Xét tuyển NV2:

Ngành xã hội khó tuyển thí sinh

(Dân trí) - Chỉ còn 5 ngày nữa là hết hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 nhưng đến thời điểm này các ngành xã hội vẫn vắng bóng hồ sơ nộp vào. Nhiều trường đào tạo nhóm ngành xã hội đã tính đến chuyện xét thêm NV3 và thậm chí là đóng cửa ngành học.

ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM dành 540 chỉ tiêu xét tuyển NV2, nhưng hiện mới có 147 thí sinh đăng ký xét tuyển. Với nhiều ngành, số hồ sơ (HS) xét tuyển chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí như ngành Triết học chỉ có 2 HS; ngành Thư viện - thông tin có 4HS; ngành Lưu trữ học được 7 HS; Nhân học: 8 HS... Ngành có lượng HS nhiều nhất là Xã hội học cũng chỉ 40 HS trong khi chỉ tiêu NV2 của ngành này là 70.

Cũng "bi đát" không kém, ĐH Văn hóa TPHCM đến thời điểm này mới nhận được hơn 390 HS. Trong đó hệ ĐH chỉ được 131 HS mặc dù chỉ tiêu NV2 là hơn 400. Hệ CĐ khá hơn khi nhận được hơn 265 HS. Đặc biệt, những ngành truyền thống của trường như Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam mới có duy nhất 1 HS; ngành Bảo tàng học được 2 HS; ngành Văn hóa học được 9 HS. Trong khi số thí sinh trúng tuyển NV1 của ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam chỉ là 6 còn ngành Bảo tàng học thì được 11; ngành Văn hóa học là 7.

Ngành xã hội khó tuyển thí sinh - 1
Sắp hết hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 nhưng đến thời điểm này các ngành xã hội vẫn vắng bóng hồ sơ nộp vào. (Ảnh minh hoạ)

Thực tế tình trạng khan hiếm người học này những năm liền đã có nhưng không trầm trọng như năm nay. Năm 2010, ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam có tổng chỉ tiêu là 50 nhưng số người học chỉ có 32. Còn ngành Bảo tàng học năm ngoái có tới 150 chỉ tiêu nhưng chỉ 23 thí sinh trúng tuyển. Trước tình cảnh đó, năm nay trường giảm chỉ tiêu của ngành này xuống còn 40, thế nhưng xem ra sẽ khó đạt được 50% chỉ tiêu.

Ths Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn hóa TPHCM, nhìn nhận đây là khó khăn chung của các trường có đào tạo ngành khoa học xã hội, nhất là khi chưa có chế độ ưu đãi để khuyến khích người học. Đặc biệt như 2 ngành trên thì cơ hội việc làm vẫn còn khó khăn, mức thu nhập còn thấp nên việc khó thu hút người học là chuyện dễ hiểu. Tuy khả năng người học ít là vậy nhưng theo ông Tùng thì không thể bỏ những ngành học này vì đây là ngành đặc thù của trường.

Trước tình cảnh này, trường phải tính đến việc xét tiếp NV3 đồng thời khả năng phải cho các ngành ít thí sinh học chung chương trình đại cương, sau đó đến học chuyên ngành mới bắt đầu tách ra.

Tương tự, ĐH Văn Hiến nhận được gần 700 HS, chủ yếu tập trung vào các ngành Kinh tế, Du lịch đến gần 80%. Các ngành xã hội khác như Xã hội học, Tâm lý, Văn học, Ngôn ngữ Anh... chỉ nhận tổng cộng hơn 50 HS. Thực tế, năm ngoái ngành Văn hóa học của trường buộc phải “đóng cửa” vì không tuyển được người học.

Ông Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn Hiến, lý giải: “Do nguồn tuyển các ngành này chủ yếu từ khối C, D, mà năm nay điểm thi thí sinh cả hai khối này đều thấp nên hạn chế nguồn tuyển rất nhiều”. Hiện tại trường này hi vọng vào số thí sinh ở các trường nhận nhiều hồ sơ cân nhắc rút hồ sơ để nộp vào những trường tốp dưới, ngoài công lập.

Trái với tình cảnh các ngành xã hội, đến thời điểm này các ngành đào tạo hệ cao đẳng ở nhiều trường bội thu HS. Đến thời điểm này, ĐH Sài Gòn là trường “bội thu” số HS đăng ký xét tuyển lên đến hơn 12.000 HS. Ở hệ ĐH chỉ 62 HS đăng ký xét tuyển, còn lại hơn 11.400 HS là đăng ký vào CĐ trong khi chỉ tiêu chỉ có 1.900. Tương tự, ĐH Công nghiệp TPHCM cũng có khoảng 10.000 HS đăng ký xét tuyển...

Thụy An