Cảnh giác với chương trình liên kết đào tạo… dễ dàng với người học

(Dân trí) - Hiện nay, Việt Nam có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo (LKĐT), trong đó không tránh khỏi những chương trình LKĐT “rởm”. Vậy, làm thế nào để chọn được chương trình chuẩn và được phép của Bộ GD-ĐT?

Để nhận diện đúng chương trình liên kết đào tạo, phóng viên Dân trí đã trao đổi với GS-TSKH Phạm Sỹ Tiến - nguyên Vụ trưởng Vụ Sau đại học, Trưởng ban Điều hành Đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài (Đề án 322), chuyên gia Cục Đào tạo với nước ngoài phê duyệt chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với nước ngoài.

Thưa Giáo sư ở Việt Nam hiện nay có những loại chương trình liên kết đào tạo nào?

Có thể hiểu liên kết đào tạo (LKĐT) là tất cả các hình thức hợp tác mà phía nước ngoài không cần thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam; hai phía đối tác cùng cung cấp một chương trình đào tạo có thể là chương trình hoàn toàn của nước ngoài, hoặc chương trình do hai bên cùng xây dựng; hai bên thống nhất phân bổ thời gian đào tạo tại Việt Nam và thời gian ở nước ngoài, văn bằng do phía nước ngoài hoặc hai phía cùng cấp.

Với định nghĩa đó, các chương trình tiên tiến do Bộ GD-ĐT triển khai tại các trường đại học (ĐH) trọng điểm và chương trình đào tạo của các ĐH do nước ngoài đầu tư 100% như Đại học RMIT, ĐH Việt Nam - Anh Quốc hoặc các ĐH Việt Nam được sự hỗ trợ của nước ngoài như ĐH Việt - Đức, ĐH Khoa học và Công nghệ Việt - Pháp không thuộc chương trình LKĐT.

Các chương trình LKĐT có thể phân theo hai nhóm: nhóm các chương trình LKĐT được hỗ trợ của nhà nước hay tổ chức nước ngoài và nhóm các chương trình LKĐT do người học đóng góp về tài chính (tự phí).

Các chương trình LKĐT được hỗ trợ của nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế phần lớn đã kết thúc, hiện tại chỉ còn rất ít và chủ yếu do giảng viên Việt Nam đảm nhiệm. Mặc dù vậy, chất lượng đào tạo của các chương trình này vẫn đảm bảo tốt.

Các chương trình LKĐT dựa vào hỗ trợ tài chính của Nhà nước bị khống chế về số lượng. Với sự năng động của các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) bao gồm cả công lập và ngoài công lập, các chương trình LKĐT tự phí đã tăng nhanh với số lượng hơn 400 chương trình.

LKĐT tự phí còn tập trung nhiều trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, những ngành mà trong nước đang đào tạo nhiều. Tuy ít nhưng cũng đã có LKĐT về công nghệ hóa, công nghệ hóa dược, công nghệ xây dựng, công nghệ thông tin và phần mềm, điện - điện tử của các trường đại học kỹ thuật.

Vậy, trong hơn 400 chương trình liên kết đào tạo này, trong đó có khoảng bao nhiêu chương trình liên kết đào tạo “rởm”?

LKĐT tự phí, thời gian vừa qua gặp một số điều tiếng không hay do sự triển khai không đúng qui định của một số cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH), nhưng Bộ GD-ĐT đã uốn nắn, chấn chỉnh.

LKĐT tự phí đã và sẽ phát triển nhanh vì có những ưu thế đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu của một bộ phận không nhỏ người học. Ngoại trừ một số trường hợp LKĐT với cơ sở nước ngoài không có chức năng giáo dục ĐH hoặc chưa được kiểm định một cách nghiêm túc, phần lớn chương trình LKĐT đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, chương trình này rút ngắn thời gian học tập tại nước ngoài, tiết kiệm chi phí vì chi phí ở các chương trình LKĐT thấp nhiều so với học tập toàn thời gian ở nước ngoài, giảm chảy ngoại tệ ra nước ngoài cho đất nước. 

Cảnh giác với chương trình liên kết đào tạo… dễ dàng với người học

Việt Nam hiện có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo, người học cần phải nghiên cứu kỹ trước khi đăng ký học.

Nên chọn chương trình liên kết đào tạo có thứ hạng cao

Là người có kinh nghiệm nhiều năm quản lý chương trình LKĐT, GS chia sẻ với người học về cách nhận biết chương trình LKĐT đúng?

Với người học, khi tham gia một chương trình LKĐT nào đó cần nghiên cứu kỹ để nhận diện đúng chương trình đó. LKĐT phải được Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Các LKĐT do các ĐH Quốc gia, ĐH vùng cấp phép phải tuân thủ các quy định của Bộ GDĐT về kiểm định chất lượng của CSGDĐH nước ngoài, yêu cầu năng lực của đội ngũ giảng viên nước ngoài và Viêt Nam, yêu cầu về ngoại ngữ đối với người học, nhất là các chương trình LKĐT đào tạo toàn thời gian tại Việt Nam (còn gọi là du học tại chỗ).

Nên chọn chương trình LKĐT mà CSGDĐH nước ngoài có thứ hạng càng cao càng tốt. Có thể nghiên cứu xếp hạng của U.S. News Best Colleges, của THE World university rankings, và xếp hạng trường đại học của các quốc gia…

Có thể nhận định rằng chương trình LKĐT có phần thời gian đào tạo tại nước ngoài (du học bán phần) đảm bảo chất lượng đào tạo hơn du học tại chỗ. Nên cảnh giác với các chương trình LKĐT quá dễ dàng đối với người học.

Cũng cần lưu ý trường hợp nhượng quyền (franchise) tức là phía nước ngoài bán quyền sửdụng chương trình đào tạo và cho phép cơ sở GDĐH Việt Nam giảng dạy bằng tiếng Việt và cấp văn bằng của họ. Người học cần nghiên cứu các tài liệu quốc tế, không chỉ đọc tài liệu tự giới thiệu của phía nước ngoài, CSGDĐH Việt Nam không nên nhận chuyển nhượng từ một tổ chức đa chức năng, không thuần túy làm nhiệm vụ GDĐH.

Chương trình liên kết đào tạo Tiến sĩ ở Việt Nam có nhiều không thưa GS và chất lượng đào tạo thế nào?

Rất ít chương trình LKĐT tiến sĩ tự phí ở Việt Nam. Đào tạo tiến sĩ ở Hoa Kỳ qui định rất khắt khe ở chỗ: 2 năm đầu yêu cầu nghiên cứu sinh học một số môn học cần thiết hoặc thực tập làm thí nghiệm tại trường ở Hoa Kỳ, yêu cầu ngoại ngữ tối thiểu phải là đạt 550 điểm TOEFL (thi giấy) hoặc tương đương. Muốn được học tiếp, nghiên cứu sinh phải vượt qua kì thi tổng hợp (comprehensive) do chính khoa/bộ môn thực hiện.

Như vậy, hầu như chỉ các trường ĐH Hoa Kỳ không được xếp hạng mới bỏ qua qui định thông thường của Hoa Kỳ để đến Việt Nam LKĐT tiến sĩ, thậm chí đào tạo từ xa hoặc trực tuyến.

Cơ quan quản lí Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra để loại bỏ các LKĐT không đúng qui định, nhưng đồng thời cần sửa đổi các quyết định, qui định không phù hợp Nghị định số 73/2012/NĐ-CP là cơ sở pháp lý cao nhất đối với LKĐT hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Hồng Hạnh