Những “cái nhất” của kỳ thi tuyển sinh ĐH

(Dân trí) - Những thay đổi về quy chế cộng với chi phí tổ chức kì thi tăng so với các năm trước khiến cho các trường rơi vào những hoàn cảnh trái ngược nhau. Đây cũng chính là điều tạo nên những “cái nhất” của kỳ thi ĐH năm nay.

1. Trường tổ chức thi ít tốn kém nhất

Trong khi hầu hết các trường đều than “lỗ” hàng trăm triệu đồng khi tổ chức tuyển sinh vì hồ sơ ảo khá lớn cộng với chi phí các khâu tăng cao so với năm trước thì trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại ngược lại.

Theo T.S Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng đào tạo nhà trường, Thư ký Hội đồng tuyển sinh thì nếu loại được thí sinh ảo sẽ kéo theo giảm được rất nhiều khâu khác như bố trí phòng thi, cán bộ coi thi, đề thi... Để giải quyết bài toán này sau khi nhận hồ sơ ĐKDT, trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã đối chiếu chứng minh thư để xác định số thí sinh nộp nhiều bộ hồ sơ. Sau khi sàng lọc xong, nhà trường tiến hành gửi giấy báo dự thi theo hình thức chỉ xác nhận cho mỗi thí sinh này 1 số báo danh, đến ngày thi tùy em đó lựa chọn ngành thi mà mình đã đăng ký. Như vậy, trường đã tiết kiệm được khoảng 200- 300 triệu đồngtrong việc thuê phòng. Còn với thí sinh có trùng họ tên, ngày tháng năm sinh nhưng khác số chứng minh thư thì nhà trường tách luôn phòng thi để tránh thi hộ, thi kèm.
 
 
Những “cái nhất” của kỳ thi tuyển sinh ĐH  - 1

Thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH năm 2011.

“Nhiều năm nay trường ĐH Khoa học Tự nhiên hầu như không phải bù lỗ tuyển sinh. Tuy nhiên để làm được điều đó thì đòi hỏi cán bộ tuyển sinh phải vất vả hơn để xử lý chính xác các hồ sơ” - TS Vệ nhấn mạnh.

Cách xử lý của trường ĐH Khoa học Tự nhiên không phải là điều gì quá mới bởi lẽ chỉ cần am hiểu một chút về công nghệ là hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên đó là đối với những trường thuận lợi khi số hồ sơ ảo nằm trong số thí sinh nộp nhiều hồ sơ còn ngược lại thì đang là bài toán nan giải do Bộ GD-ĐT khống chế mỗi phòng thi không quá 40 thí sinh.

2. Năm thi có nhiều thí sinh khuyết tật trúng tuyển nhất

Khác với các mùa tuyển sinh trước đây số lượng thí sinh khuyết tật trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ chỉ phổ biến có vài em thì năm nay lại tăng mạnh rõ nét. Điều đáng nói ở chỗ, các thí sinh này không cần phải lo lắng, hồi hộp để biết điểm thi mà đã chắc chắn có giấy báo trúng tuyển.

Với sửa đổi quy chế tuyển sinh quy định, thí sinh là người khuyết tật không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày: Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông (THPT) của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học. Quy định mở nên cách thức thực hiện của các trường khá khác nhau. Có trường thì chỉ xét trên phương diện kết quả học tập phổ thông rồi tiếp nhận nhưng có trường lại yêu cầu dự thi để đánh giá.

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tâm sự: “Bộ cũng khó nói các ngành nào thì người khuyết tật không làm được. Chính vì thế, hiệu trưởng các trường cần phải cân nhắc để quyết định hoặc khuyên thí sinh nên theo học ngành nào. Chúng ta phải hiểu rằng, không phải cứ khuyết tật là được đặc cách vào mà còn căn cứ vào mức độ khuyết tật, kết quả học tập phổ thông…Với các điều kiện đó, nhà trường sẽ xem xét tiếp nhận. Có thể với kết quả đó em có thể được vào thẳng trường A, nhưng đối với trường B thì phải thi để đáp ứng mức độ nào đó. Cách thực hiện rất là đa dạng và do các trường quyết định”.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT thì ở 2 kì thi ĐH đã có gần 40 thí sinh khuyết tật được đặc cách trúng tuyển. Trường tiếp nhận nhiều nhất là ĐH Huế và ĐH Sư phạm TPHCM, kế tiếp đến ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội…

3. Trường có số thí sinh đăng ký ưu tiên, tuyển thẳng nhiều nhất

Không chỉ mang danh là một trong những trường luôn có điểm chuẩn ổn định và ở mức rất cao, ĐH Ngoại thương Hà Nội còn đứng đầu cả nước về thành tích có nhiều thí sinh đăng ký ưu tiên, tuyển thẳng. Theo thống kê của nhà trường thì mùa tuyển sinh năm nay có 438 thí sinh đạt giải quốc tế, quốc gia đầu đơn xin ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng vào trường.

Trong số này có hơn 300 thí sinh đầu đơn vào ngành Kinh tế đối ngoại nên chắc chắn một số thí sinh phải chuyển sang ngành khác do chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển vào ngành Kinh tế đối ngoại hạn chế.

Lãnh đạo phòng đào tạo ĐH Ngoại thương cho biết, tất cả những thí sinh đã đăng ký tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển sẽ được trường tiếp nhận hết nếu đạt được điều kiện mà trường đã đưa ra trước đó. Những thí sinh không được tuyển vào ngành đã đăng ký nếu có nguyện vọng sẽ được chuyển sang các ngành khác. Việc được chuyển sang ngành nào sẽ được trường thông báo chi tiết trong giấy báo nhập học.

“Mặc dù số lượng thí sinh đăng ký ưu tiên và tuyển thẳng khá lớn nhưng sẽ không làm ảnh hưởng đến điểm chuẩn chung bởi lẽ trong số 438 thí sinh này chỉ có 9 thí sinh thuộc diện tuyển thẳng, số còn lại vẫn dự thi bình thường. Theo thống kê các năm cho thấy gần như 100% thí sinh thuộc diện ưu tiên xét tuyển khi dự thi đều có điểm thi đạt từ mức điểm chuẩn của trường trở lên” - lãnh đạo này nhấn mạnh.

4. Trường có ít thí sinh dự thi nhất

Với việc khó hút thí sinh ĐKDT nên phần lớn các trường ĐH tư thục không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển. Tuy nhiên nhằm mục đích quảng bá thương hiệu, một số trường tư thục quyết định tổ chức thi như ĐH Tân Tạo, ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Đại Nam…

Có lẽ đối với một kì thi tuyển sinh việc số lượng thí sinh ĐKDT vào trường dừng ở con số 1.000-2.000 chắc hẳn sẽ khiến nhiều người suy nghĩ. Nhưng điều đặc biệt ở kì thi tuyển sinh năm nay, một số trường tư tục có số lượng đăng ký chỉ ở mức vài trăm, thậm chí vài chục thí sinh những họ vẫn lạc quan. Lãnh đạo của các trường đều cho rằng: “Việc tổ chức kì thi để khẳng định vị thế của trường, bên cạnh đó sẽ xác định được những thí sinh có nguyện vọng, khát khao theo học…”.

Câu chuyện của trường ĐH Tân Tạo chắc hẳn sẽ khiến nhiều người bật cười. Năm đầu tiên tổ chức thi cùng với các ĐH trong cả nước nhưng số hồ sơ đăng ký chỉ dừng lại ở con số... 31.

GS Võ Tòng Xuân, người đã từng có nhiều năm lãnh đạo trường ĐH nay là hiệu trưởng trường ĐH Tân Tạo chia sẻ: “Qua 38 năm làm lãnh đạo trường ĐH, lần đầu tiên tôi có dịp bắt tay và tiếp chuyện với tất cả phụ huynh đưa con em đi thi ĐH. Đó là ngày Trường ĐH Tân Tạo lần đầu tiên cùng các trường ĐH trong cả nước tổ chức thi tuyển khối A. Trường ĐH Tân Tạo chỉ có 31 thí sinh đăng ký! Không một ai chen lấn. Trật tự và trống vắng”.

Tuy nhiên, GS Võ Tòng Xuân cho biết việc có ít thí sinh đăng ký cũng là dịp để ông tìm hiểu được nguyên nhân của vấn đề để qua đó có hướng phát triển trường phù hợp và đúng đắn.

Nguyễn Hùng