Chiều nay, công bố phương án thi quốc gia năm 2015

(Dân trí) - Thông tin từ Bộ GD-ĐT, chiều nay 9/9, tại buổi họp báo định kỳ Quý III, Bộ sẽ công bố phương án thi quốc gia năm 2015. Phương án tuyển sinh mới này không phải là một trong 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đã trưng cầu ý kiến.

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục đổi mới các kỳ thi theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia, đáp ứng hai yêu cầu sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời làm cơ sở tin cậy để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong quá trình thực hiện việc tự chủ tuyển sinh của trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Do đó, hôm nay ngày 9/9, Bộ GD-ĐT chính thức công bố phương án thi quốc gia năm 2015.

Thí sinh hồi hộp chờ đợi phương án thi quốc gia mới

Thí sinh hồi hộp chờ đợi phương án thi quốc gia mới.

Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "16 giờ chiều nay ngày 9/9, Bộ công bố phương án thi quốc gia năm 2015. Phương án của kỳ thi quốc gia không theo hẳn một phương án nào đã công bố, nhưng, dù theo cách nào thì cũng làm đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Phân tích về lợi ích của kỳ thi quốc gia 2 trong 1 có lợi cho thí sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Việc tổ chức một kì thi quốc gia rất có lợi cho thí sinh, trước hết các em chỉ thi một kì thi thôi nhưng sử dụng kết quả đó để xét rất nhiều trường ĐH, CĐ. Các em thi xong, có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển. Vì vậy, tránh hoàn toàn rủi ro mà quy định của kì thi ba chung trước đây. Khi có kết quả tuyển sinh rồi, tùy theo kết quả đạt được mới xét tuyển vào các trường mà yêu cầu đầu vào phù hợp.

Đối với các em đã có bằng phổ thông, nếu năm tới tổ chức kì thi quốc gia, các em chỉ thi những môn liên quan trường mà mình đăng ký xét tuyển, còn những môn không liên quan, các em có quyền không thi vì không sử dụng kết quả ấy để công nhận tốt nghiệp phổ thông”.

Về phía các trường, Thứ trưởng Ga cho rằng: “Rõ ràng, kết quả này không phải duy nhất để các trường ĐH, CĐ dựa vào đó để tuyển sinh. Khác với kì thi 3 chung trước đây bắt buộc các trường phải sử dụng kết quả ấy để tuyển sinh, với các quy định ngặt nghèo, bây giờ, các trường tự chủ tuyển sinh rồi, Bộ chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu của kì thi quốc gia này. Các trường hoặc sử dụng toàn bộ kết quả đó để tuyển sinh, hoặc sử dụng một phần kết quả, kết hợp kiểm tra thêm về năng lực, chỉ số thông minh…

Thậm chí, các trường thấy cần thiết yêu cầu chất lượng cao hơn có thể tổ chức một kì thi riêng vào trường. Như vậy, tùy chất lượng nguồn tuyển, cũng như đặc thù học ngành nghề khác nhau các trường tự quyết phương án tuyển sinh của mình”.

Theo thứ trưởng Ga, trong đề án về kì thi quốc gia này, Bộ cũng đề xuất các giải pháp để đảm bảo độ tin cậy, công bằng cho kì thi. Chẳng hạn, tổ chức điểm thi theo từng cụm, tỉnh, tổ chức chấm thi chung cụm liên tỉnh, các vùng. Cán bộ tham gia kì thi quốc gia này gồm cán bộ sở GD-ĐT, trường phổ thông, trường đại học cùng tham gia, và chúng ta làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính công bằng.

Thi bắt buộc 3 môn, tổ chức nhiều cụm thi

Theo thông tin mới nhất về phương án thi mới năm 2015 là việc coi thi và chấm thi sẽ giao cho các trường ĐH.

Việc tổ chức thi sẽ giao cho các trường ĐH thực hiện tại các cụm thi giống như 4 cụm thi quốc gia của kỳ thi “ba chung” vừa qua. Các cụm thi của kỳ thi quốc gia có thể sẽ được mở rộng hơn 4 cụm thi hiện nay và sẽ do một số trường ĐH lớn chủ trì tổ chức. Thí sinh sẽ lấy kết quả của kỳ thi quốc gia này để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Thí sinh nào muốn thi để tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ thi ở những cụm thi này. Thí sinh nào không muốn tham gia xét tuyển mà chỉ muốn lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT thì sẽ có quyền thi ở địa phương, không phải đi lại tốn kém, vất vả. Việc tổ chức thi ở địa phương sẽ do các Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm.

Đối với mục tiêu tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ thi tại địa phương 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn thi tự chọn. Đối với các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ, ngoài việc thi 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn như trên để đủ điều kiện xét tốt nghiệp, thí sinh sẽ phải thi thêm các môn phù hợp với yêu cầu xét tuyển của các trường ĐH, CĐ mà các thí sinh muốn theo học.

Các trường ĐH, CĐ sẽ phải công bố yêu cầu về việc xét tuyển của mình ít nhất trước kỳ thi 6 tháng để thí sinh biết và chuẩn bị. Năm nào cũng thi kỳ thi quốc gia và chỉ tổ chức thi 1 lần.

Hồng Hạnh