Cho các trường đại học liên kết thành nhóm xét tuyển chung

(Dân trí) - Ngày 18/5, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về công tác tuyển sinh năm 2016 của các trường. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu Hiệp hội tạo điều kiện hỗ trợ cho các trường liên kết thành nhóm xét tuyển chung, hạn chế bất cập thí sinh ảo.

Để tổ chức tốt công tác tuyển sinh năm 2016 của các trường, đảm bảo công bằng, thuận lợi cho thí sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị Hiệp hội các trường ĐH,CĐ thông tin kịp thời, đầy đủ các quy định về tuyển sinh, kết quả tuyển sinh của trường theo đúng quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ hệ chính quy hiện hành và các văn bản hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, tạo điều kiện hỗ trợ cho các trường liên kết thành nhóm xét tuyển chung, hạn chế bất cập của thí sinh ảo, tạo thuận lợi cho nhà trường và thí sinh.

Hiệp hội cần nắm bắt các vướng mắc phát sinh trong quá trình xét tuyển đại học, cao đẳng, tư vấn đưa ra các biện pháp hữu hiệu để xử lý kịp thời các tình huống. Ngoài ra, cần tuyên truyền những lợi ích thiết thực của việc đổi mới tuyển sinh để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Sau đó, Hiệp hội cần tổ chức rút kinh nghiệm sau khi kết thúc tuyển sinh năm 2016; đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới kỳ tuyển sinh năm 2017 và những năm tiếp theo.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, một trong những giải pháp được dư luận hoan nghênh trong thời gian qua là tuyển sinh chung theo nhóm trường.

Hiện tại có 2 nhóm trường đã hình thành, đó là nhóm GX ở Hà Nội và nhóm Đại học Đà Nẵng. Về mặt kỹ thuật, nếu quy mô nhóm càng lớn thì việc xét tuyển càng thuận lợi đối với thí sinh cũng như đối với các trường tham gia nhóm. Do đó nếu nhiều trường ĐH tự nguyện tham gia vào một nhóm lớn để thí sinh trong cả nước có thể đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên thì có thể sử dụng một phần mềm phân tích cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển chung để giúp hạn chế tối đa thí sinh ảo, qua đó tư vấn giúp các trường quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển phù hợp nhất.

"Thực chất đây chỉ là phần mềm lọc ảo để hỗ trợ cho các trường trong xét tuyển, kết quả (nếu có) cũng chỉ để tư vấn cho các trường, việc sử dụng kết quả đó như thế nào là do các trường tự quyết định" - Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Ga, đến thời điểm hiện nay, tất cả các khâu chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia cũng như xét tuyển ĐH, CĐ đã được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Cuối tháng 4 vừa rồi việc đăng ký dự thi của tất cả thí sinh đã thực hiện xong. Hiện nay, dữ liệu đã gửi về Bộ, Bộ đang tiến hành tổng hợp, phân tích, sau đó sẽ chuyển cơ sở dữ liệu về cho các cụm thi để xếp số báo danh.

Hồng Hạnh