Chống gian lận ở kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ:

Giám thị là yếu tố quan trọng hàng đầu!

(Dân trí) - “Nếu giám thị trong phòng thi không phát hiện được gian lận thì lực lượng công an cũng “chịu”. Lý do rất đơn giản là ở vòng 1 chỉ có giám thị và thí sinh, ở vòng này không có công an”.

Đó là chia sẻ của Thượng tá Vũ Minh Chính, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ TP Hà Nội (PA83) về công tác chống gian lận trong kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010.

Phòng ngừa quan trọng hơn là phát hiện!

Thượng tá Chính cho biết: Công an Hà Nội không đặt ra vấn đề là dùng các thiết bị phát hiện ra những khu vực gần điểm thi có tín hiệu di động đột biến để khoanh vùng kiểm tra mà vẫn hướng đến chuyện quan trọng hơn: kỹ thuật vẫn phải là yếu tố con người. Cần phải phát động vào trách nhiệm, ý thức của giám thị coi thi (kể cả giám thị 1 và giám thi 2) đây là điều cực kì quan trọng.

Bởi vì thế này, khi mà anh phát hiện ra một hiện tượng máy điện thoại di động nhắn tin đến một máy nào đó thì đấy không phải là dấu hiệu chinh nguyên. Anh không xác định được máy tôi đang nhắn tin có nằm ở túi tôi không hay nó đang nằm ở nhà. Nếu nó đang ở nhà thì tôi gọi bạn mà nó đang trong túi tôi tại sao giám thị không phát hiện được. Do đó anh không thế bắt hay hủy kết quả thi của người ta.

Tôi có nhận được nhắn tin kể cả anh đang phát sóng mà phát hiện ra một máy đang nhắn tin đến chẳng hạn, nhưng quan trọng là khi nhận tin nhắn máy tôi đang ở đâu, anh có chứng minh được là tôi có dùng nó hay không. Chính vì thế yếu tố để phát hiện ra không phải là máy móc mà phải là yếu tố con người.

“Đến thời điểm này phòng PA83 chưa nhận được bất kì nguồn thông tin nào trái chiều, nhìn chung là đều tốt. Công tác chuẩn bị cơ bản đã xong chỉ chờ ngày chính thức nhập cuộc” - Thượng tá Vũ Minh Chính cho biết.

Theo tôi thì ngăn chặn ngay từ đầu mới là giải pháp tối ưu, việc phát hiện ra không phải là cái hay. Để nó xảy ra rồi thì rất nhiều vấn đề phức tạp. Chính vì thế cái mà cơ quan công an đặt ra đó chính là phòng ngừa, phòng ngừa tốt đó là phổ biến cho các em để bên ngoài tất cả các thiết bị thu phát, nhà trường sẽ đảm nhận việc trông coi để thí sinh yên tâm không sợ bị mất mát.

Như chúng ta đã biết, khi mang thiết bị thu phát vào phòng thi mà chưa sử dụng khi bị phát hiện vẫn đình chỉ thi vì thế chúng ta cần phải nhắc nhở mạnh để các em khỏi quên tránh những trường hợp đáng tiếc. Điển hình như là năm 2009 có đến 80% thí sinh bị đình chỉ là do vô tình mang điện thoại di động vào phòng thi. Số cố tình vi phạm chỉ chiếm một phần rất ít, chính vì thế tôi mới nói phòng ngừa là rất quan trọng.

Đối với lực lượng công an thì khi phát hiện ra thí sinh sử dụng thiết bị thu phát dù là vô tình hay cố ý thì đều phải đấu tranh, xử lý để xem ai nhận tin, có nhận tin hay không… Điều này hoàn toàn không đơn giản một chút nào, dễ phức tạp vấn đề và gây mất niềm tin của nhân dân.

Không khó để phát ra các hình thức gian lận

Liên quan đến vấn có kinh nghiệm gì để giám thị phát hiện ra các vấn đề gian lận trong phòng thi, đặc biệt là sử dụng các thiết bị công nghệ cao, thượng tá Vũ Minh Chính chia sẻ, thật ra phát hiện vấn đề này không khó. Các thầy cô đi coi thi nhiều nên dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa một thí sinh làm bài thực thụ với một thí sinh có ý đồ gian lận. Chúng ta chỉ cần để ý hành vi là phát hiện được vấn đề.

Tuy nhiên cách làm cần phải bình tĩnh vì việc gian lận không thể diễn ra trong vòng vài giây. Chẳng hạn trong vụ gian lận trong kì thi ĐH tại chức ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vừa qua thì khi chúng tôi yêu cầu đối tượng thao tác lại thì phải mất đến 5 phút (mặc dù đã cài sẵn), đó là đối với môn thi trắc nghiệm.

Tôi đã từng đặc biệt ý với các thầy giáo trông coi thi là cần phải có trọng tâm đối với phòng thi của mình. Những dấu hiệu đối với thí sinh có mục tiêu sử dụng điện thoại thì khi vào phòng thi đã có biểu hiện khác thông qua tâm lý, thái độ, sắc mặt… Chưa nói đến quá trình làm bài thì hành vi có khác hơn nữa.

Việc phá được đường dây thi hộ ở kì thi tại chức vừa qua công đầu thuộc về các giám thị chứ không phải là lực lượng an ninh. Như vậy rõ ràng việc phát hiện gian lận không khó, quan trọng là ở đây các thầy có trách nhiệm hay không mà thôi.
 

Xuất hiện hình thức gian lận mới?

 

Theo tìm hiểu riêng của Dân trí thì hiện nay dư luận đang có thông tin là xuất hiện một số thiết bị thu phát có hình dáng rất giống những máy tính cầm tay có trong danh mục được phép mang vào phòng thi. Điều này cho thấy các hình thức gian lận trong thi cử có thể phức tạp ở kì thi năm nay.

Theo quan điểm của Thượng tá Vũ Minh Chính thì không chỉ có máy tình cầm tay mà ngay cả đồng hồ đeo tay cũng có thể gắn những thiết bị thu phát. Tuy nhiên nếu giám thị phòng thi làm tốt nhiệm vụ của mình thì những hành vi gian lận dù công nghệ cao đến mấy cũng bị phát hiện.

 

Nguyễn Hùng (ghi)
Dòng sự kiện: Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010