Thi tốt nghiệp THPT 2010:

Hà Nội: Quyết không còn “phao" rơi đầy sân trường

(Dân trí) - Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu cán bộ coi thi, thanh tra… làm công tác thi tại các Hội đồng coi thi thực hiện nghiêm túc quy chế thi, không để học sinh mang tài liệu vào phòng thi.

Theo đó, giao trách nhiệm cho các Chủ tịch hội đồng coi thi (HĐCT) phải dọn dẹp vệ sinh trước buổi thi để tránh hiện tượng nhầm lẫn tài liệu ôn tập của học sinh để lại là "phao thi". Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết như vậy.
 
Hà Nội: Quyết không còn “phao" rơi đầy sân trường - 1
Hà Nội quyết tâm không để "phao" rơi sân trường trong ngày thi tốt nghiệp.
 
Theo ông Thống, thành phố Hà Nội đã thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) và kiểm tra thi tốt nghiệp THPT do Phó Chủ tịch UBNDTP Ngô Thị Thanh Hằng làm trưởng ban; thành lập 30 BCĐ phục vụ công tác thi, trong đó 29 BCĐ phục vụ thi ở 29 quận, huyện, thị xã (mỗi quận, huyện thành lập BCĐ phục vụ công tác thi do đồng chí Phó Chủ tịch Văn xã làm trưởng ban cùng các đồng chí trưởng phòng GD-ĐT, các ban ngành quận, huyện).
 
Sở GD-ĐT cũng đã thành lập các Ban điều hành và kiểm tra thi của ngành GD-ĐT với sự tham gia của ban giám đốc và tất cả các phòng, ban để trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra tại các HĐCT. Tất cả các đơn vị đã vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc.
 
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hiệp Thống về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, Hà Nội là 1 trong thành phố có số học sinh bị ốm phải bỏ thi giữa chừng nhiều nhất. Vậy, năm nay Sở có phương án nào để khắc phục tình trạng này thưa ông?

Năm học trước có một số thí sinh đã bỏ thi, nhưng phần lớn là số thí sinh tự do của thành phố. Năm nay chúng tôi cũng đã tiếp tục hướng dẫn phổ biến rộng rãi quy chế đến cho các thí sinh và cha mẹ học sinh để các em chuẩn bị tốt điều kiện dự thi. Trong đó nhấn mạnh công tác đảm bảo an toàn vệ sinh khi ăn uống trong mùa dịch bệnh và thời tiết nắng nóng bất thường.

Sau khi tan thi tốt nghiệp năm 2009, ở nhiều điểm thi của Hà Nội vẫn còn khá nhiều "phao thi" rơi. Sở đã có biện pháp nào để ngăn chặn hiện tượng này?

Sở đã chỉ đạo các nhà trường, các hội đồng coi thi tổ chức tốt việc học tập Quy chế thi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và thí sinh tự do đăng ký dự thi tại đơn vị, trong đó chú trọng đến việc cấm mang “phao thi”. Đặc biệt chú ý tâm lý học sinh thường mang tài liệu đến tận trước khi vào trường thi để tranh thủ ôn tập lại các kiến thức, đó là quyền của các em, vấn đề là giáo dục ý thức học sinh không vứt giấy bừa bãi trên sân trường để đảm bảo vệ sinh môi trường, khung cảnh sư phạm, tránh sự hiểu lầm đáng tiếc “phao thi ở sân trường”.

Sở yêu cầu cán bộ, giáo viên, thanh tra... làm công tác thi tại các HĐCT thực hiện nghiêm túc quy chế thi, không để học sinh mang tài liệu vào phòng thi. Giao trách nhiệm cho các Chủ tịch HĐCT dọn dẹp vệ sinh trước buổi thi để tránh hiện tượng này.

Vừa qua, trong phương án chuẩn bị bảo vệ thi tốt nghiệp, Công an Hà Nội đã có phương án đề phòng thí sinh sử dụng điện thoại để thi hộ trắc nghiệm. Vậy, Sở có phương án để tránh hình thức gian lận mới này không?

Để tránh hiện tượng thí sinh sử dụng điện thoại để thi hộ trắc nghiệm, Sở đã phối hợp với Công an thành phố có biện pháp kiên quyết với các hình thức gian lận trong thi cử ngày càng tinh vi này. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, thanh tra… làm công tác thi để kịp thời ngăn chặn các hiện tượng vi phạm quy chế thi.

Cùng với việc phụ đạo bồi dưỡng cho học sinh yếu kém trong năm học, cũng phải giáo dục học sinh ý thức trung thực, nghiêm túc trong thi cử. Như vẫn thường nói “Phải giáo dục và ngăn ngừa để thí sinh không muốn, không dám và không thể gian lận trong thi cử”.

Xin cám ơn ông!

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010, Hà Nội có 83.730 thí sinh dự thi, trong đó thí sinh THPT là 67.670 em; GDTX là 8.954 em; thí sinh tự do là 7.106 em. Hà Nội đã thành lập 72 cụm trường, 170 Hội đồng coi thi với 3.525 phòng thi.

 
Hồng Hạnh (thực hiện)