Phản đối đánh đồng bằng đại học chính quy - tại chức nếu chưa kiểm soát được chất lượng

Đánh giá chương trình tại chức bị cắt xén, quản lý lỏng lẻo, đầu vào dễ dãi nhưng đầu ra lại có cùng một loại bằng với sinh viên chính quy khiến nhiều người không đồng tình với đề xuất trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục.

Chạy theo xu hướng quốc tế

Vụ trưởng Giáo dục Đại học Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, một thay đổi lớn trong dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học là "không phân biệt bằng đại học chính quy hay tại chức". Theo đó, tên loại hình đào tạo sẽ không được ghi trên bằng tốt nghiệp đại học như hiện nay. Ở điều 6 dự thảo luật, cách gọi hình thức đào tạo chính quy và tại chức (hệ vừa học vừa làm, giáo dục thường xuyên) được chuyển thành tập trung và không tập trung.

"Hai loại hình này chỉ khác nhau phương thức đào tạo, còn chuẩn về chương trình, giáo viên, chuẩn đầu ra và văn bằng tốt nghiệp sẽ giống nhau", bà Nguyễn Thị Kim Phụng nói. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, nhiều nước phát triển không phân biệt các loại văn bằng mà chú trọng vào quản lý để đảm bảo chất lượng.

PGS. TS Mạc Văn Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề chia sẻ, xu hướng thế giới từ lâu đã không ghi loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp đại học và chỉ ghi tốt nghiệp loại giỏi hay khá. “Việt Nam đang hội nhập nên việc đi theo xu hướng thế giới là phù hợp” - PGS.TS Mạc Văn Tiến.

Một số trường đại học tỏ ý ủng hộ việc không phân biệt tại chức và chính quy. Lý giải về việc này, đại diện ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, trường đã có không ít học viên hệ tại chức sau khi tốt nghiệp đã rất thành đạt.

Việc phân biệt chính quy và tại chức trên tấm bằng tốt nghiệp là bất công vì cùng là đào tạo đại học, chỉ khác nhau về đối tượng đào tạo. “Bằng cấp nào cũng có người giỏi và không giỏi. Nếu chỉ nhìn một chiều vào tấm bằng thì sẽ không đánh giá đúng người được tuyển dụng. Họ cần có cơ hội được đối xử, đánh giá công bằng, thể hiện đúng năng lực của mình thay vì bị loại ngay từ vòng “gửi xe” chỉ vì trên tấm bằng có chữ tại chức” – đại diện trường này lý giải.

Phản đối đánh đồng bằng đại học chính quy - tại chức nếu chưa kiểm soát được chất lượng - 1

Có học sinh không trúng tuyển ĐH chính quy thì chuyển sang học tại chức. (Ảnh minh họa)

Hệ luỵ lớn nếu lạm dụng văn bằng

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT - cho rằng, những lo lắng của người dân về việc “vàng thau lẫn lộn” trong việc cấp văn bằng là hoàn toàn có cơ sở. Bởi thực tế, chương trình đào tạo giữa chính quy và tại chức hiện nay nói là giống nhau chứ thực tế lại có nhiều sự khác biệt.

"Hệ chính quy đầu vào cao, học nghiêm túc hơn. Hệ tại chức chương trình học bị cắt xén, đánh giá lỏng lẻo hơn. Khi chúng ta chưa kiểm soát được chất lượng đào tạo thì chưa thể cấp một loại văn bằng” - TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.

PGS.TS Mạc Văn Tiến cũng đánh giá: “Không phân biệt hệ chính quy và tại chức sẽ kéo đến hệ lụy lớn, có khả năng dẫn tới lạm dụng bằng cấp. Những người không có đủ trình độ học chính quy thì chọn tại chức. Đang có sự du di, méo mó về bản chất đào tạo tại chức vốn là những người đã đi làm muốn có bằng đại học”

Ở Việt Nam, lâu nay, thực tế chất lượng đào tạo giữa chính quy và tại chức có sự khác nhau. Hệ chính quy đầu vào cao, học nghiêm túc hơn, còn hệ tại chức đôi khi chương trình học bị cắt xén và bị đánh giá lỏng lẻo hơn.

Vì vậy, việc đồng nhất 2 tấm bằng trong giai đoạn hiện nay thực sự cần cân nhắc kỹ lưỡng. “Chỉ khi nào ngành giáo dục thực sự siết chặt chất lượng đào tạo của bậc đại học, dù là học chính quy hay vừa học vừa làm, minh bạch hóa quá trình đạo tạo, kiểm soát chất lượng lúc đó bàn đến việc không phân biệt bằng tại chức và chính quy cũng chưa muộn” - PGS.TS Mạc Văn Tiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo PGS.TS Tiến, Việt Nam đang tiến tới thay đổi cách trả lương theo năng lực. Cùng với đó, chính sách tuyển dụng cũng thay đổi theo hướng đánh giá đúng năng lực thay vì chỉ căn cứ vào bằng cấp. Đến lúc đó, bằng cấp sẽ không có ý nghĩa nhiều.

Khi đó, việc bằng tại chức hay chính quy cũng không có sự khác biệt lớn về chất lượng mà chỉ có đối tượng khác nhau. Cùng với việc minh bạch hoá quá trình đào tạo, sẽ không ai phản đối việc cấp chung bằng chính quy và tại chức. Tuy nhiên, PGS.TS Mạc Văn Tiến cho rằng, đây cũng chỉ là kỳ vọng.

Theo Duy Anh

An Ninh Thủ Đô