Nghịch lý trong đăng ký xét tuyển NV2

(Dân trí) - Hôm nay 10/9 là hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2. Tại TPHCM, cảnh “người xét không hết, người lần chẳng ra” lại tái diễn. Trong khi có những trường dư hồ sơ xét chỉ tiêu thì một số trường thì đến cận ngày cuối vẫn mỏi mắt chờ thí sinh.

Theo đó, nhiều trường đã nhận đủ thậm chí vượt xa chỉ tiêu xét tuyển. Đơn cử là ĐH Công nghiệp TPHCM, dù trường chỉ dành 4.000 chỉ tiêu cho NV2 nhưng lượng hồ sơ đăng ký đạt kỷ lục tới hơn 22.000 hồ sơ, trong đó hồ sơ hệ ĐH chiếm hơn 40%. Theo hình thức chọn điểm từ cao xuống thì khả năng nhiều thí sinh có điểm thi từ 15, 16 vẫn phải xét tuyển NV3 ở những trường khác.

ĐH Tôn Đức Thắng cũng nhận được hơn 2.000 hồ sơ xét tuyển NV2 hệ ĐH nhưng chỉ tiêu của hệ trường là 1.200 hệ ĐH. Trong khi đó, số hồ sơ nộp vào hệ CĐ lên đến gần 5.000, trong khi chỉ tiêu lại chỉ là 600. Như mọi năm, thí sinh vẫn tiếp tục đổ xô vào các khối ngành kinh tế như Tài chính tín dụng, Quản trị kinh doanh, kiểm toán kế toán...

Còn ĐH Sài Gòn chỉ có khoảng hơn 1.900 chỉ tiêu NV2 cho cả hệ ĐH, CĐ nhưng số lượng hồ sơ đến này đã gấp đến hơn 4 lần.

Nghịch lý trong đăng ký xét tuyển NV2 - 1
Thí sinh nộp hồ sơ vào ĐH Tôn Đức Thắng, TPHCM.

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cũng không lo lắng về chuyện thiếu thí sinh xét NV2. Ông Nguyễn Tiến Dũng, trưởng phòng đào tạo trường cho biết đã nhận được hơn 800 hồ sơ xin xét NV2 hệ ĐH. Trong khi chỉ tiêu NV2 hệ ĐH chỉ là 507. Thực tế, lượng thí sinh thi vào trường năm nay có điểm từ 14 trở lên khá nhiều nhưng để nâng cao đầu vào nên trường mới xét thêm NV2.

Đại diện ĐH Tài chính Marketing chiều qua cũng cho hay trường nhận hơn 3.000 hồ sơ trong khi trường công bố 600 chỉ tiêu hệ CĐ và 175 chỉ tiêu hệ ĐH.

Trong khi các trường khác nhận hồ sơ dồn dập thì ngược lại một số trường lượng hồ sơ nhận được chỉ đáp ứng được phân nửa chỉ tiêu. Trường ĐH CNTT Gia Định mới chỉ nhận được khoảng 400 hồ sơ xét tuyển NV2, trong khi chỉ tiêu đợt này ở hệ ĐH là 450 và 400 hệ CĐ. TS Vũ Minh Lộc, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, 3 năm trước việc tuyển sinh của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay cũng không khá hơn khi đến chiều 9/9, trường mới chỉ nhận được khoảng một nửa lượng so với chỉ tiêu.

Theo lí giải của ông Lộc, thì “thương hiệu” ĐH CNTT Gia Định cũng gây nhiều khó khăn cho trường trong việc tìm kiếm thí sinh. Các thí sinh nhầm tưởng trường chỉ dạy mỗi ngành CNTT nhưng thực tế trường đào tạo đa ngành và thực tế chuyên ngành CNTT lại là ngành có số lượng sinh viên thấp nhất.

Thiếu thí sinh vẫn là tình cảnh chung của các trường ngoài công lập như ĐH Kỹ thuật Công nghệ, ĐH Văn Hiến… Một đại diện phòng đào tạo ĐH Văn Hiến thì cho hay, hiện mới nhận được khoảng 1.000 hồ sơ, tính cả hồ sơ nộp trực tiếp và cả qua đường bưu điện. So với chỉ tiêu của trường là 1.100 hệ ĐH và 300 hệ CĐ thì hiện số lượng hồ sơ chỉ được hơn nửa. Thống kê sơ bộ, các ngành khoa học xã hội và nhân văn như Tâm lý học, Việt Nam học, Xã hội học, Đông Phương học... lại tiếp tục hiếm thí sinh như mọi năm.

Với tình trạng này, các trường hiếm thí sinh chỉ trông chờ vào giải pháp NV3 là chính với tâm lý “lọt sàng xuống nia” của thí sinh. Khan hiếm thí sinh, một số trường  ĐH, CĐ đã tìm cánh làm khác đi các quy định về tuyển sinh để tạo thuận lợi cho mình trong công tác tuyển sinh.

Bên cạnh đó, một số trường dù không thiếu hồ sơ đăng ký NV2 nhưng lại mất cân bằng trong đăng ký ngành nghề. Một số ngành có quá đông thí sinh đăng ký dẫn đến tình trạng thừa chỉ tiêu ngành này hụt chỉ tiêu ngành kia.

Đơn cử như CĐ Tài Nguyên - Môi trường TPHCM, với gần 400 hồ sơ nộp xét thì đến phân nửa TS đăng ký ngành trắc địa. Còn ĐH Lạc Hồng, có trên 1.500 hồ sơ thì hết 800 đăng ký vào 2 ngành Tài chính, Kế toán; trong khi các ngành thuộc nhóm Kỹ thuật, Hóa học thì chỉ biết trông chờ NV3. Tương tự, CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm với hơn 1.200 hồ sơ nhận được thì đa phần thí sinh chọn ngành Kế toán.

Lê Phương