Đề Văn không mới, tưởng dễ nhưng khó đạt điểm tốt

(Dân trí) - Không chạy theo xu hướng ra đề theo vấn đề thời sự, sự kiện nóng sốt, đề Văn trong kỳ thi THPT quốc gia theo nhiều giáo viên đề văn không mới khi nội dung nằm gọn trong chương trình.

Đề chưa như mong đợi

Thầy Trịnh Quỳnh - giáo viên dạy Văn Trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định chia sẻ thầy khá bất ngờ với đề Văn, bất ngờ vì đề không mới, quá quen thuộc, toàn bộ văn bản đều trong sách giáo khoa, nội dung cũng không thời sự hay mang tính thực tiễn.

Thầy Quỳnh phân tích, nội dung câu nghị luận văn học đưa ra một ý kiến về tình huống truyện đã khá cũ và quen thuộc, học sinh đã được rèn luyện nhiều, có thể nói là các em được ôn luyện đến mòn mỏi. Đề thi vẫn còn cần học sinh phải học thuộc và tái hiện kiến thức, nhất là ở câu nghị luận văn học, khối lượng kiến thức ở câu này khá lớn nên khó phát huy được khả năng của học sinh. Tuy nhiên học sinh phải giải thích ý kiến tình huống bất thường và khát vọng bình thường, biết cách phân chia luận điểm rõ ràng mới hy vọng đạt điểm cao.

Đề thi môn Văn khá cũ, không như dự đoán của nhiều giáo viên và học sinh
Đề thi môn Văn khá cũ, không như "dự đoán" của nhiều giáo viên và học sinh

Câu nghị luận xã hội "Sự hèn nhát khiến con người ta đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình" đề cập đến hai mặt của một vấn đề giúp học sinh tư duy đa diện và phải sử dụng đến thao tác bàn luận so sánh. Các em cũng không khó sử dụng các dẫn chứng trong đời sống để làm sáng tỏ vấn đề.

Nhìn chung, thầy Trịnh Quỳnh cho rằng đề không chạy theo vấn đề thời sự, không theo xu hướng nên tính an toàn cao. Học sinh nào chắc kiến thức, có nền tảng không chạy theo xu hướng, có kỹ năng làm bài nghị luận về một ý kiến văn học sẽ đạt điểm cao.

“Văn bản cũ nên chưa hứng thú và chưa đúng như mong đợi của giáo viên và học sinh”, thầy Quỳnh chia sẻ với Dân trí.

Cô Thu Huyền, một giáo viên dạy Văn ở TPHCM chia sẻ, nhiều học sinh vừa rời phòng thi đã í ới ngay với cô nói rằng: “Đề Văn chán lắm cô ơi” cho dù các em làm được bài tương đối được. Đề khá cũ và tính an toàn cao, nội dung, kiến thức cũ nên có thể đã không tạo được sự hào hứng cho thí sinh vì nó không như mong đợi. Đề bất ngờ không phải vì hay, lạ mà vì… khá nhàm.

Một số giáo viên cũng nêu ra quan điểm có thể việc ra đề mới theo chạy theo xu hướng hay việc né tránh đề cũ khiến người ta mệt mỏi nên họ chọn cách… quay trở về với đề thi truyền thống. Tuy vậy, câu nghị luận văn học trích ý kiến về tác phẩm Vợ nhặt không mới, hay có thể nói là dù cũ nhưng nhiều ý kiến nhận xét rằng vẫn hay.

Đạt điểm trung bình cũng không dễ

Thấy Huỳnh Văn Thế, giáo viên Văn Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long nhận xét đề Văn có tính phân hóa rõ. Vấn đề đề cập trong đề không mới nhưng đòi hỏi khả năng vận dụng cao ở học sinh. Mức độ trung bình 5 điểm không phải dễ đạt.

Học sinh rất dễ bị mất điểm phần đọc hiểu ở những câu vận dụng như câu 4, câu 8. Học sinh lưu ý, ở câu 4 và câu 8 phần đọc hiểu, đòi hỏi học sinh phải đạt cả 2 yêu cầu kiến thức và kĩ năng (bàn đúng vấn đề, hình thức đoạn văn đúng dung lượng, không mắc các lỗi diễn đạt dùng từ đặt câu).

Thí sinh ở TPHCM làm thủ tục thi môn Văn
Thí sinh ở TPHCM làm thủ tục thi môn Văn

Câu nghị luận xã hội không mới khi cho hai vấn đề tương phản ngay trong cùng câu nói, nhưng điểm tối đa thì khó đạt, đòi hỏi dẫn chứng phải sát thực tế, hành văn phải mang tính sáng tạo. Câu nghị luận văn học học sinh dễ rơi vào việc phân tích nhân vật Tràng, thị. Khá hơn, có thể chỉ tập trung vào tình huống truyện - tình huống nhặt vợ mà quên đi việc bình luận ý kiến bàn về tác phẩm. Đề thi không đánh đố, đòi hỏi suy luận.

Đề thi ít nhận biết, đọc đề là nhận ra yêu cầu ngay, mức độ thông hiểu và vận dụng cao, nhất là ở câu làm văn. Đối với học sinh trung bình, yếu của các trường giáo dục thường xuyên với đề thi này rất đáng lo.

Thầy Thế cũng bộc bạch thêm, năm nào cũng có nhiều người cho đề dễ. Ví dụ như đề năm trước, riêng ở Vĩnh Long có hàng ngàn học sinh dưới điểm trung bình, có điểm 0. Ở nhiều nơi khác cứ cho đề dễ, đợi tới lúc công bố đáp án chính thức, nhiều người sẽ thấy học sinh khó lòng đạt được trung bình.

Hoài Nam