ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN: Sinh viên “vỡ mộng” vì ngành học kép?

(Dân trí) - Sinh viên ngành Tiếng Anh (721) thuộc khóa QH2009 vừa nhận bằng tốt nghiệp đã vô cùng thất vọng vì tưởng rằng sẽ được nhận bằng kép liên kết đào tạo giữa trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.

“Choáng” khi nhận bằng tốt nghiệp!

Trong thư phản ánh gửi tới báo điện tử Dân trí, tập thể sinh viên của các lớp ngành Tiếng Anh (721) thuộc khoá QH2009, chuyên ngành Tiếng Anh Tài chính - Ngân hàng, Tiếng Anh Kinh tế đối ngoại, Tiếng Anh Quản trị kinh doanh trình bày: "Năm 2009, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN bắt đầu tuyển sinh năm đầu tiên cho chương trình đào tạo Tiếng Anh mới, bao gồm các chuyên ngành Tiếng Anh Kinh tế đối ngoại, Tiếng Anh Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh Tài chính - Ngân hàng. Chúng em là khóa đầu tiên thuộc chương trình đào tạo này. Theo biên chế của nhà trường, chúng em thuộc khoa Sư phạm Tiếng Anh, nhưng chuyên ngành là Tiếng Anh Kinh tế đối ngoại, Tiếng Anh Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh Tài chính - Ngân hàng.

Việc phân rõ các chuyên ngành Tiếng Anh như trên đã được ghi trong giấy báo nhập học đại học và thẻ sinh viên của chúng em cũng như trong các thông báo bằng văn bản khác. Đây là chương trình ngành kép (double majors) liên kết đào tạo giữa bên trường ĐH Ngoại ngữ với trường ĐH Kinh tế thuộc ĐHQGHN".

Sinh viên N.L.L cho biết: “Trong quá trình học, chúng em được đại diện của nhà trường nói chuyện về chương trình học cũng như định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Trong buổi nói chuyện, lãnh đạo nhà trưỡng đã nói rằng: “Bằng Tốt nghiệp Đại học của chúng em sẽ được ghi là: Tiếng Anh - Kinh tế đối ngoại hoặc Tiếng Anh - Quản trị kinh doanh hoặc Tiếng Anh Tài chính - Ngân hàng và sẽ có chữ ký của Hiệu trường trường ĐH Ngoại ngữ và Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế. Việc ký tên từ bên trường Đại học Kinh tế sẽ xác nhận việc các môn đào tạo về kinh tế mà chúng em được học do các giảng viên bên trường Đại học Kinh tế giảng dạy”.

Trên thực tế, những sinh viên này đã học các môn kinh tế theo khung chương trình Tiếng Anh Kinh tế mà nhà trường đã thông qua dưới sự giảng dạy của các giảng viên bên trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Tuy nhiên, khi nhận bằng cử nhân, các em chỉ được nhà trường cấp bằng công nhận Ngành Tiếng Anh, kèm theo đó là bảng điểm có ghi chuyên ngành Tiếng Anh - Tài chính Ngân hàng và một giấy chứng nhận đã học chương trình liên kết với ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.

Nhóm sinh viên bức xúc than rằng: “Nhận các văn bằng trên đã gây bất lợi rất lớn đến tương lai của chúng em. Với bằng tốt nghiệp ghi ngành Tiếng Anh này, chúng em không thể học lên Cao học Kinh tế được vì trường tuyển sinh trên tiêu chí “chỉ xét ngành học” ghi trên bằng Cử nhân để tuyển, mà không chấp nhận bảng điểm hay chuyên ngành của sinh viên ngành kép Tiếng Anh - Kinh tế trường ĐH Ngoại Ngữ. Không chỉ thế, việc học Cao học Ngôn ngữ Anh ngay chính trường vừa tốt nghiệp chúng em cũng không đủ điều kiện tham gia xét tuyển với lý do đã học ngành kép Tiếng Anh - Kinh tế nên không được đào tạo ngôn ngữ thứ 2 giống như Khoa sư phạm, trong khi yêu cầu xét tuyển Thạc sĩ Ngôn ngữ Anh đòi hỏi phải có chứng chỉ một ngoại ngữ khác. Tấm bằng chỉ ghi ngành Tiếng Anh đã hạn chế chúng em trong vấn đề xin việc vào khối tài chính – ngân hàng”.

Được biết, tập thể sinh viên ngành Tiếng Anh (721) thuộc khoá QH2009 đã có đơn khiếu nại sự việc trên tới Giám đốc ĐHQGHN và Ban giám hiệu ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN và đề nghị: “Nhà trường thu hồi bằng đã cấp để cấp lại tấm bằng ghi chuyên ngành: Tiếng Anh Tài chính Ngân hàng, Tiếng Anh Kinh tế Đối ngoại, Tiếng Anh Quản trị Kinh doanh. Nếu không thể đáp ứng kiến nghị trên, xin hãy cho giải pháp để được cấp thêm bằng cử nhân Kinh tế do trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia cấp”.

Trao đổi với PV Dân trí, phụ huynh N.T.L buồn rầu than rằng:Trong thời gian sau khi ra trường, con tôi đã nộp đơn xin thi tuyển vào các Ngân hàng, Bộ tài chính, cũng như các Công ty tài chính. Các đơn vị này không nhận con tôi vì bằng chỉ ghi có ngành Tiếng Anh, không đáp ứng được yêu cầu tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng của họ.Tôi rất thất vọng khi đầu vào trường ĐHNN - ĐHQGHN lấy điểm rất cao cho chuyên ngành liên kết Tiếng Anh Kinh tế và hứa hẹn một tấm bằng ghi Ngành kép Tiếng Anh - Tài chính Ngân hàng, hứa hẹn một tương lai con tôi không chỉ được tiếp tục học tập lên cao mà còn được làm việc trong các lĩnh vực Kinh tế - điều mà ngược lại với hiện thực bây giờ của con tôi”.

Lãnh đạo nhà trường giải thích!

Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN cho biết: “Chương trình mà các em theo học gọi là “double major program”, tức là có hai Major, được thiết kế dựa trên hai chương trình đào tạo (academic program) giảng dạy trong thời gian của một khóa học. Như vậy, nó là sự tích hợp của hai chương trình (program), có ưu thế mà hai major trong hai chương trình mang lại: năng lực tiếng Anh và một trong các chuyên ngành kinh tế. Đây cũng là xu hướng của nhiều trường ĐH trên thế giới thiết kế cho người học, giống như các chương trình Sư phạm Toán của ta: gồm hai major là Toán và Sư phạm để tạo ra một sản phẩm mới gọi là giáo viên dạy Toán (khác với nhà toán học và người chỉ làm công tác sư phạm). Chương trình đào tạo dành cho SV khóa QH2009, trường ĐHNN - ĐHQGHN thực hiện theo Quyết định số 2025/QĐ-ĐT của Đại học Quốc gia Hà Nội về việc ban hành chương trình đào tạo Tiếng Anh (các chuyên ngành Tiếng Anh - Kinh tế đối ngoại, Tiếng Anh - Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh - Tài chính-Ngân hàng)”.

Tiến sĩ Minh cho hay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, trên văn bằng cấp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp chỉ ghi tên ngành đào tạo (program), tên chuyên ngành đào tạo (major) được ghi trên bảng điểm cấp kèm theo bằng tốt nghiệp. Các sinh viên theo học theo chương trình đào tạo theo QĐ 2025 sau khi tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân tiếng Anh và tên của 3 chuyên ngành được ghi trên bảng điểm.

Về việc học sau đại học gặp khó khăn của khóa sinh viên này, Tiến sĩ Minh khẳng định: “Đối với trường ĐHNN, các sinh viên QH2009 hoàn toàn được phép dự thi vào cao học ngành Ngôn ngữ Anh của trường. Khi dự thi cao học, các em này sẽ dự thi 3 môn (Cơ sở, Cơ bản và Ngoại ngữ 2). Khi tuyển sinh vào đào tạo thạc sĩ, theo quy định hiện hành mọi ứng viên đều phải thi một ngoại ngữ (1 trong 5 NN theo quy định của Bộ GD-ĐT). Trong chương trình học ở bậc đại học, các em thuộc chương trình này không học Ngoại ngữ 2 (vì nếu đưa vào bắt buộc thì chương trình sẽ quá nặng trong thời gian 4 năm) mà học các môn học thuốc khối kiến thức kinh tế để tập trung cho mục đích vừa có năng lực tiếng Anh vừa có kiến thức kinh tế để phục vụ cho công việc sau này. Nếu có nguyện vọng, các SV này có thể theo học các môn học ngoại ngữ 2 (14 tín chỉ) trong trường.

Đối với việc học cao học tại trường ĐH Kinh tế, sinh viên tốt nghiệp ngành Tiếng Anh các chuyên ngành TA-KTQT, TA-QTKD, TA-TCNH được phép thi cao học ngành Quản lý kinh tế tại trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và cần học một số môn học bổ sung trước khi thi.

Tiến sĩ Minh thông tin, trong quá trình học tại trường, các sinh viên thuộc chương trình đào tạo theo QĐ 2025 được tạo điều kiện tham gia học bằng kép để có thể nhận được bằng chính quy của ĐH Kinh tế ở trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) và các môn học đã tích lũy trong chương trình đào tạo thứ nhất được miễn ở chương trình đào tạo thứ hai.

Để tiện trao đổi thêm thông tin, nhà trường sẵn sàng gặp gỡ các sinh viên để chia sẻ, giải đáp các thắc mắc” - Tiến sĩ Minh nói.

Hồng Hạnh