Cô bạn chuyên Hóa đỗ thủ khoa khối D1 ĐH Ngoại thương

(Dân trí) - Học chuyên Hóa nhưng Chử Phương Linh khiến nhiều người phải nể phục khi "ẵm" ngôi thủ khoa khối D1 ĐH Ngoại thương với 28 điểm, trong đó, điểm 3 môn thi khá "đẹp” và đều: Toán 9,25; Văn 9,25 và Anh 9,25.

Đỗ thủ khoa khối D1 ĐH Ngoại thương nhưng do giành được học bổng nên hiện tại, cô cựu học sinh lớp 12 chuyên Hóa Trường THPT chuyên thuộc ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã sang du học tại trường Trường Lee Kong Chian School of Business, Singapore Management University (SMU). 

Cô bạn chuyên Hóa đỗ thủ khoa khối D1 ĐH Ngoại thương - 1
Phương Linh (bên phải) chụp cùng bạn trong lễ bế giảng lớp 12.

Tận dụng mọi thời gian học bài

Bí quyết học môn Văn của Linh nằm ở thói quen ghi âm lại bài giảng của thầy dạy Văn vào điện thoại di động và nghe lại bất cứ khi nào có thể. Suốt năm lớp 12, mỗi sáng và trưa ngồi xe buýt đến trường và về nhà, Linh đều nghe bài giảng của thầy.

Cứ như thế, việc tận dụng mọi khoảng thời gian và không gian có thể để học là một trong những bí quyết giúp Linh có được điểm thi ĐH “cao ngất”.

Bên cạnh việc đi học ở trường và các lớp học thêm thì với Linh thời gian tự rèn luyện ở nhà cũng vô cùng quan trọng. Luôn coi việc học là số 1, từ khi lên lớp 12, cô bạn dành nhiều thời gian cho việc học tập hơn, bớt đi chơi, bớt lên mạng tán gẫu. Khi ở nhà, Linh dành đều thời gian cho các môn học, mỗi môn học khoảng 2-3h rồi chuyển sang môn khác, cứ thế lần lượt Toán, Văn, Anh và các môn khác.

Với môn Toán, Linh cố gắng làm nhiều bài tập để nhớ các dạng bài và rèn luyện cách trình bày sao cho thật chỉn chu.

Linh bật mí: "Theo tớ, việc trình bày bài là rất quan trọng vì nó sẽ quyết định bạn có đạt được điểm tuyệt đối cho những phần bạn làm hay không. Trong bài thi môn Toán của mình, tớ làm được 9/10 bài. Bài còn lại tớ không thể đi đến đáp số, nhưng cố gắng viết ra hướng suy nghĩ của mình và những kết luận nhỏ có thể được suy ra từ dữ kiện đề bài. Kết quả là tớ được 9,25".

Với môn Văn, Linh thường đọc các bài phân tích của các giáo sư hay thầy cô giáo trong các cuốn sách tham khảo, đánh dấu lại những lời đánh giá sắc sảo để trích dẫn trong bài viết của mình.

Môn tiếng Anh lại yêu cầu phải nhớ những chi tiết nhỏ, những cấu trúc ngữ pháp và cụm từ vựng. Vì thế, Linh tăng cường đọc sách báo bằng tiếng Anh để nâng cao vốn từ, làm lại đề thi của các năm trước để làm quen với cấu trúc đề thi.

Hơi tiếc khi không học ĐH Ngoại thương

Linh là con cả trong một gia đình có hai chị em, bố là nhà báo, mẹ là nhân viên văn phòng, cô bạn được bố mẹ đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập.

Trong mắt bạn bè, Linh là một người chăm chỉ, toàn diện, mạnh mẽ và quyết đoán. Suốt 4 năm cấp 2, Linh liên tục đứng đầu lớp H1, Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với điểm số trung bình môn “ngất ngưởng”, nhiều học kỳ đạt 9,7; 9,8.

Học chuyên Hóa nhưng Linh thừa nhận mình có thế mạnh về tiếng Anh. Linh đã có chứng chỉ TOEFL IBT, đạt 111/120 điểm.

Là dân chuyên nhưng Linh không bao giờ cho phép mình chỉ chú trọng vào môn chuyên mà bạn luôn cố gắng học đều tất cả các môn.

Linh bắt đầu đăng ký vào Trường Singapore Management University (SMU) vào học kì 2 của lớp 12. Ban đầu, Linh gửi hồ sơ với tất cả bảng điểm và thành tích học tập cùng với hoạt động xã hội của mình cho trường, kèm theo 1 bài luận.

Sau khi được gọi đi phỏng vấn học bổng tại Hà Nội, Linh gửi điểm thi tốt nghiệp THPT cho trường. Kết quả là bạn được nhận học bổng ASEAN (gồm toàn bộ học phí và 1 phần chi phí sinh hoạt).

Vậy là chỉ mấy ngày sau khi thi ĐH, Linh đã sang Singapore du học theo học bổng. Trước đó, Linh vừa ôn thi ĐH Ngoại thương vừa chuẩn bị cho chuyến đi. Do vậy, bạn cũng không hi vọng mình đỗ thủ khoa khối D1 ĐH Ngoại thương.

Cô bạn chuyên Hóa đỗ thủ khoa khối D1 ĐH Ngoại thương - 2
Phương Linh chụp tại khuôn viên Trường Singapore Management University (SMU).

Không học ĐH Ngoại thương, Linh cảm thấy tiếc nuối vì ĐH Ngoại thương là một lựa chọn mà cô bạn phải bỏ qua khi quyết định học SMU.

Trước mắt, Linh muốn hoàn thành thật tốt chương trình ĐH tại SMU trong 4 năm tới. Sau đó, Linh sẽ ở lại Singapore làm việc 3 năm (đây là điều kiện ràng buộc của Bộ Giáo dục Singapore khi cấp học bổng). Linh cho rằng, 3 năm này cũng sẽ là một trải nghiệm cần thiết cho những bước đi tiếp theo của mình. Sau đó, cô dự định sẽ học tiếp thạc sĩ Quản trị Kinh doanh.

Bài: Linh Anh
Ảnh:Nhân vật cung cấp