Trước thềm kì thi tốt nghiệp THPT 2011:

Địa phương đạt tỷ lệ thấp năm 2010 nói gì?

(Dân trí) - Tính đến thời điểm hiện tại thì cơ bản công tác chuẩn bị kì thi tốt nghiệp THPT đều đã hoàn tất. Với “chiến lược” ôn tập hiệu quả các địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp năm 2010 đều tin tưởng vào một kết quả khả quan ở kì thi năm nay.

Điện Biên: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ tăng!

Năm 2010, Điện Biên là địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp nhất cả nước với 69,11%. Trước thềm kì thi tốt nghiệp năm nay ông Lê Văn Quý - giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên thẳng thắn khẳng định: “Chúng tôi sẽ vẫn cương quyết tổ chức một kì thi thực, chấp nhận kết quả thực. Với công tác triển khai ôn tập cho học sinh ngay từ đầu năm học chắc chắn tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Điện Biên sẽ cao hơn năm trước”.

Trong kì thi tốt nghiệp tốt nghiệp THPT năm 2010 các địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất cả nước bao gồm: Điên Biên, Bắc Kạn, Ninh Thuận và Bến Tre.

Theo ông Quý thì do các trường đóng ở địa bàn khó khăn, vùng cao có số thí sinh đỗ tốt nghiệp không cao nên dẫn đến tỷ lệ chung của địa phương thấp. Chính vì thế ngay từ đầu năm học chủ trường của Sở GD-ĐT Điện Biên là yêu cầu các trường này chú trọng vào công tác bồi dưỡng học sinh (HS) yếu kém vào 3 môn chủ đạo đó là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Đây là 3 môn chắc chắn có trong kì thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh với đặc thù là tỉnh vùng cao nên đội ngũ giáo viên luôn có sự luân chuyển, giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm lên công tác hàng năm khá nhiều. Để giải quyết vấn đề này thì ngày từ đầu tháng 2/2011 Sở đã tổ chức hội thảo ôn thi tốt nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các giáo viên có kinh nghiệm chia sẻ với đội ngũ trẻ. Ngoài ra để tránh tình trạng HS thiếu đói mùa giáp hạt không yên tâm ôn thi thì Sở cũng hỗ trợ gạo cho các em. Tính đến thời điểm hiện tại chưa có HS nào vì thiếu đói mà bỏ ôn tập.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Điện Biên, kì thi tốt nghiệp THPT năm nay địa phương này có 244 phòng thi, 22 hội đồng thi, trong đó có 10 hội đồng thi tại 5 cụm trường, với 5.672 thí sinh, trong đó 4.029 thí sinh THPT và 1.643 thí sinh bổ túc THPT. Lớn nhất là hội đồng thi đặt tại Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ với 28 phòng, 639 thí sinh. Điều đặc biệt là lần đầu tiên Trường THPT Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa có HS lớp 12 dự thi với 03 phòng thi, 72 thí sinh.

Bến Tre: Phấn đấu đạt tỷ lệ 80%

Giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre, ông Lê Ngọc Bữu, cho biết: Sở đã quán triệt tinh thần nâng cao chất lượng dạy và học để kỳ thi tốt nghiệp năm nay đạt kết quả cao, tỷ lệ từ 80% trở lên.

Để kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả như mong muốn, ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện nghiêm túc kế hoạch thời gian năm học 2010-2011; tăng cường tuyên truyền kỳ thi tốt nghiệp THPT; quán triệt quy chế thi, thống nhất quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, bảo đảm cho kết quả thi thật sự khách quan, phản ánh đúng chất lượng dạy và học.

Bên cạnh đó để thống nhất cách ôn tập thi tốt nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh Sở GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo cho từng bộ môn. Ngoài ra Sở cũng tổ chức kiểm tra công tác ôn thi ở 100% trường THPT trong tỉnh, thay vì chỉ kiểm tra một số trường có tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT thấp như mọi năm.

“Thật ra nhiều năm qua tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở Bến Tre đều ở trên mức 80%. Chỉ có năm 2010 tỷ lệ có giảm sút xuống chút ít (khoảng gần 7%). Chính vì thế mục tiêu đặt ra năm nay không có gì là quá sức đối với địa phương”, ông Bữu nhấn mạnh.

Bắc Kạn: Quyết tâm vượt chỉ tiêu đề ra

Chia sẻ với Dân trí, giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn Phạm Lê Ngà cho biết: “Mục tiêu của địa phương năm nay là cố gắng đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khoảng 75%. Tuy nhiên với những nỗ lực trong thời gian qua ngành giáo dục Bắc Kạn đang hướng đến cái đích là khoảng 80%. Quan điểm của chúng tôi là sẽ vẫn tiếp tục tổ chức một kì thi thật, không chạy theo thành tích”.

Cũng theo giám đốc Ngà, đặc thù của các tỉnh miền núi là lượng HS dân tộc nhiều. Chính vì thế thời gian qua ngành giáo dục Bắc Kạn liên tục thực hiện các phương pháp đổi mới dạy và học để tạo điều kiện cho các em tiếp cận tốt với bài học hơn. Bên cạnh đó ngành tất cả các trường thuộc địa bàn đều tổ chức phụ đạo tăng cường ngoài giờ cho HS yếu kém. Ngoài ra, các trường cũng tiến hành phân loại đối tượng HS để tổ chức ôn tập hiệu quả. Những nhóm HS nào yếu sẽ được đội ngũ thầy cô dành nhiều thời gian và quan tâm đặc biệt hơn.

Để đánh giá chất lượng học tập của HS, đồng thời có giải pháp giúp HS yếu kém, Sở GD- ĐT Bắc Kạn đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra học kỳ II dưới hình thức như thi thử đối với các môn thi tốt nghiệp. Kết quả cho thấy, xét về học lực, tỷ lệ HS từ trung bình trở lên ở cả hai hệ THPT và GDTX đều tăng so với năm học trước.

Trước những tín hiệu đáng mừng như vậy nhưng giám đốc Phạm Lê Ngà vẫn khá thận trọng: “Thực tế thì nhiều năm qua phần lớn HS Bắc Kạn đều đỗ tốt nghiệp loại 3 (mức xét tốt nghiệp đỗ tốt nghiệp đối với HS vùng cao - PV). Chính vì thế dù chất lượng giáo dục được cải thiện rất nhiều nhưng kết quả như thế nào còn phải phụ thuộc vào mức độ của đề thi”.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Bắc Kạn thì tổng số thí sinh (hệ THPT, GDTX) đăng ký và đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT năm nay là 4.003. Trong đó số thí sinh tự do của cả hai hệ là 952. Cả tỉnh có 2 HS (Chợ Đồn) không đủ điều kiện dự thi do nghỉ học quá số buổi quy định. 15 trường THPT và 03 trung tâm GDTX của toàn tỉnh sẽ được tổ chức thành 13 cụm trường với 16 hội đồng coi thi, tổng số phòng thi là 176; có 527 cán bộ, giáo viên tham gia các hội đồng coi thi.

 

Cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2011

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2011 sẽ có 1.053.081 thí sinh tham dự. Trong đó, số thí sinh THPT là 918.282 thí sinh, giáo dục thường xuyên là 134.799 em. Hà Nội là địa phương có nhiều thí sinh đăng ký dự thi nhất với 79.875. Cả nước sẽ có 44.449 phòng thi, 1.292 cụm thi. Số hội đồng coi thi là 2.432.

 

Nguyễn Hùng