Kỳ 2: Khác biệt từ tuyển sinh

Một ngày chủ nhật, những chiếc xe buýt màu cam của trường Đại học Việt Đức cùng các sinh viên hướng dẫn tươi cười đón cha con tôi tại Hồ Con Rùa, cùng khoảng hơn trăm sinh viên và phụ huynh khác đến tham dự ngày hội thông tin Open Day tại cơ sở Bình Dương.

Kỳ 2: Khác biệt từ tuyển sinh
 
Qua giới thiệu sơ lược từ hai sinh viên hướng dẫn trên xe, tôi được biết trong năm tuyển sinh mới, trường Đại học Việt Đức đã và đang triển khai tổng cộng bốn ngành đào tạo bậc cử nhân trong các lĩnh vực chính là kinh tế và kỹ thuật. Tôi đặc biệt ấn tượng với nhóm ngành kỹ thuật với các khoa Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện, và ngành đào tạo mới mở là Cơ khí, vì khi nhắc tới nước Đức chúng ta không thể không nghĩ tới ngành công nghiệp kĩ thuật tiên tiến của họ. Bên cạnh đó, không có gì cần bàn cãi về sự phát triển bền vững của nền kinh tế Đức, vì vậy, các ngành Tài chính kế toán cũng làm tôi rất quan tâm.

Điều làm tôi bất ngờ hơn chính là, để chất lượng đào tạo bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn Đức, mỗi ngành của trường Đại học Việt Đức cũng tuyển với chỉ tiêu khá thấp, một ngành chỉ từ 60-70 sinh viên, quá ít so với các trường đại học công lập khác. Theo những gì tôi tìm hiểu, ở nước Đức cũng giống hệt vậy, một lớp học không nhồi nhét thật nhiều sinh viên, vì các nhà giáo dục châu Âu cho rằng, nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao, ở đây là các sinh viên có những kiến thức tốt, được đào tạo bài bản, luôn phải nhỏ hơn hay bằng với nhu cầu, thì cơ hội tìm được những việc làm tốt mới luôn rộng mở đối với sinh viên của họ. Ngoài ra việc chọn lọc gắt gao số ít những sinh viên xuất sắc, có khả năng thích ứng và phát triển trong môi trường quốc tế cũng làm cho chỉ tiêu đầu vào của trường bị giới hạn, nhưng cũng vì thế mà kết quả đào tạo được đảm bảo hơn, sinh viên nhận được sự tận lực hỗ trợ để phát huy khả năng của mình.

Cô bé sinh viên hướng dẫn trên xe đã giải thích cặn kẽ thắc mắc về vấn đề tuyển sinh của tôi như sau: hiện có hai hình thức để thi tuyển đầu vào. Đợt tuyển đầu tiên sẽ vào tháng năm sắp tới, sau khi hoàn thành các bước nộp đơn trực tuyến, các thí sinh được đạt yêu cầu về điểm học bạ sẽ làm bài thi tuyển sinh riêng của trường, độc lập và diễn ra trước kỳ thi THPT quốc gia. Vì việc đào tạo của trường là hoàn toàn bằng tiếng Anh nên tất cả bài thi đều phải được trả lời bằng tiếng Anh. Bài thi được chia thành hai phần: một bài sẽ kiểm tra kiến thức tổng quan về ngành học, một bài sẽ đánh giá trình độ tiếng Anh của thí sinh. Sau khi đọc qua các đề thi mẫu trên website trường, tôi đánh giá bài thi khá thú vị, phân hóa học sinh rõ ràng, và đặc biệt là không quá nặng về kiến thức như các bài thi tuyển sinh đại học của Việt Nam mà chủ yếu là kiểm tra khả năng tư duy của học sinh, một trong những yếu tố then chốt các em cần có để tiếp thu chương trình theo phương pháp tự nghiên cứu, hoàn toàn khác với thời phổ thông “cầm tay chỉ việc”. Đợt thứ hai sẽ tuyển sinh theo cách xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia. theo khối: khối A, A1 dành cho khối ngành Kỹ thuật; khối A, A1, D1 dành cho khối ngành Kinh tế, với điểm sàn từ 21 điểm trở lên.

Trong lớp học ĐH Việt - Đức

Mức học phí của trường hiện nay là khá cao, một trong hai em sinh viên trao đổi với tôi đã nhận xét như vậy. Nhưng em khẳng định với tôi rằng, những gì sinh viên nhận được từ nhà trường là hoàn toàn xứng đáng. Ở đây em có nhắc đến về việc trao học bổng hằng năm cho sinh viên ưu tú của trường. Đối với bậc cử nhân, 40% sinh viên sẽ được nhận mức ưu đãi về học phí, từ 100%, 50% đến 30%. Đây cũng là một chính sách hỗ trợ của hai chính phủ cũng là một sự khuyến khích tinh thần học tập, nâng cao kĩ năng, kiến thức của sinh viên Việt Nam. Theo tôi, đây là một khoản đầu tư rất lớn từ hai chính phủ để đào tạo nhân tố “con người” cho đất nước.

Đoàn xe dừng lại trong khuôn viên trường, trước tòa nhà có logo VGU màu cam và tấm biểu ngữ chào mừng nổi bật, được biết cũng là thành quả thiết kế của sinh viên trường. Chúng tôi bước xuống xe và bắt đầu một ngày tham quan trường Đại học Việt Đức. (còn tiếp kỳ sau)