Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói gì về những “sự cố” thi ĐH đợt 1

(Dân trí) - Kì thi tuyển sinh ĐH đợt 1 đã khép lại, những sai sót về nhầm mã đề hay ký nhầm của giám thị… đã được Bộ GD-ĐT đứng ra giải quyết. Tuy nhiên qua vụ việc cho thấy bản thân giám thị và ngay cả thí sinh chưa thực sự đề cao trách nhiệm.

Nhằm cung cấp cho các bạn độc giả những thông tin xoay quanh về các vụ việc trên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga - Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011.

Thưa Thứ trưởng, những lỗi sai sót ở kì thi ĐH đợt 1 hoàn toàn có thể xử lý một cách nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên cách thực hiện của giám thị lại thiếu chuyên nghiệp vậy có phải chăng công tác tập huấn năm nay không được coi trọng?

Năm nay chúng ta vẫn tổ chức tập huấn nhiều. Việc xảy những vấn đề sai sót ở kì thi ĐH đợt 1 có thể là do giám thị chủ quan hoặc các trường không đủ giám thị nên phải thuê ở ngoài cơ sở, thậm chí đưa ra sinh viên vào làm công tác coi thi. Những người như vậy thường không có kinh nghiệm bởi họ mới chỉ làm công tác thi năm đầu.
 
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói gì về những “sự cố” thi ĐH đợt 1 - 1

Thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2011 tại Hà Nội.

Các sự cố ở kì thi ĐH đợt 1 nếu là các giám thị có kinh nghiệm thì việc xử lý rất đơn giản. Nhưng ở đây do thiếu kinh nghiệm nên không xử lý kịp thời và bản thân họ cũng báo cáo lên Ban chỉ đạo tuyển sinh để xin ý kiến mà tự mình đứng ra khắc phục đã dẫn đến hậu quả từ chuyện nhỏ trở thành chuyện lớn.

Sai sót về việc giám thị ký nhầm vào bài thi tại điểm thi Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin năm 2011 đã được Bộ GD-ĐT đứng ra giải quyết. Trong đó 21 thí sinh phương án lấy kết quả sau khi chép lại nhân hệ số 1,3 và chỉ có 3 thí sinh chọn hình thức thi lại. Vậy thưa Thứ trưởng, dựa trên tiêu chí nào để Bộ quyết định nhân theo hệ số như vậy? Và cách làm này liệu có đảm bảo sự công bằng đối với thí sinh cả nước?

Thật ra ở đây số lượng thí sinh liên quan đến vụ việc chỉ là 24 em, một con số rất nhỏ. Sở dĩ Bộ đưa ra phương án nhân hệ số như vậy là do tính toán khi chép lại các em mất khoảng 45 phút nghĩa là thời gian làm bài chỉ còn 135 phút. Như vậy tỷ lệ 45 phút chép bài/135 phút làm bài tương đương với 1/3. Nói cách khác với tốc độ làm vài như vậy trong 45 phút còn lại các em có thể làm được và được hưởng thêm 30%.

Ở đây chúng ta phải nhìn nhận không phải lỗi của các em mà do sai sót của giám thị. Chính vì thế cần phải đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Qua các sự cố giám thi ký nhầm, hay nhầm mã đề thi cho thấy thí sinh dường như rất chủ quan. Nếu đề cao trách nhiệm, thí sinh hoàn toàn có thể phát hiện những sai sót ngay sau khi giám thị phát đề, hay ký nhầm qua đó sẽ dễ dàng xử lý hơn. Quan điểm của Thứ trưởng vấn đề này như thế nào?

Đúng như vậy. Tôi nghĩ thí sinh cũng cần có trách nhiệm hơn. Khi bắt đầu làm bài cần kiểm tra đầy đủ các thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Đối với môn tự luận thì điền đầy đủ thông tin cần thiết, kiểm tra xem đủ chữ ký của giám thị hay chưa…

Theo quy định, đối với môn thi trắc nghiệm thí sinh được dành thời gian 15 phút để điền mã đề vào phiếu trả lời, kiểm tra các trang của đề thi. Nếu phát hiện đề thi bị thiếu trang, thí sinh đề nghị cán bộ coi thi cho đổi bằng đề thi dự phòng có mã đề thi tương ứng (hoặc mã đề thi khác với mã đề thi của 2 thí sinh ngồi hai bên).

Như vậy, nếu thí sinh đề cao trách nhiệm thì sự cố của kì thi ĐH đợt 1 được giải quyết đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều.

Kết thúc kì thi ĐH đợt 1 cho thấy số thí sinh bị đình chỉ thi ở mức khá cao (80 trường hợp), trong đó chủ yếu liên quan đến điện thoại di động. Theo Thứ trưởng thì nguyên nhân của vấn đề ở đây là gì? Có phải chăng công tác nhắc nhở vẫn chưa được quan tâm đúng mức?

Tôi nghĩ công tác nhắc nhở các em không phải đến thi mới làm. Chúng ta đã nói suốt cả năm trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thông qua các văn bản chỉ đạo của Bộ.

Trong khi đó thường các em mang điện thoại vào phòng thi là do vô tình bởi tâm lý gửi ngoài thì sợ mất. Rất nhiều trường hợp các em bị đình chỉ đáng tiếc bởi lỗi này. Thật ra số thí sinh có ý định mang điện thoại vào phòng thi để gian lận là rất hiếm bởi thời gian làm bài không cho phép các thực hiện như vậy, bên cạnh đó lại có sự giám sát chặt chẽ của giám thị.

Vấn đề này chúng ta cần phải xử lý từ gốc của nó. Ở các điểm thi của nhiều trường có lập ra các điểm trông điện thoại cho các em nhưng nó chỉ thuận lợi khi hội đồng đó ít thí sinh còn nếu lên đến hàng nghìn thì cũng rất là khó khăn. Chính vì thế tốt nhất thí sinh nên gửi điện thoại ở nhà trọ hoặc gửi người thân trước khi vào địa điểm thi. Bên cạnh đó người nhà cần có trách nhiệm nhắc nhở các em và “tịch thu” điện thoại khi đưa con đến điểm thi bởi khi làm thủ tục vào phòng thi do tâm lý các em thường hay quên.

Một trong những vấn đề được nhiều thí sinh và phụ huynh năm nay quan tâm. Có ý kiến cho rằng đề thi năm nay có tính phân loại cao nhưng lại quá khó. Thứ trưởng đánh giá thế nào về ý kiến này?

Năm nay Bộ GD-ĐT chỉ đạo là phải tăng tính phân hóa của đề thi. Không khó và không quá khó hoặc phức tạp. Theo quan điểm của tôi thì có thể điểm thi 9-10 sẽ ít đi so với mọi năm nhưng điểm trung bình có thể tăng lên. Nghĩa là phổ điểm sẽ được phân bố đều và hợp lý hơn để có thể chọn được những thí sinh giỏi vào các nghề đào tạo của các trường. Trách tình trạng thí sinh đạt điểm thi cao nhưng vẫn trượt ĐH.

Vài ngày nữa kì thi tuyển sinh ĐH đợt 2 diễn ra, để tránh những sai sót giống như ở đợt 1, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những giải pháp nào?

Để tránh những sai sót như đợt 1, Ban chỉ đạo thi đã có văn bản gửi các Hội đồng thi đề nghị tổ chức tập huấn kỹ cho giám thị coi thi, tất cả các sự cố không bình thường khi tác nghiệp phải được báo cáo ngay với Chủ tịch Hội đồng thi hoặc Ban chỉ đạo thi để đưa ra phương án xử lý chứ không được tùy tiện xử lý. Đối với đề thi, Bộ GD-ĐT cũng đã nhắc nhở các trường đến nhận đề thi cần tăng cường công tác kiểm tra rà soát thật kĩ trước khi đóng gói.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Hùng (thực hiện)