Khó khăn đường đến giảng đường của thủ khoa xứ Nẫu

(Dân trí)- Sau khi Lê Hồng Nam nhận quà của Hội Khuyến học tỉnh Phú Yên, chúng tôi đến thăm nhà Nam để tìm hiểu thêm về cậu thủ khoa ĐH Ngoại thương cơ sở tại TPHCM. Trò chuyện với mẹ Nam, chúng tôi biết để Nam đến được giảng đường ĐH, chặng đường còn lắm khó khăn…

Giúp mẹ bán trứng vẫn học giỏi

Căn nhà nhỏ bé của gia đình Nam mấy ngày hôm nay rộn rã hẳn lên khi mọi người hay tin cậu học trò nghèo đỗ thủ khoa. Nhiều người vào ra chúc mừng, nhưng khi không có khách, tân thủ khoa quay trở lại với công việc hàng ngày, đó là phụ mẹ luộc trứng vịt lộn để bán. Chưa đến ngày nhập học, còn khá rảnh rỗi nên Nam cũng giúp mẹ được nhiều hơn. Từ việc rửa trứng, luộc trứng rồi nhặt rau…, Nam làm còn gọn gàng hơn con gái.

Cô Ngân, mẹ Nam, nhìn cậu con trai, cười tự hào: “Nam ngoan và chăm chỉ lắm, đêm nào cũng học đến 1, 2 giờ sáng. Chiều chiều thì phụ mẹ việc nhà. Năm lớp 12, để Nam tập trung ôn thi đại học, cô đã không cho em phụ nữa, nhưng Nam vẫn cố gắng tranh thủ thời gian giúp cô bán trứng”.

Một người quen của gia đình tâm sự với chúng tôi: “Nhiều khi đi ngang qua chỗ Nam bán trứng thấy một tay em cầm quyển sách chăm chú ngồi đọc, tôi cảm phục lắm”.

Khó khăn đường đến giảng đường của thủ khoa xứ Nẫu - 1
Lê Hồng Nam thường chong đèn học đến 1, 2 giờ sáng.

Quả thật là nhìn vào thành tích học tập của Nam, ai cũng thấy “nể”. Lớp 11, Nam đạt giải nhất kỳ thi giải Toán học trên máy tính Casio cấp tỉnh, giải nhì môn Toán cấp tỉnh và huy chương vàng môn Toán tại kỳ thi Olympic truyền thống 30/4. Lớp 12, Nam đạt liền 4 giải các kỳ thi Toán, đó là giải nhất cấp tỉnh, giải ba cấp quốc gia, giải nhì kỳ thi giải Toán học trên máy tính Casio cấp tỉnh và giải khuyến khích kỳ thi giải Toán học trên máy tính Casio toàn quốc.

Đặc biệt, Nam là một trong ba học sinh Phú Yên được Bộ GD-ĐT chọn thi vào đội tuyển dự thi Olympic Toán quốc tế năm 2010. Mặc dù không được chọn vào đội tuyển (Nam đứng thứ 7, trong khi đội tuyển chọn 6 người) nhưng đó cũng là động lực giúp Nam quyết tâm “phục thù” ở kỳ thi đại học.

Không phụ lòng mong mỏi của ba mẹ, Nam đỗ khoa ĐH Ngoại thương cơ sở tại TPHCM với tổng điểm 29 (Toán 10, Lý 9,5, Hoá 9,5).

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập của mình, Nam cho biết: “Internet là nguồn thông tin phong phú và rộng lớn, biết tận dụng nó sẽ giúp ích cho mình rất nhiều. Em thường lên các trang web để lấy đề thi về làm, hay vào các trang web tuyển sinh để tìm hiểu thông tin”. Nhưng theo Nam, nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa cũng là điều quan trọng, từ đó mới tìm hiểu thêm những dạng bài lạ và mở rộng kiến thức. 

Đọc sách cũng là một niềm yêu thích của Nam. Không có điều kiện mua những cuốn sách toán đắt tiền, Nam thường đến nhà thầy giáo chủ nhiệm mình là thầy Huỳnh Tấn Châu để mượn sách đọc. Nhắc đến người học trò hay đến mượn sách, thầy Châu cười tự hào: “Nam chăm chỉ lại rất sáng tạo nên đạt thành tích như hôm nay cũng không có gì ngạc nhiên. Nhưng quý nhất ở em là tinh thần vượt khó học giỏi”.

“Cô sẽ vay tiền cho Nam đi học đại học”

Gia đình Nam thuộc diện khó khăn ở TP Tuy Hoà. Ba em là bộ đội về hưu, không có lương, nguồn thu nhập chính của gia đình là rổ trứng vịt lộn của mẹ. Cô Ngân cười buồn: “Nghề cô cũng thất thường lắm, ngày bán được ngày không. Mùa hè đi bán ở biển còn đỡ chứ đến mùa mưa thì hay ế lắm”.

Khó khăn đường đến giảng đường của thủ khoa xứ Nẫu - 2
Lê Hồng Nam và mẹ (ngoài cùng, bên trái) trong buổi nhận quà của Hội Khuyến học tỉnh Phú Yên chiều 12/8.

Ngày nhập học đang cận kề, Nam còn có một anh trai đang là sinh viên năm 3 Trường ĐH Y Dược TPHCM. Lo cho hai cậu con trai học hành đến nơi đến chốn sẽ là một thách thức lớn với ba mẹ Nam trong thời gian tới. Cô Ngân quyết tâm: “Phải lo cho Nam học bằng được, khó khăn mấy cô chú cũng sẽ cố gắng, sắp tới cô sẽ vay tiền cho Nam đi học đại học”.

Mùa mưa đang dần đến, trời Tuy Hòa những ngày này thường đổ mưa bất chợt, rổ trứng của mẹ Nam vì thế mà như trĩu nặng hơn. Mới đây, cô Ngân phát hiện mình bị bệnh đau cột sống, không được mang vác nặng hay đi bộ nhiều.

“Nhưng nếu nghe theo lời bác sĩ thì làm sao cô bán được trứng, làm sao lo cho anh em Nam đi học được” - giọng cô nghe chất chứa bao niềm thương yêu lẫn nỗi âu lo.
 

Theo yêu cầu của nhiều bạn đọc, báo điện tử Dân Trí xin đăng số điện thoại của em Lê Hồng Nam để bạn đọc liên hệ với em chia sẻ và động viên: 0168 991 7960.

 
Bài và ảnh: Khánh Hằng - Thành Chung