Chọn cùng lúc 2 bài thi tổ hợp: Coi chừng kiệt sức

Các chuyên gia giáo dục cho rằng đây là cách tính “nghĩ già hóa non” vì nếu quá ôm đồm, việc ôn tập và thi cử sẽ vô cùng áp lực.

Cũng như năm 2017, quy chế thi Trung học phổ thông Quốc gia năm nay cho phép thí sinh được thi cùng lúc 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trên thực tế, hiện vẫn còn một bộ phận học sinh mong muốn hình thức thi này.

Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục và đại diện nhiều trường cho rằng, đây là cách tính “nghĩ già hóa non” vì nếu quá ôm đồm, việc ôn tập và thi cử của các em sẽ vô cùng áp lực.

Chọn cùng lúc 2 bài thi tổ hợp: Coi chừng kiệt sức - 1

Thí sinh làm hồ sơ đăng ký thi THPT Quốc gia năm tại TPHCM.

Đến thời điểm hiện tại, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân ở quận Thủ Đức, TPHCM đã hoàn tất công đoạn khảo sát nguyện vọng đăng ký bài thi tổ hợp của học sinh khối 12. Theo đó, trong tổng số gần 580 học sinh khối 12 của trường thì 414 em đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, 164 em chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội và 7 em đăng ký cả 2 bài tổ hợp.

Ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân cho biết nhà trường đã tư vấn kỹ lại cho các em nhưng kết quả không thay đổi. Theo ông Bình, cách nghĩ của các em không sai, tuy nhiên nếu dàn trải như vậy người mệt chính là các em vì thời gian còn lại không nhiều.

“Đối với các em học sinh lớp 12 hiện nay đang trong quá trình chuẩn bị thi Trung học phổ thông Quốc gia, theo tôi thứ nhất các em nên xác định rõ tổ hợp mà mình sẽ phải dự thi. Tổ hợp này phải phù hợp với năng lực của các em và phù hợp với khối xét tuyển đại học mà các em đang nhắm tới.” - ông Bình nói.

Tại nhiều trường trung học phổ thông khác trên địa bàn TPHCM, vẫn còn một bộ phận học sinh đăng ký cùng lúc 2 bài thi tổ hợp. Lý do các em đưa ra là mong muốn gia tăng cơ hội đậu tốt nghiệp vì theo quy chế, khi đăng ký 2 bài thi tổ hợp, điểm bài nào cao hơn sẽ được chọn để xét tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Theo ông Ngô Tương Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quang Trung – Nguyễn Huệ, nguyên nhân thì có nhiều nhưng sẽ tập trung vào 2 trường hợp: “Trường hợp thứ nhất là thí sinh muốn thử sức mình. Lý do thứ hai là vì các em học yếu nên muốn thi để chọn lấy tổ hợp cao điểm hơn. Thế nhưng theo cá nhân tôi, các em không nên thi cùng lúc 2 bài thi tổ hợp vì như vậy phải căng ra học 6 môn. Như vậy việc học và thi sẽ làm mất thì giờ của các em.”.

Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 có 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Để xét tốt nghiệp, thí sinh học chương trình giáo dục trung học phổ thông phải dự thi 4 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp.

Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên không cần thi Ngoại ngữ nếu chỉ xét tốt nghiệp. Để xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp, ngoài các môn bắt buộc, thí sinh phải chọn bài thi tổ hợp có môn thi phù hợp với tổ hợp bài, môn xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường.

Chọn cùng lúc 2 bài thi tổ hợp: Coi chừng kiệt sức - 2

Tại nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn TPHCM, một bộ phận học sinh đăng ký cùng lúc 2 bài thi tổ hợp.

Theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, việc chọn cùng lúc 2 bài thi tổ hợp sẽ khiến thí sinh căng thẳng hơn trong thi cử: “Theo quy định, mỗi thí sinh phải thi tối thiểu 4 bài thi, tương đương với 6 môn thi. Nếu thí sinh thi cả 5 bài thi thì đồng nghĩa với việc các em phải thi cả 9 môn thi. Như vậy rất nặng. Do đó, tuy quy chế thi rất thoáng nhưng theo tôi thí sinh cần hết sức cân nhắc.”.

Tôn trọng sở thích, nguyện vọng của thí sinh nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, học sinh lớp 12 cần suy nghĩ thật kỹ về vấn đề này.

Nếu không tự lượng sức và không tính toán dựa trên tình hình thực tế, các em rất dễ rơi vào tình trạng lãng phí thời gian vào giai đoạn gây cấn nhất của quá trình ôn tập. Suy cho cùng, việc thi nhiều môn không quan trọng bằng việc tập trung ôn tập vào tổ hợp môn dùng để xét tuyển đại học. Việc ôn tập có trọng tâm, đúng theo thế mạnh của bản thân sẽ mang lại kết quả khả quan hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong lý giải: “Khi các em thi cùng lúc nhiều môn thì tất cả những môn đó đâu cao điểm hết được. Rồi khi chọn mình cũng phải chọn những môn cao điểm nhất để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học chứ đâu chọn môn thấp điểm. Do vậy tôi khuyên các thí sinh cần suy nghĩ thấu đáo. Các em hãy chọn trường, chọn ngành trước xem các trường, ngành đó cần những môn thi gì rồi từ đó mới quyết định.”.

Từ tuần sau, thí sinh bắt đầu bước vào giai đoạn làm hồ sơ đăng ký thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Thời gian để thí sinh suy nghĩ, cân nhắc không còn nhiều. Do vậy, các chuyên gia cho rằng thí sinh cần hết sức tỉnh táo, lắng nghe thông tin nhiều nguồn, đối chiếu với khả năng hiện có của bản thân để chọn bài thi tổ hợp cho hợp lý. Vì theo quy chế, khi đã đăng ký cùng lúc 2 bài thi tổ hợp, thí sinh buộc phải thi 2 bài thi này. Thí sinh bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài và không được xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo Mỹ Dung

VOV