Mong mỏi của một thí sinh khiếm thị

(Dân trí) - “Cần có một cơ quy chế thi dành cho người khiếm thị chứ với phương thức hiện tại thì gây quá nhiều khó khăn đối với những người rơi vào tình cảnh như em” - Hoàng Minh Quang, thí sinh “đặc biệt” dự thi vào trường Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ.

Với ý chí quyết tâm thi đỗ ĐH để được học hỏi thêm nhiều kiến thức về giúp những người cảnh ngộ, Hoàng Minh Quang (quê Lương Sơn, Hòa Bình) đã quyết định đầu đơn dự thi. Năm nay Quang ĐKDT hai trường: Thi khối A vào Học viện Hành chính Quốc gia và khối B vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với chuyên ngành Tâm lý giáo dục.

“Hội người mù tỉnh Hòa Bình vừa mới thành lập nên những người ở đây gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi. Em chỉ mong sao mình đỗ ĐH để học hỏi kiến thức đem về phục vụ giúp đỡ những người thiệt thòi vượt qua khó khăn của cuộc sống” - Hoàng Minh Quang cho biết.

Sau buổi thi môn Vật lý, tôi gặp Quang tại phòng Hội đồng tuyển sinh Học viện Hành chính Quốc gia. Em có mặt ở đây bởi lẽ lãnh đạo nhà trường muốn lắng nghe những ý kiến của em để đề xuất Bộ GD-ĐT đưa ra những cơ chế dành cho người khiếm thị.

Thí sinh có học lực khá

Chào Quang, em có thể chia sẻ vì sao em quyết định đăng ký dự thi nhất là lại vào khối A, B có nhiều môn thi liên quan đến tính toán, điều này rất khó khăn đối với những người bị khiếm thị?

Mắt em bắt đầu không nhìn thấy gì em lên 15 tuổi. Năm đó do em bị một khối u lành trong não cần phải được phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật xong thì em không còn nhìn thấy gì nữa.
 
Sở dĩ em chọn thi khối A, B vì em rất thích các môn học tự nhiên. Em bị tối mắt vào cuối năm lớp 9 nhưng khi lên cấp 3 em vẫn quyết tâm theo học các môn học ưa thích này cho dù gặp khá nhiều khó khăn.
 
Mong mỏi của một thí sinh khiếm thị - 1

Hoàng Minh Quang ở phòng thi với những thiết bị đặc biệt: Máy quay, máy ghi âm... cùng hai giám thị.

Trong 3 năm học THPT thì em đã học tập như thế nào? Kết quả học tập của em đối với 3 môn Toán, Lý, Hóa có khá không?

Trong 3 năm này em thường học trước ở nhà sau đó đến lớp nghe thầy cô giảng bài để có thể nắm kiến thức sâu sắc hơn. Phương thức học tập của em chủ yếu là nghe, người giúp em đọc bài trong suốt quá trình học chính là mẹ.

Trường THPT của em là một trường hòa nhập, không có sự phân biệt giữa học sinh bị khiếm thị với nhưng học sinh khác. Chính vì thế cũng không có những hỗ trợ về giáo trình chữ nổi hay các thiết bị hỗ trợ người bị khiếm thị. Chính vì thế cách thức học chính của em nghe để hiểu và ghi âm lại để về nhà có thể ôn lại kiến thức đã học ở trên lớp.

Kết quả học tập môn Toán của em ở hai năm lớp 10 và 11 đều là 8,9. Chỉ riêng năm lớp em được tổng kết là 7,4 vì bài thi cuối kỳ em không tốt nên đã điểm cả năm bị kéo xuống. Đối với hai môn Hóa, Lý em có điểm tổng kết từ 8,0 trở lên.

Không làm được bài vì cách thức thi khác quá

Một kết quả không tệ một chút nào. Vậy ở trường em được dự thi như thế nào?

Ở trường khi thi kiểm tra em được các thầy cô đọc câu hỏi, em sẽ nghe và nêu ra phương hướng. Sau đó em trình bày cách làm, đưa ra các công thức để giải. Các bước thay số vào công thức để tính thì các thầy cô sẽ làm giúp em bằng cách bấm máy tính giùm.

Hôm nay em đã thi được hai môn rồi, vậy cách thức thi ở ĐH có khác nhiều so với các bài kiểm tra ở trường không? Có gây nhiều khó khăn cho em không?
 
Phương thức thì khác hoàn toàn anh ạ. Ở kì thi ĐH em chỉ được các thầy cô trợ giúp đọc đề, không được viết ra và bấm máy tính hộ nên em gặp rất nhiều khó khăn do đó kết quả làm không được tốt lắm.
 
Mong mỏi của một thí sinh khiếm thị - 2

Hình thức thi mới lạ đã khiến Quang làm bài không tốt.

Em có nói rõ hơn những khó khăn của của mình khi làm bài thi ĐH?

Khi được các thầy cô đọc đề thi em phải nhớ đề sau đó tự biến đổi và tính toán bằng cách nhẩm trong đầu. Sau đó sẽ đọc và ghi âm lại nên hơi khó khăn. Bởi có những câu dài quá thì hay quên. Chẳng hạn như môn Lý chiều nay có nhiều câu khi tính toán ra có phần thập phân tương đối lớn nên em không thể nhẩm tính và nhớ được. Chính vì thế môn Toán em chỉ làm được khoảng 40%, môn Vật lý khoảng gần 30% thôi. Em cũng chưa biết trong quá trình tính nhẩm có bị nhầm chỗ nào không nữa.

Anh thấy trên tay của em đang cầm một chiếc máy tính, chiếc máy tính này có gì đặc biệt không?

Không có gì đặc biệt anh ạ. Em cứ tưởng các thầy cô giám thị sẽ bấm máy giúp nên mới mang theo vào phòng thi, tuy nhiên do quy chế của Bộ quy định giám thị không được phép làm điều này nên em chưa sử dụng lần nào.

Cần một cơ chế dành cho thí sinh khiếm thị

Anh hỏi thêm một chút này, nếu ở kì thi ĐH có mẹ đứng bên cạnh để đọc đề trợ giúp thì em có làm bài tốt hơn không?

Em nghĩ kết quả sẽ tốt hơn bởi mẹ em là người đọc cho em thường xuyên nên cũng biết được ký hiệu về các môn tự nhiên nên dễ dàng cho em hơn. Ở kì thi ĐH thì một số thầy cô do lâu ngày không đụng đến kiến thức phổ thông nên đôi khi đọc các đơn vị sai gây khó khăn cho em.

Em có thể đưa ra một ví dụ cụ thể?

(cười…) Chẳng hạn như đề thi Vật lý thì có những bài toán về điện dung mà đơn vị của nó là nano và fara. Tuy nhiên khi đọc các thầy cứ đọc theo đề là N và F…
 
Mong mỏi của một thí sinh khiếm thị - 3

Dù làm bài không được tốt bài nhưng Quang vẫn lạc quan ở kì thi ĐH đợt 2. (Ảnh chụp Quang rời trường thi với sự giúp đỡ của sinh viên tình nguyện)

Anh nghe nói là em có máy chữ nổi nhưng lại không sử dụng được do không có các công thức Toán, Lý, Hóa. Vậy thực hư vấn đề này như thế nào?

Em mới học chữ nổi ở Trung tâm phục hồi chức năng ở Hà Nội nên cũng chỉ biết một số ký tự cơ bản. Em không chuyên sâu vào chữ Brai nên không biết được các ký hiệu đó về Toán, Lý, Hóa

Vậy em có nhắn nhủ gì đối với những người làm công tác tuyển sinh, nhất là đối với Bộ GD-ĐT?

Thật ra đối với những thí sinh khiếm thị thì không ngại đến kiến thức, câu hỏi của đề thi. Điều khó khăn nhất đó chính là phương thức thi mà thôi. Em chỉ có mong muốn làm sao Bộ GD-ĐT có cơ chế để em được thi theo hình thức quen thuộc như học ở THPT. Hình thức thi hiện nay thì lạ đối với em quá.

Cảm ơn Quang, chúc em đạt kết quả thi tốt!
 

Bộ GD-ĐT: Sẽ “nghiên cứu” để tạo điều kiện cho thí sinh khiếm thị

Trong môn thi Lý chiều nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn kiểm tra đã làm việc với Trường Học viện Hành chính Quốc gia. Sau khi nghe báo cáo và trực tiếp thăm phòng thi của em Quang, thứ trưởng Nghĩa đã chỉ đạo HV Hành chính Quốc gia cần quan tâm giúp đỡ thí sinh đặc biệt này. Trong trường hợp thí sinh có những đề xuất hoặc nhà trường gặp khó khăn vướng mắc thì cần báo cáo ngay với Bộ GD-ĐT để lãnh đạo Bộ xem xét nghiên cứu tạo điều kiện cho thí sinh.

Nhận được chỉ đạo của Thứ trưởng Nghĩa, ngay sau khi kết thúc môn thi Vật Lý, lãnh đạo HV Hành chính Quốc gia đã trao đổi thêm với Quang. Lãnh đạo nhà trường cho biết, các đề xuất của Quang về hình thức thi, người thân giúp em đọc đề thi… sẽ được báo cáo ngay với Bộ GD-ĐT vào ngày hôm nay để xem xét.

“Có thể sau khi nghe báo cáo thì Bộ GD-ĐT sẽ có những động thái tích cực giúp đỡ em Quang. Mặc dù ở kì thi đợt I chỉ còn môn Hóa vào ngày mai nhưng bù lại ở đợt 2 thì em sẽ được quan tâm hỗ trợ tốt hơn”, lãnh đạo này chia sẻ.

Quyết theo con suốt chặng đường

Đón con trước cổng trường Học viện Hành chính Quốc gia, bác Hoàng Minh Việt, bố của Quang chia sẻ: Khi thấy Quang quyết tâm đi thi, gia đình cũng lo lắng lắm. Nhưng rồi được Quang thuyết phục, bên cạnh đó cũng thương con nên hai bố con quyết tâm về Hà Nội dự thi.


Mong mỏi của một thí sinh khiếm thị - 4

Bác Việt quyết sẽ theo con suốt chặng đường dù biết là nhiều khó khăn.

Bác Việt cũng cho biết là sẽ theo chân con suốt chặng đường, dù năm nay không thi đỗ thì năm sau nếu con có nguyện vọng sẽ tiếp tục hành trình đi thi.

Lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia: Nên có cơ chế tuyển thẳng

Theo thầy Nguyễn Trịnh Kiểm, trưởng Ban đào tạo, Ủy viên thường trực Hội đồng tuyển sinh thì đây không phải là năm đầu tiên Trường Học viện Hành chính Quốc gia tiếp nhận thí sinh khiếm thị dự thi. Cách đây vài năm trường cũng có hai thí sinh đến dự thi nhưng kết quả là đều không trúng tuyển. Chính vì thế Bộ GD-ĐT nên có cơ chế tuyển thẳng đối với những thí sinh “đặc biệt”. Còn nếu tổ chức thi thì cần có đề thi riêng (đề thi chữ nổi) và phương thức thi để thí sinh có cơ hội chứ cứ như hiện nay thì gây tốn kém cho cả nhà trường và thí sinh.

Nguyễn Hùng (thực hiện)