Những điều chưa từng biết về thi trắc nghiệm

(Dân trí) - Nên dùng bút chì để làm bài, nguyên tắc làm tròn điểm bài thi trắc nghiệm tuân theo quy luật toán học, khó có kẽ hở để gian lận trong chấm thi trắc nghiệm… Dưới đây là những câu chuyện khá thú vị mà lần đầu tiên lãnh đạo Cục khảo thí "tiết lộ".

Nên dùng bút chì để tránh những “rủi ro”

Lâu nay thí sinh cứ lầm tưởng là chỉ được dùng bút chì để khoanh tròn các đáp án nhưng thực tế thì lại không phải như vậy. Các em hoàn toàn có thể dùng bút bi, bút mực để khoanh đáp án nhưng khi làm như vậy thì sẽ dẫn đến việc: khoanh sai đáp án thì tẩy như thế nào? Nếu cố tẩy thì dễ làm rách phiếu trả lời.

Bên cạnh đó có một điều mà rất ít người biết đến, hiện nay đa số các máy chấm thi trắc nghiệm được thiết kế để dễ dàng “bắt” với chất liệu than chì (than chì có độ bóng và độ sáng - PV). Số các máy chấm thi trắc nghiệm có thể nhận ra được mầu bút bi, bút mực khá là hạn chế. Chính vì thế để tránh tình trạng “dở khóc, dở cười” thì tốt nhất chúng ta nên dùng bút chì đúng loại.

Nguyên tắc làm tròn theo quy luật toán học

Như chúng ta đã biết, thang điểm cho mỗi câu hỏi ở bài thi trắc nghiệm là như nhau. Chính vì thế nhiều thí sinh cứ tính số câu đúng để quy điểm ra thang 100. Sau đó thì quy đổi ra thang điểm 10 bằng cách chia cho 10. Cách làm này dẫn đến có các điểm lẻ như 0,2; 0,4; 0,6; 0,8 trong khi trên thực tế thì không tồn tại con số điểm thi như vậy mà bài thi chỉ có thể lẻ 0,25; 0,5; 0,75. Vậy quy đổi như thế nào để ra mức điểm này?

Nhiều lần trả lời thắc mắc cho thí sinh, chúng tôi thường nói: Việc quy đổi từ thang điểm 100 sang thang điểm 10 do máy tính tự động làm. Nguyên tắc quy đổi dựa trên quy luật toán học. Có lẽ cách nói này là khá trừu tượng nên rất ít thí sinh hiểu được. Chính vì thể tôi sẽ nói rõ ngay ở dưới đây.

Các bạn chỉ cần quan tâm đến 5 mức như sau: 0; 0,25; 0,5; 0,75; 1. Thuật toán quy tròn là điểm lẻ gần với cận nào thì sẽ được quy tròn ở cận đó.

Tôi xin đưa ra 3 ví dụ để các bạn thí sinh nhìn rõ được vấn đề này:

Một thí sinh làm đúng được 31 câu thì nếu quy ra thang điểm 10 như cách thí sinh tính sẽ là 6,2 điểm. Rõ ràng mức 0,2 nằm trong khoảng giữa 0-0,25 và gần cận 0,25 hơn nên thí sinh sẽ được làm tròn lên thành 6,25.

Một thí sinh khác làm đúng được 32 câu thì quy theo cách tính thông thường sẽ là 6,4 điểm. Mức 0,4 nằm trong khoảng 0,25-0,5 và gần với cận 0,5 hơn nên thí sinh sẽ được làm tròn lên thành 6,5.

Thí sinh làm bài đúng 34 câu khi quy sang thang điểm 10 sẽ là 6,8 điểm. Mức 0,8 nằm trong khoảng 0,75-1 và gần cận 0,75 hơn nên thí sinh sẽ được làm tròn thành 6,75.

Chấm thi trắc nghiệm liệu có “kẽ hở”?

Nhiều thí sinh đã từng chia sẻ với chúng tôi là bài thi trắc nghiệm do không có phách mà lại dễ dàng điền đáp án vào nên liệu có xảy ra vấn đề tiêu cực trong chấm thi không?

Tôi phải giải thích như thế này: Việc chấm thi sẽ xảy ra tiêu cực nếu không làm đúng theo quy trình hoặc là những người chấm thi cố tình vi phạm. Nếu nói về “nguy cơ” gian lận trong chấm thi thì bài thi trắc nghiệm còn “an toàn” hơn bài thi tự luận.

Tuy nhiên ở đây chúng ta có quy chế chấm thi, có sự giám sát giữa các cơ quan ban ngành khác nhau nên tôi tin tưởng việc gian lận trong chấm thi là không thể.

Chẳng hạn, đối với bài thi trắc nghiệm thì đơn vị tự chấm bài trắc nghiệm, tổ xử lý bài thi trắc nghiệm nằm trong Ban chấm thi, bao gồm: Tổ trưởng là lãnh đạo Ban chấm thi, các thành viên là cán bộ và kỹ thuật viên, Bộ phận giám sát gồm thanh tra do thủ trưởng đơn vị phân công và công an (A25 hoặc PA25).

Đối với trường hợp chấm bài trắc nghiệm cho đơn vị khác, tổ xử lí bài thi trắc nghiệm bao gồm: Tổ trưởng là lãnh đạo đơn vị chấm, các thành viên là cán bộ và kỹ thuật viên. Bộ phận giám sát là thanh tra của đơn vị gửi bài chấm hoặc của Bộ và công an (A25 hoặc PA25).

Các thành viên tham gia tổ xử lý bài thi trắc nghiệm tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào khu vực xử lý bài thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ lí do gì.

Với quy trình khép kín và chặt chẽ như vậy nên tôi nghĩ thí sinh không cần phải lo lắng về điều này.

Cũng có người đặt ra câu hỏi là tại sao bài thi trắc nghiệm không bố trí để rọc phách để đảm bảo khách quan? Nghe thì có vẻ là như vậy nhưng trên thực tế nếu tồn tại khâu này thì lại càng phức tạp hơn.

Chúng ta phải hiểu như thế này, khi làm phách thì cần phải đánh phách và rọc phách. Việc làm này yêu cầu có khá nhiều người tham gia. Trong khi đó đáp án lại được khoanh bằng bút chì nên dễ dẫn đến tình trạng làm mờ đáp án của thí sinh hoặc phát sinh tiêu cực “khá lớn” ở khâu này. Chính vì thế mà tôi mới nói độ “an toàn” của bài thi trắc nghiệm cao hơn bài thi tự luận.

Kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ đang đến gần, chúng tôi muốn chia sẻ những vấn đề “chưa từng” tiết lộ này để thí sinh hiểu rõ và thực hiện tốt bài thi trắc nghiệm của mình.

Nguyễn Hùng (ghi)