Những lỗi thường gặp ở kì thi tốt nghiệp THPT

(Dân trí) - Đề thi tốt nghiệp THPT không phải là quá khó đối với thí sinh. Tuy nhiên sự thiếu cẩn thận và nóng vội sẽ khiến thí sinh mắc những sai lầm đáng tiếc. Chính vì thế việc nắm rõ những quy định, loại trừ những rủi ro là điều cần thiết.

Cẩn trọng khi đọc đề

Đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu bám sát chương trình sách giáo khoa, không lắt léo đánh đố thí sinh. Bên cạnh đó, một số câu hỏi để phân loại thí sinh không phải là quá khó. Tuy nhiên có những thí sinh do có tâm lý đề thi tốt nghiệp THPT dễ nên khi nhận đề thường đọc lướt và ít khi gạch chân phần trọng tâm của đề. Chính vì thế khi bắt được từ quen thuộc thí sinh thường bắt tay vào giải ngay. Hậu quả của sự thiếu thận trọng này là làm lệch đề dẫn đến mất điểm một cách đáng tiếc. Chẳng hạn có năm đề thi ra về tác phẩm Vợ chồng A Phủ nhưng có thí sinh lại đi phân tích tác phẩm... Vợ nhặt.

Lê Kiều Trang, một học sinh đang học lớp 12 ở Hà Nội, chia sẻ: “Tâm lý vào phòng thi rất quan trọng. Cảm giác hồi hộp nhất đó chính là thời khắc nhận đề, nếu không bình tĩnh dễ dẫn đến đọc thiếu câu hỏi. Bên cạnh đó đối với các môn xã hội thì tâm lý học tủ là điều tất yếu nên nhiều bạn thường hay có trạng thái bắt tay vào làm ngay khi đọc thấy những từ quen thuộc. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc làm lệch đề”.
 
Những lỗi thường gặp ở kì thi tốt nghiệp THPT  - 1
Ôn thi tốt nghiệp THPT.

Trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngoài môn Ngữ văn còn có sự xuất hiện của môn Địa Lý, Sinh học. Đây là những môn thi mà theo đánh giá của các thầy cô thí sinh thường hay mắc lỗi khi đọc đề. Theo lời khuyên của những nhà giáo lâu năm thì để hạn chế lỗi này, ngoài yếu tố ổn định tâm lý, thí sinh cần cẩn trọng đọc đề ít nhất 2 lần. Lần đầu tiên đọc lướt để đánh dấu những phần câu hỏi có thể làm nhanh để triển khai trước. Kế tiếp đọc lại câu hỏi gạch chân những phần trọng điểm, những yêu cầu của đề…

Loại trừ sai sót với môn thi trắc nghiệm

Kì thi tốt nghiệp THPT năm nay có 3 môn thi theo hình thức đề thi trắc nghiệm. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã khuyến cáo, nhắc nhở rất nhiều lần nhưng tình trạng mắc lỗi môn thi trắc nghiệm của thí sinh vẫn khá phổ biến. Hầu hết các lỗi đó là tô số báo danh sai, ghi mã đề sai, làm cả hai phần tự chọn.

Theo lãnh đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng- Bộ GD-ĐT, ngoài lỗi làm cả hai phần tự chọn thì thí sinh đành phải chấp nhận chỉ được chấm điểm phần chung, còn phần riêng sẽ không có điểm thì các lỗi còn lại hoàn toàn có thể kiểm rò lại được khi thí sinh làm đơn xin phúc khảo bài thi.

Tuy nhiên cái khó của vấn đề này là ở chỗ, không phải thí sinh nào cũng có thể làm đơn xin phúc khảo khi phát hiện ra những sai sót trên bởi lẽ theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2011, mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi nếu điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ 1,0 điểm trở lên.

“Thí sinh cần tập cách tô đậm các ô trả lời bằng bút chì, tô làm sao cho đủ độ đậm, vừa kín vòng tròn thật nhanh. Ngoài ra, cũng cần cẩn thận khi xóa tẩy các phương án trả lời sai, tẩy sạch mà không làm rách giấy. Khi tô, phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô, không gạch chân hoặc chỉ dùng ký hiệu đánh dấu. Khi làm đến câu trắc nghiệm nào thì thí sinh tô ngay ô tròn trả lời trên phiếu, ứng với câu trắc nghiệm đó. Không nên làm trên giấy nháp trước rồi mới tô sau, vì cách làm này sẽ khiến thí sinh dễ tô nhầm đáp án” - lãnh đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng khuyến cáo.

Đừng chủ quan với quy chế thi

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, không chỉ các quy định về vật dụng được phép mang vào phòng thi mà ngay cả khi làm bài thi nếu không để ý thí sinh có thể mắc lỗi bị đình chỉ hoặc hủy kết quả bài thi. Thực tế qua các kì thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh vẫn có tâm lý mang tài liệu vào phòng thi để đề phòng bất chắc. Các em cứ nghĩ không sử dụng thì chắc chẳng sao. Chính vì thế trước khi vào phòng thi thí sinh cần phải nắm rõ quy chế.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT thì những trường hợp bị đình chỉ, hủy kết quả bài thi bao gồm: Mang vào phòng thi tài liệu và các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi trong thời gian từ lúc bắt đầu phát đề thi đến hết giờ làm bài (đã hoặc chưa sử dụng); Sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong và ngoài phòng thi; Nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); Chuyển giấy nháp cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp của thí sinh khác; Cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau (do chép bài của nhau) bị giám khảo phát hiện.

Bên cạnh đó, thí sinh chỉ được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan đến việc làm bài thi. Cụ thể, bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử; Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam (đối với môn thi Địa lí) do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.

Nguyễn Hùng