQG TP HCM tổ chức thi.

TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP HCM, thông tin: Năm 2017, trường vẫn xét tuyển ĐH dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia chứ không tổ chức thi riêng. Với việc xét tuyển, trường sẽ tách điểm thành phần môn trong các bài thi tổ hợp để xét vào các khối. Năm 2017, chỉ tiêu xét tuyển của trường sẽ tăng và trường có thêm 4 ngành mới là công nghệ thông tin, kiểm toán, quản trị nhân sự, kinh doanh quốc tế.

Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, năm 2017, trường vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển và giữ ổn định ở các tổ hợp xét tuyển. Chỉ tiêu tuyển sinh vẫn không thay đổi dù trường có thêm ngành mới là quản lý tài nguyên rừng. Trường sẽ điều chỉnh, cân đối lại chỉ tiêu của từng ngành dựa theo nhu cầu xã hội.

Vẫn dùng chung phần mềm xét tuyển?

Theo một lãnh đạo Bộ GD-ĐT, dự kiến năm 2017, tất cả các trường ĐH trên cả nước sẽ xét tuyển chung trên cơ sở dữ liệu do bộ quản lý. Với phương án xét tuyển chung trong cả nước, tất cả các trường ĐH đều sẽ tham gia, kể cả các trường khối quân đội, công an. Do đó, việc tổ chức xét tuyển theo nhóm như nhóm GX năm ngoái cũng sẽ không còn nữa. Các trường cũng sẽ tham gia cùng bộ để điều chỉnh trong khâu chạy phần mềm dữ liệu nhằm chọn ra số lượng thí sinh trúng tuyển của năm nay. Theo đó, sau khi chạy cơ sở dữ liệu, bộ sẽ cung cấp kết quả để các trường tham khảo.

Sau khi các trường điều chỉnh, đưa ra các tiêu chí, điều kiện thêm, bộ sẽ tiếp tục chạy cơ sở dữ liệu một lần nữa để đưa ra kết quả cuối cùng. Được biết, Bộ GD-ĐT cũng đã họp với một số trường ĐH bàn phương án để làm sao vừa có thể xét tuyển chung mà các trường vẫn có thể tự chủ trong xét tuyển. Theo đó, với phương án xét tuyển chung, các trường sẽ có lợi hơn khi không còn thí sinh ảo, đồng thời cũng không ảnh hưởng gì tới chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.

Theo Yến Anh - Huy Lân

Người Lao Động