Hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2011:

Khối A ngành kinh tế áp đảo, khối C quá lèo tèo

(Dân trí) - Ngày 14/4, kết thúc nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH,CĐ 2011, theo thống kê sơ bộ của nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội, TPHCM lượng hồ sơ ĐKDT vào khối A, nhất là ngành kinh tế chiếm áp đảo, ngược lại khối C lại lèo tèo vài chục bộ.

Kết thúc ngày nhận hồ sơ ĐKDT ĐH,CĐ 2011, đồng loạt các phương tiện thông tin đại chúng đều thông tin phản ánh từ các trường THPT, Sở GD-ĐT trong Nam, ngoài Bắc về số lượng ĐKDT đông nhất vẫn là khối A và D, trong đó ngành kinh tế vẫn chiếm áp đảo nhất. Ở Hà Nội, học sinh dự thi đông nhất vào các trường ĐH Kinh tế quốc dân, Thương Mại, Học viện Ngân hàng, ĐH Điện lực, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Hà Nội…
 
Khối A ngành kinh tế áp đảo, khối C quá lèo tèo - 1
Thí sinh không còn mặn mà với khối C do cơ hội việc làm ít. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Ngược lại, khối C, số lượng hồ sơ ĐKDT lại rất ít, trong hàng nghìn bộ hồ sơ, chỉ có vài chục bộ đăng ký thi. Cụ thể, trường THPT Marie Curie - Hà Nội năm nay nhận được 1.200 bộ hồ sơ của 450 học sinh trong trường. Ông Lê Ngọc Lâm, cán bộ văn phòng của trường cho biết: “Lượng hồ sơ đăng ký chủ yếu vào khối A và D vào các trường ĐH Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Bách khoa, sau đó mới đến ĐH Ngoại thương, Thương mại. NV2 của học sinh chủ yếu đăng ký vào các trường ĐH Dân lập. Lượng hồ sơ khối C chỉ vài chục bộ, rất ít”.

Theo thống kê năm 2010 của Bộ GD-ĐT, trong tổng số 460.148 sinh viên đại học hiện nay thì sinh viên nhóm ngành Xã hội nhân văn có 34.999 sinh viên (chiếm tỷ lệ 7,61%). Hệ CĐ còn ít hơn, trong tổng số 53.130 sinh viên, sinh viên nhóm ngành Xã hội nhân văn là 1.695 sinh viên (chiếm tỷ lệ 3,19%).

Tại trường THPT Yên Hòa, theo cô Đặng Thu Lan, cán bộ nhà trường cho biết: “Trường năm nay nhận được 1.500 hồ sơ ĐKDT ĐH,CĐ của học sinh nhưng số lượng hồ sơ dự thi vào khối C đếm được trên đầu ngón tay. Thí sinh chủ yếu thi vào trường Kinh tế Quốc dân và Thương mại”.

Tương tự, tại trường THPT Đoàn Kết, nhận được 1.474 bộ hồ sơ nhưng lượng hồ sơ dự thi khối C chỉ nhiều hơn các khối ngành năng khiếu một chút. Kỷ lục, trường THPT Việt Đức, nhận được 2.200 bộ nhưng chỉ vẻn vẹn có 3 bộ hồ sơ khối C. Đặc biệt, tại phòng GD-ĐT, quận Hoàn Kiếm, trong 250 bộ hồ sơ nhận được không có bộ nào khối C.

Cô giáo Đặng Thu Lan, trường THPT Yên Hòa phân tích: “Nguyên nhân chính của việc thí sinh dự thi khối C ít cũng là điều dễ hiểu vì học sinh Hà Nội học phân ban nhiều. Số lượng học sinh học ban Tự nhiên nhiều hơn ban Xã hội. Thậm chí có trường không có ban Xã hội vì học sinh được quyền chọn ban học”.

Tại sao thí sinh lại ĐKDT C ít? Không phải bây giờ mới xảy ra hiện tượng này mà từ nhiều mùa tuyển sinh trở lại đây. Bởi vì thí sinh cũng đã thực tế hơn về việc làm sau khi ra trường với khối C hiện nay rất khó khăn như các ngành Văn học, Lịch sử, Thông tin - Thư viện, Công tác xã hội, Triết học, Chính trị học… Bên cạnh đó, thí sinh dự thi khối A và D, cơ hội xét tuyển cũng nhiều hơn khối C.
 
Kinh nghiệm nhiều năm tuyển sinh về số lượng thí sinh dự thi ít và tránh thiếu chỉ tiêu, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH QG Hà Nội vài năm trở lại đây ngành nào cũng tuyển sinh 2 khối C và D, A. Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhiều ngành cũng tuyển sinh cả 2 khối C và D. Tương tự, nhiều trường ĐH về xã hội khác cũng như vậy, mở thêm khối thi để "chống móm" thí sinh.  
 
Khối A ngành kinh tế áp đảo, khối C quá lèo tèo - 2
Điểm thu hồ sơ của Sở GD- ĐT TPHCM đông thí sinh đến nộp hồ sơ ĐKDT. (Ảnh: Lê Phương)
 

Theo ghi nhận của PV Dân trí tại TPHCM, hôm nay 14/4, các trường THPT đã dừng nhận hồ sơ ĐKDT của học sinh. Nhìn chung, năm nay việc tư vấn tuyển sinh được thực hiện khá tốt nên các học sinh phần nào biết cân nhắc chọn trường phù hợp với mình. Số lượng hồ sơ không tăng so với năm ngoái. Đa số mỗi học sinh nộp khoảng 2, 3 hồ sơ, vào hai khối thi khác nhau.

 

Thống kê ở trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), với tổng số 380 học sinh lớp 12 thì có 870 hồ sơ dự thi ĐH, 85 hồ sơ CĐ. Tương tự, trường THPT Ngô Quyền (Q.7) có 680 học sinh lớp 12, nộp tổng cộng 1200 bộ hồ sơ;  trường THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh) nhận được hơn 2700 hồ sơ đăng ký trên tổng số 1000 học sinh. Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến năm nay thu nhận khoảng 6.000 hồ sơ trên tổng số 1.900 học sinh; trường Nguyễn Trãi (Q. 4) nhận gần 1400 hồ sơ.

 

Tuy nhiên, nếu các khối thi A, D có lượng hồ sơ đăng ký khá lớn thì khối C lại trong tình cảnh ế ẩm. Ở trường THPT Gia Định, trong số gần 1000 học sinh lớp 12 thì chỉ có hai em nộp hồ sơ ĐKDT vào khối C với số hồ sơ đếm chưa hết đầu ngón tay. Không khá hơn, nhiều trường như THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Khuyến thì gần như….không có hồ sơ khối C nào.

 

Ngay tại điểm thu nhận hồ sơ ĐKDT của Sở GD-ĐT TP.HCM, nơi thu nhận hồ sơ dự thi của thí sinh vãng lai, trong 2 ngày nay hàng trăm lượt thí sinh đến nộp hồ sơ. Ghi nhận tại đây, số thí sinh đăng ký vào khối A,D chiếm tỉ lệ lớn.

 

Thí sinh Trần Khánh Thư, ở quận Gò Vấp cho biết năm nay vẫn quyết tâm thi vào trường ĐH Tài chính Marketing, vì đã trượt năm ngoái nên khá áp lực. Còn bạn Bùi Nhật Duy, ở quận Bình Tân tâm sự rằng năm ngoái chưa có kinh nghiệm nên đăng ký bừa vào trường ĐH Tài chính Marketing. Sau một năm cân nhắc, Duy vẫn quyết định thi khối A vào ngành Sư phạm trường ĐH Sài Gòn.

 

Trong khi đó, ở điểm thu hồ sơ tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, đến hết ngày 14/4 cũng nhận được tổng cộng hơn 5000 hồ sơ ĐKDT. Nhưng theo thống kê thí điểm trên 1.400 hồ sơ ĐKDT của thí sinh tự do thì chỉ có 30 bộ hồ sơ dự thi khối C.

 

Ngược lại đó, nhóm ngành kinh tế, ngoại thương với khối thi A, D vẫn là lựa chọn hàng đầu đối với các thí sinh. Như tại trường THPT Võ Thị Sáu, nhiều học sinh chọn trường ĐH Hoa Sen 149 hồ sơ, trường ĐH Tài chính Marketing 137 hồ sơ, tiếp đến là ĐH Công Nghiệp, ĐH Sài Gòn… Đa số học sinh trường Gia Định tập trung đăng ký đông vào các trường ĐH Kinh tế, ĐH Tài chính Marketing…

 

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT lưu ý rằng:“Hiện nay chỉnh sửa hồ sơ sẽ rất khó khăn vì có những Sở GD-ĐT, hồ sơ lên đến hàng chục ngàn và hầu hết đang trong quá trình nhập liệu. Để tìm  1 hồ sơ trong đống hồ sơ nhiều như thế thì mất rất nhiều thời gian dù là các Sở cũng sẵn sàng giúp đỡ các thí sinh. Nếu muốn chỉnh sửa hoặc điều chỉnh gì đó về ngành, trường thì tốt nhất các thí sinh nên trực tiếp đến nộp hồ sơ thêm tại các trường ĐH, CĐ”.

 

Như vậy, sau ngày 14/4, các thí sinh nếu có nhu cầu chỉnh sửa, nộp hồ sơ có thể nộp trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ. Thời hạn đến hết 21/4. Ngoài ra, thí sinh cũng có thể nộp hồ sơ tại Văn phòng đại diện của Bộ GD-ĐT tại TPHCM (số 3 Công trường Quốc tế, Q.3)



Hồng Hạnh - Lê Phương