Gợi ý giải môn Văn, khối C kỳ thi ĐH 2010

(Dân trí) - Bài gợi ý môn Văn, khối C kỳ thi ĐH đợt 2 năm 2010 dưới đây do giảng viên Trần Văn Đương - Trung tâm BDVH và LTĐH Vĩnh Viễn thực hiện.

 
 
 
KÌ  THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2010

MÔN THI: NGỮ VĂN; Khối C

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề 

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu  I (2,0 điểm)

      Anh/chị  hãy trình bày ngắn gọn về sự đa dạng mà thống nhất của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh.

Câu II (3,0 điểm)

      Như  một thứ a-xit vô hình, thói vô  trách nhiệm ở mỗi cá  nhân có thể ăn mòn cả  một xã hội.

      Từ  ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về  tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống hiện nay.

PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Thí  sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu III.a hoặc III.b)

Câu III.a Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

      Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau :

                  Gió  theo lối gió, mây đường mây

                  Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

                  Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

                  Có  chở trăng về kịp tối nay ?

                              (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11,

                                    Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 39) 

                  Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

                  Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

                  Lòng quê  dợn dợn vời con nước,

                  Không khói hoàng hôn cũng nhớ  nhà 

                              (Tràng giang – Huy Cận, Ngữ văn 11,

                                    Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 29) 

Câu III.b Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị  về hai đoạn văn sau:

      (…) Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như  một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và  cuồn cuộn mù khói núi Mèo  đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về (…)

      (Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12 Nâng cao,

            Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 157) 

      (…) Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn  đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả (…)

      (Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường,

Ngữ  văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 179) 

BÀI GIẢI GỢI Ý 

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5 ĐIỂM)

Câu I (2 ĐIỂM)

   Hồ  Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, đồng thời là tác gia lớn. Trong sáng tác, Hồ  Chí Minh có phong cách nghệ thuật hết sức đa dạng, độc đáo, thể hiện trên các thể loại với những nét đặc sắc riêng.

   - Văn chính luận của Người rất ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng thuyết phục, giàu tính chiến đấu, đa dạng về bút pháp, về giọng điệu nhưng cũng rất giàu cảm xúc, tình cảm.

   - Truyện và  kí của Người rất hiện đại, thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ, sắc bén. Tác phẩm của Người luôn toát lên cái nhìn hóm hỉnh, nụ cười trào lộng nhẹ nhàng, giàu tình cảm nhưng vô cùng thâm thuý.

   - Thơ ca thể hiện sâu sắc và tinh tế con người chiến sĩ và con người thi sĩ Hồ Chí Minh. Những bài thơ tuyên truyền cách mạng thì nhẹ nhàng mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ giàu màu sắc dân gian hiện đại nhưng cũng giàu tính triết lí khái quát, dễ đi sâu vào nhận thức, tình cảm của người đọc. Những bài thơ nghệ thuật giàu tính thẩm mĩ, kết hợp hài hoà giữa màu sắc cổ điển và bút pháp hiện đại.

   - Tuy đa dạng và phong phú trong phong cách sáng tác, nhưng vẫn thống nhất ở tư duy thơ biểu hiện bằng  hình tượng thơ luôn vận động về phía sự sống, ánh sáng và con người.

Câu II (3 ĐIỂM)

  1. Giải thích

+ Axít là một loại hoá chất ăn mòn.

+ Vô  trách nhiệm là không muốn đảm đương bất cứ  việc gì, với bất cứ ai và cả chính mình.

  • Ý nghĩa; Phê phán lối sống vô trách nhiệm làm suy thoái xã hội;  đề cao cách sống có trách nhiệm.
  1. Bình luận:
  • Thế nào là Sống vô trách nhiệm ?

+ Đối với bản thân: Không tự nghiêm khắc để rèn luyện nhân cách;  sống buông thả, sống hoài, sống phí.

+ Đối với gia đình: không dành tình thương và trách nhiệm cho hạnh phúc gia đình.

+ Đối với xã hội: không cống hiến để xã hội phồn vinh.

  • Lối sống này làm cho xã hội ngày càng suy thoái ở mọi mặt.
  • Thế nào là sống có trách nhiệm ?

(Ngược lại với thói vô trách nhiệm)

  • Nêu những dẫn chúng về con người lịch sử, con người xã hội,... đã sống một đời sống hữu ích.
  • Khẳng định giá trị con người khi sống có trách nhiệm.
  • Liên hệ bản thân, đề ra lối sống hữu ích và tuyên chiến với thói vô trách nhiệm.

PHẦN RIÊNG (5,0 ĐIỂM)

CÂU III.a.  THEO CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN (5,0 điểm)

Thí sinh có  thể trình bày nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau đây.

I. Giới thiệu:

- Hàn Mặc Tử và Huy Cận là hai trong những thi sĩ  nổi tiếng của phong trào “Thơ mới” (1932-1941) của Việt Nam. Cả hai đều mang nỗi buồn thế hệ.

- “Đây thôn Vĩ  Da” và ‘Tràng giang” là những bài thơ thuộc hàng kiệt tác trong vườn “Thơ mới”.

- Hai chủ thể trữ tình trong hai đoạn thơ đều mang cái “tôi” bế tắc, cô đơn và tha thiết, khao khát hạnh phúc cuộc đời.

II. Nội dung

1. Cái “tôi”  trữ tình trong đoạn thơ của Hàn Mặc Tử.

a. Cảm giác cô  đơn vì chia cách

- Mượn  hình ảnh thiên nhiên bộc lộ tâm trang.

+ Gió, mây như  đôi bạn “tâm giao” của tạo vật luôn quấn quýt bên nhau, thế nhưng ở đây, “gió” ở  đầu kia, còn mây tận cuối trời tạo một khoảng cách vời vợi.

+ gió, mây đứng bên nhau nhưng “Gió theo lối gió” còn “mây  đường mây” như hai ốc đảo cô đơn.

+ Hình ảnh “  dòng nước buồn thiu” vì chứng kiến cảnh chia lìa và cô đơn của “gió, mây”.

  • Dòng nước “buồn thiu” kia, có ý nghĩa tượng trưng cho dòng đời tăm tối của xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.

b. Niềm khao khát hạnh phúc cuộc đời

- Những hình ảnh: thuyền, bến sông, ánh trăng giàu ý nghĩa tượng trưng cho niềm khao khát hạnh phúc cuộc đời.

- Hình ảnh con thuyền  “mô côi’ nằm trên bến khắc khoãi đợi chờ một “vầng trăng hạnh phúc”, đã gợi niềm tha thiết hướng đến hơi ấm tình người, tình đời và “ngôi vườn cuộc đời”.

==> “Đây thôn Vĩ  Dạ” tuy có thấp thoáng bóng dáng của tình yêu lứa  đôi qua giai thoại “bức bưu ảnh” của một tiểu thư xứ Huế gởi đến Hàn Mặc Tử  và trở thành niềm cảm hứng cho sự xuất hiện của tuyệt tác thi ca này. Nhưng, đièu đáng quý, là Hàn Mặc Tử đã vượt qua những nỗi đau thân thế và tình riêng để hướng đến một tình yêu quê hương xứ sở.

2. Cái “tôi”  trữ tình trong đoạn thơ của Huy Cận

a. Sự buồn lắng cô đơn trước thời khắc của ngày tàn.

- Hình ảnh thiên nhiên  “Lớp lớp mây cao” ngỡ như tươi sáng nhưng thật sự “đùn” lại thành nặng nề, u ám.

- Cả buổi chiều nặng nề ấy như đè nặng trên  cánh chim nhỏ, nhưng đó là “cánh chim” hiện thân của chủ  thể trữ tình kiên quyết từ bỏ tràng giang u ám của cuộc đời, để tìm một chân trời mới.

b. Đau đáu một tình yêu thầm kín với quê hương, xứ sở.

- Hình ảnh con nước buồn “vời con nước”  và mất luôn cả  tín hiệu sự sống “không khói hoàng hôn”, càng làm cho nỗi buồn thêm thấm sâu.

- Đó là nỗi buồn của chủ thể trữ tình mang nặng “ nỗi nhớ nhà”- quê hương xứ sở trong cảnh nước mất nhà tan.

3, Đánh giá chung

- Đều mượn thiên nhiên để bộc lộ tâm trạng.

- Cả hai đều là những thi sĩ lãng  mạn với cái tôi trữ  tình  hoang mang bế tắc trước dòng đời u ám.

- Tha thiết hướng đến hạnh phúc cuộc đời.

- Gởi  gắm  tình yêu thầm kín với quê hương, xứ sở.

- Ý  thơ giàu tính nhân văn.

- Hồn thơ u uẩn mà tình thơ cao đẹp.

CÂU III.b.  THEO CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO (5,0 điểm)

Đề bài yêu cầu thí sinh trình bày cảm nhận của mình về hai đọan văn viết về hình ảnh dòng sông trong hai tác phẩm khác nhau. Mỗi thí sinh có thể có những cảm nhận, có cách trình bày riêng. Sau đây là một số gợi ý:

  1. Hình ảnh sông Đà nhìn trong tổng thể dòng sông
  1. Vẻ đẹp trữ tình của con sông.

_ Hình dáng mượt mà , đầy nữ tính thấp thóang ẩn hiện trong mây trời huyền ảo , diễm lệ của núi rừng Tây Bắc.

_ Màu sắc rất độc đáo và đặc sắc của con sông: con sông mỗi mùa có sắc màu riêng và rất khác biệt với màu sắc của những dòng sông khác. Màu xanh của nó là màu xanh ngọc bích, khác với màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Màu đỏ của con sông là màu lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn, bực bội vào mỗi độ thu về. Đó là thứ màu sắc gợi cảm, đầy ấn tượng.

  1. Cái tôi trữ tình của Nguyễn Tuân.

_ Đó là cái tôi nghệ sĩ, rung cảm với vẻ đẹp đầy màu sắc, óng ả của nước sông Đà. Nhà  văn đã nhìn con sông bằng con mắt của một người họa sĩ.

_ Đó là cái tôi tài hoa, nhìn sự vật dưới góc  độ thẩm mĩ. Sông Đà, cái sợi dây thừng ngoằn ngoèo trên đại dương đá, trở thành áng tóc trữ tình tuôn dài, tuôn dài của một người thiếu nữ thấp thóang trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa gạo, hoa ban và cuồn cuộn khói núi mèo đốt nương xuân.

_ Đó là cái tôi uyên bác biểu lộ qua sự phong phú về tri thức trước đối tượng miêu tả: sông Đà và núi rừng Tây Bắc.

  1. Hình ảnh sông Hương trước khi chảy vào kinh hoành Huế
  1. Vẻ đẹp đặc sắc của dòng sông: trữ tình trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ

_ Trữ  tình ở màu sắc xanh thẳm của dòng sông, ở hình dáng mềm như tấm lụa, ở khung cảnh dòng sông nằm giữa những ngọn đồi tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời Tây Nam thành phố, sớm xanh, trưa vàng, chiều tím.

_ Khung cảnh hùng vĩ: sông Hương đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trảng giữa hai dải đồi sừng sững như thành quách, từ đó nhìn thấy những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé bằng con thoi.

  1. Cái tôi lãng mạn, trữ tình của Hòang Phủ Ngọc Tường

_ Đó là cái tôi của một người nghệ sĩ rung cảm trước vẻ đẹp của sông Hương, con sông đã từ lâu gắn bó với nhà văn.

_ Đó là cái tôi tài hoa, say đắm với những cảm nhận tinh tế về vẻ đẹp của sông Hương.

_ Đó cũng là một cái tôi uyên bác với sự thấu hiểu phong phú về sông Hương. Chỉ trong một  đoạn văn nhưng nhà văn đã bộc lộ được nhiều tri thức về con sông. Đúng như nhà văn đã thổ lộ: bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? được viết trong một thời gian ngắn nhưng nó là kết quả của mấy mươi năm nhà văn gắn bó với sông Hương.

  1. Nhận xét, đánh giá chung

_ Hai đoạn văn, hai dòng sông trong hai tác phẩm của hai tác giả khác nhau.

_ Mỗi dòng sông có những vẻ đẹp cụ thể riêng ở hai vùng khác nhau của tổ quốc nhưng điều thể hiện vẻ đẹp của đất nước quê  hương. Qua đó, thể hiện tình yêu tha thiết của hai tác giả đối với quê hương đất nước.

_ Hai tác giả đều có phong cách nghệ thuật độc đáo: tài hoa, uyên bác, thấm đẫm chất trữ tình lãng mạn; điều là những cây bút tài ba của thể  văn bút kí Việt Nam hiện đại.

 
Trần Văn  Đương
(Trung tâm BDVH và LTĐH Vĩnh Viễn)