Thanh Hóa:

Hơn 3.000 học sinh tham gia tư vấn tuyển sinh

(Dân trí) - Sáng 12/3, tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Thanh Hóa, hơn 3.000 học sinh đến từ nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tham gia Chương trình Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2017.

Đây là chương trình được tổ chức nhằm giúp học sinh (HS) tiếp cận, hiểu rõ các quy định về kỳ thi THPT quốc gia, các ngành nghề đào tạo, những kiến thức cần thiết để chuẩn bị lựa chọn ngành nghề đăng ký. Tại buổi tư vấn, đại diện Bộ GD-ĐT đã cung cấp những thông tin chính thức và mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2017.

Chương trình Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2017
Chương trình Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2017

Chương trình này do báo Tuổi trẻ và Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp cùng Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức. Ban tư vấn với gần 20 thành viên là đại diện Bộ GD-ĐT, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH), đại diện khối trường Công an, Quân đội, đại diện nhiều trường ĐH lớn như: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền,…

Đã có rất nhiều ý kiến, thắc mắc của HS về kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017. Trong đó, có ý kiến của HS thắc mắc, thi vào trường Công an có cần năng khiếu? Đại úy Quách Cao Cường, Phòng tổ chức cán bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa, tư vấn: Việc dự tuyển vào các trường thuộc khối Công an căn cứ vào các tổ hợp xét tuyển theo quy định của Bộ Công an. Tuy nhiên muốn học tập tốt và thành công sau khi ra trường, ngoài việc nỗ lực học tập, các bạn cũng cần phải rèn luyên một số kĩ năng cần thiết.

Có HS đặt câu hỏi, làm gì để trở thành Đại biểu Quốc hội? Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Khoa công tác Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên VN chia sẻ: Mơ ước trở thành các nguyên thủ quốc gia, đại biểu Quốc hội là mơ ước chính đáng. Nếu muốn trở thành người đại biểu của nhân dân, trước hết các em hãy chọn một ngành nào đó phù hợp để nỗ lực làm việc, cống hiến và có uy tín cao với nhân dân, xã hội. Khi đó, em có thể được nhân dân bầu vào Quốc hội.

Hơn 3 nghìn học sinh THPT tại Thanh Hóa được giải đáp nhiều kiến thức liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2017
Hơn 3 nghìn học sinh THPT tại Thanh Hóa được giải đáp nhiều kiến thức liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2017

Về thắc mắc của một HS liệu các phần mềm của Bộ GD-ĐT có đảm bảo không trục trặc, nhất là tình trạng nghẽn mạng khi thí sinh đăng kí xét tuyển, tra cứu điểm thi…, Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, khẳng định, phần mềm phục vụ kì thi và xét tuyển sẽ đảm bảo tính chính xác, khách quan và tạo điều kiện cho các em HS trong việc đăng kí dự thi, đăng kí xét tuyển.

Một HS đặt câu hỏi: “Bộ GD-ĐT có nói mức độ đề khó dễ là như nhau. Giả sử đề thi của em thì em làm không được, nhưng đề thi của bạn khác trong phòng em làm được thì sao? Điều đó có thiệt thòi cho những thí sinh như em khi chọn đề thi không phù hợp với kiến thức của mình hay không?”.

TS. Hồng khẳng định, theo Quy chế thi THPT quốc gia, mỗi phòng thi xếp 24 thí sinh, mỗi thí sinh lại có một mã đề khác nhau với độ khó tương đương nhau. Do mỗi thí sinh một mã đề nên chắc chắn khi thí sinh đang làm bài thi của mình thì làm sao biết đề thi của bạn khác mà nhận xét đề của bạn dễ hay khó hơn? Ngoài ra, khi đã nhận đề thi, thí sinh không có quyền đổi sang đề thi với mã đề khác. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã công bố, quy trình xây dựng đề thi năm nay khác các năm trước.

Đề thi THPT quốc gia 2017 được xây dựng từ các câu hỏi đã được chuẩn hóa. Các câu hỏi thi sẽ được thử nghiệm trên chính HS lớp 12 ở các vùng miền, từ vùng sâu vùng xa, vùng trung du miền núi, đến đồng bằng, từ HS đại trà cho đến HS các trường chuyên… để xác định chuẩn xác độ dễ, khó của các câu hỏi thi.

Đây là dịp để học sinh trang bị thêm những kiến thức căn bản trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017
Đây là dịp để học sinh trang bị thêm những kiến thức căn bản trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017

Cũng tại buổi tư vấn, một giáo viên đặt câu hỏi: “Nếu HS đăng ký cả hai tổ hợp mà không dự thi một tổ hợp thì có ảnh hưởng gì? Nếu một trong hai bài thi tổ hợp có điểm liệt thì thí sinh có được xét tốt nghiệp THPT bình thường? Trường hợp HS thi được một môn (trong ba môn thành phần của bài thi tổ hợp) thì đột ngột bị ốm thì giải quyết thế nào?”.

Theo TS. Sái Công Hồng, nếu thí sinh đăng ký cả hai bài thi tổ hợp, nhưng một bài thi bị điểm liệt hay cuối cùng chỉ làm một bài thi, không dự thi bài còn lại thì miễn là bài thi tổ hợp lựa chọn còn lại đạt điều kiện xét tốt nghiệp thì thí sinh vẫn được xét tốt nghiệp bình thường. Riêng trường hợp thí sinh bị ốm trong lúc làm bài thi, phải bỏ dở hai môn thi thành phần như câu hỏi đề cập thì hội đồng thi sẽ lập biên bản và xem xét xử lý theo hướng dẫn, phụ thuộc vào tình huống cụ thể của thí sinh.

Duy Tuyên