Bạn đọc viết:

Phụ huynh không tiếc tiền đầu tư cho “dê vàng”

(Dân trí) - Cuộc chạy đua tuyển sinh vào lớp 10 của các em học sinh tuổi “dê vàng” (SN Quý Mùi 2003) đang đến gần. Cả phụ huynh lẫn học sinh đều thấy lo lắng. Có thể nói kì thi này căng thẳng và gay go không kém kì thi đại học, vì thế mà nhiều phụ huynh không tiếc tiền đầu tư cho con.

Tôi có một người bạn năm nay có con gái học lớp 9. Cháu ngoan và rất chăm học. Học kì 1 vừa qua, cháu đạt học sinh giỏi và đứng tốp 3 của lớp. Gia đình bạn tôi rất tự hào về cháu. Tối qua bạn điện cho tôi rồi than vãn chuyện học hành của cháu. Tưởng cháu có chuyện gì nên tôi rất lo lắng cho bạn.

Sau một hồi hàn huyên, bạn bảo rằng lúc này mình đang bị tress vì lo lắng cho con gái yêu. Cả ngày hết công việc cơ quan rồi chở con đi học suốt. Nào là học ở trường, học thêm ở nhà riêng của thầy, rồi lại đến trung tâm luyện thi... Tối nào cũng gần 9h đêm mẹ con mới về đến nhà. Hai vợ chồng không tiếc tiền để đầu tư cho con gái. Năm nay nghe tin lượng thí sinh tuổi “dê vàng” tăng đột biến càng làm cho bạn tôi thêm lo lắng. Bạn rất sợ con gái không đậu trường chuyên. Vì vậy mà ngày nào bạn cũng tạo áp lực căng thẳng cho con gái.

Chị Trần Lê Anh, nhà ở phường 2, thành phố Tây Ninh thì tâm sự: Năm nay con gái chị thi tuyển 10. Mặc dù gia đình chị không khá giả, nhưng vì tương lai của con, chị nhịn ăn, nhịn mặc để đầu tư cho con. Từ đầu năm tiền học thêm ở nhà cô đã đóng rất nhiều. Hôm rồi, nghe con gái xin tiền tới trung tâm luyện thi 3 môn Văn, Toán, Anh để chuyển bị cho kì thi tới, chị cũng bấm bụng chi ra. Chiều nào đón con về, chị cũng ghé quán ăn tạm rồi lại chở con đi học thêm. Chị chỉ mong con có một suất trường công uy tín. Hai vợ chồng chị quyết tâm đầu tư cho con với mong muốn sau này con có một tương lai tươi sáng.

Hiện nay rất nhiều phụ huynh không tiếc tiền để đầu tư cho con chuyện học hành. Họ có thể tiết kiệm trong chi tiêu nhưng không tiếc tiền đầu tư cho tương lai của con. Nhiều người Việt thường quan niệm: đầu tư cho giáo dục là đầu tư đúng đắn nhất. Họ luôn mong muốn sau này con mình sẽ có một tương lai tươi sáng.

Ngoài ra, tâm lí hơn thua cũng khiến nhiều phụ huynh chạy đua việc đầu tư cho con. Nhiều bậc phụ huynh chỉ biết "nhồi" kiến thức cho con thật nhiều. Lúc nào họ cũng nghĩ con phải học như thế mới tốt. Nhiều em vì học thêm nhiều quá mà khi đến lớp luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải, thụ động trong việc tiếp thu kiến thức. Nhiều em còn bị trầm cảm, tự kỉ, nhốt mình trong nhà không dám đi đâu.

Là giáo viên, bản thân tôi nhận thấy, việc đầu tư cho con học hành là chuyện rất tốt. Tuy nhiên, cha mẹ cần cân nhắc việc học hành của con em sao cho hiệu quả. Làm sao để các em thật sự thoải mái trong chuyện học hành.

Thực ra, kì thi tuyển sinh 10, đề thi năm nào cũng phù hợp với sức học của học sinh. Với học sinh trung bình khá là có thể làm bài đạt 50% điểm trở lên. Các câu hỏi hầu hết tập trung trong chương trình đã học. Chính vì vậy phụ huynh cũng không cần quá lo lắng và gây áp lực cho con. Chỉ cần các em học kĩ kiến thức trong sách giáo khoa là đủ. Khi các em chọn trường cha mẹ cũng không nên can thiệp nhiều quá vào chuyện này. Rất nhiều em vì căng thẳng quá mà khi thi kết quả lại không như ý.

Tâm lý mong muốn con là "thần đồng", rồi hơn thua nhau giữa các bậc phụ huynh đang trở thành mảnh đất "màu mỡ, béo bở" để các trung tâm luyện thi tràn lan trong xã hội... Cha mẹ có thể nhịn ăn, nhịn mặc, nhưng tiền đầu tư cho việc học của con thì không thể là không có. Vì thế mà không ít phụ huynh "ngã ngửa" khi biết kết quả thi của con. Tới lúc đó ân hận thì cũng đã muộn mất rồi. Bao công sức và tiền của đổ ra nhưng kết quả có khi lại không như mong muốn.

Kì thi tuyển sinh 10 của các em đang đến rất gần. Mong rằng các bậc phụ huynh luôn sáng suốt để đồng hành cùng con, không nên quá tạo áp lực cho con.

Loát Trần

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!