Giám thị sinh viên kể chuyện coi thi ĐH

(Dân trí) - Có lẽ, một trong những niềm háo hức nhất trong thời sinh viên là được đi coi thi tuyển sinh đại học! Và mình đã có được cơ hội này khi vừa kết thúc năm thứ ba đại học...

Hãnh diện và hồi hộp

Ngay từ năm học đầu tiên, mình đã được nghe các anh chị khóa trên kể là sinh viên có thể được đi coi thi ĐH. Mình háo hức lắm, cứ hỏi cặn kẽ xem tiêu chuẩn để được đi là gì… Thế rồi, cơ hội cũng đến với một số sinh viên chuẩn bị bước vào năm thứ tư trong đó có mình. Ôi chao! Cảm giác vừa hãnh diện, vừa hồi hộp.

Hãnh diện vì mỗi lớp chỉ được chọn không quá 30% sinh viên, mà phải là những người có thành tích học tập tốt nhất để làm giám thị coi thi ĐH.

Nhưng cảm giác hồi hộp mới là điều đáng nói. Thứ nhất, mình muốn nhìn lại hình ảnh của chính mình cách đây mấy năm.

Điều hồi hộp thứ hai là cảm giác khi xuất hiện trước cả chục thí sinh sẽ ra sao nhỉ? Liệu mình có run không? Liệu mình xử lý thế nào khi bị trêu đùa nhỉ? Liệu mình có bắt tài liệu khi phát hiện thí sinh vi phạm không? Mình sẽ ăn mặc và thể hiện phong cách trong phòng thi thế nào nhỉ? Mà đối diện với giám thị 1 như thế nào đây?... Ôi, quả là một trải nghiệm thú vị đang đợi mình.

Thời gian dài đằng đẵng...

Rồi ngày mong đợi đã đến.

Sáng 9/7. Những gương mặt lo âu, những ánh mắt nhòm qua ô cửa sổ, căng ra nhìn chằm chằm vào những số báo danh mà mình đánh xuống bàn. Mình lại nhớ cái cảm giác của chính mình mỗi mùa thi, chỉ mong sao không bị ngồi bàn đầu.

Giám thị sinh viên kể chuyện coi thi ĐH - 1
Buổi làm thủ tục dự thi và phổ biến quy chế thi của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại cụm thi Trường tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội sáng ngày 8/7/2010. (Ảnh: Bích Ngọc)

Tập huấn coi thi rồi nhưng trong lần đầu đi coi thi ĐH, mình vẫn như “gà mắc tóc”. Từ cái giọng vừa thẽ thọt, vừa cố tỏ ra cứng cáp gọi thí sinh vào phòng thi; đến việc lật trước, lật sau săm soi kiểm tra thẻ dự thi; rồi ngồi ký giấy thi trước mặt cả phòng thi..., tất cả đều lóng ngóng. Những lúc đợi giám thị 1 đi lấy đề thi, phải đối diện với mấy chục đôi mắt nhìn chằm chằm vào nhất cử nhất động của mình, mình cảm thấy thời gian dài đằng đẵng...

Trường mình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chỉ tuyển sinh khối C và D. Buổi thi đầu tiên là môn Văn, phòng mình coi đa số là thí sinh nữ. Thầy giám thị 1 khá vui tính, cởi mở bắt chuyện với các thí sinh. Vài thí sinh mạnh dạn hỏi thầy về một số thông tin về trường và chuyên ngành... Sau, mình mới biết thầy làm vậy là để các bạn có được tâm trạng thoải mái trước khi bắt đầu buổi thi Văn vốn rất cần cảm xúc.

Nhìn các em chăm chú đọc đề sau khi nhận, tự dưng mình nhủ thầm mong các em làm bài thi thật tốt. Mình tự hỏi, liệu hơn 20 thí sinh trong phòng thi này, mình sẽ được gặp lại bao nhiêu gương mặt trong ngày khai giảng năm học mới. Mình lại cố hình dung xem tư thế ngày xưa mình ngồi làm bài thi có thoải mái hơn các em không.

Những chuyện ngỡ như đùa

Trong cả ba buổi thi, điều mình e ngại nhất là cơn buồn ngủ. 6h30 sĩ tử phải có mặt để gọi vào phòng, nhưng giám thị phải có mặt trước 6h. Như vậy là mình phải dậy từ hơn 5h để chuẩn bị cá nhân, ăn sáng rồi đến điểm thi. Cái không gian yên tĩnh, thêm chút căng thẳng dễ làm người ta buồn ngủ.

Còn về phía thí sinh, mình thấy có những sĩ tử (đa số là nam) sau khi xem qua đề, có lẽ là không có gì để viết, thế là các em nằm bò ra mặt bàn, chân thì duỗi cong duỗi thẳng. Rồi thỉnh thoảng các em hỏi giám thị xem đã được 2/3 thời gian chưa để còn xin nộp bài ra về. Nhiều trường hợp giám thị phải nhắc thí sinh liên tục để không làm ảnh hưởng đến các thí sinh bên cạnh.

Về dụng cụ học tập của thí sinh cũng có khối chuyện buồn cười. Thi môn Toán, có cậu thí sinh đặt lên mặt bàn đủ 4 bút bi, 4 bút chì, 4 thước kẻ, 2 com-pa, 2 máy tính. Cẩn thận như cậu này quả cũng hiếm. Có trường hợp, giám thị giật mình khi nhìn thấy một... cái xi lanh trên tay thí sinh. Nhìn kỹ, hóa ra cậu ta lấy ruột bút bi cho vào một cái xi lanh y tế để làm bút viết. Thí sinh chỉ có duy nhất cái bút “quái chiêu” đó để làm bài, chẳng lẽ giám thị tịch thu?

Rồi khi chứng kiến tận mắt những tình huống thí sinh cầu may khi làm bài thi mà mình vẫn ngỡ như chuyện đùa! Có cậu sĩ tử mang nguyên một con xúc xắc vào và dùng triệt để cho bài thi trắc nghiệm tiếng Anh. Còn một sĩ tử khác thì xé từ giấy nháp bốn mẩu giấy nhỏ, đánh số thứ tự rồi tung lên để chọn đáp án…

Nguyễn Thị Phương Thảo
Xã hội học 27 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Dòng sự kiện: Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010