Sĩ tử “đột kích” sờ đầu “cụ” rùa ở Văn Miếu

(Dân trí) - Mặc dù đã có những lời cảnh báo và nhắc nhở nhưng không ít sĩ tử “đột kích” sờ đầu “cụ” rùa".

Mặc dù sáng nay 1/6, thí sinh phải đến các hội đồng thi tốt nghiệp THPT để làm thủ tục dự thi. Tuy nhiên mới chỉ gần 9h sáng, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã rất đông học sinh và phụ huynh đến lễ. Trong số này có Phương Hoa và Lan Hương, học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng đã đến và cặm cụi đi... sờ hết tất cả 82 đầu rùa tại đây để cầu may.
 
Sĩ tử “đột kích” sờ đầu “cụ” rùa ở Văn Miếu  - 1

Mặc dù phải làm thủ tục dự thi nhưng nhiều thí sinh vẫn đến Văn Miếu từ rất sớm.

“Khi tập trung ở trường xong là em đến ngay Văn Miếu để cầu “ông rùa” phù hộ ngày mai làm bài cho tốt. Chúng em ôn khối C để thi đại học nên rất sợ môn Toán và Vật Lý” - hai bạn chia sẻ. Nối gót Phương Hoa và Lan Hương là nhiều tốp nữ sinh lớp 12 của các trường THPT khác cũng đang đi cặm cụi xoa đầu các cụ rùa.

Khác với những năm trước, năm nay các “cụ rùa” ở Văn Miếu được bảo vệ kỹ càng hơn. Ở các khu đều căng dây cùng với lời cảnh báo “không được vào khu vực này”. Bên cạnh đó ở mỗi khu đều có nhân viên bảo vệ chặt chẽ với mục tiêu không có phép thí sinh sờ lên đầu các “cụ”. Mặc dù chuẩn bị chu đáo là thế nhưng trước những đối tượng chỉ đứng sau “quỷ và ma” này, lực lượng bảo vệ khu di tích đành phải lắc đầu chào thua.
 
Sĩ tử “đột kích” sờ đầu “cụ” rùa ở Văn Miếu  - 2

Mặc dù đã có những lời cảnh báo và nhắc nhở nhưng chỉ cần bảo vệ mất cảnh giác là sĩ tử "đột kích" sờ đầu "cụ rùa".
 
Sĩ tử “đột kích” sờ đầu “cụ” rùa ở Văn Miếu  - 3

Một tốp học sinh khoảng hơn 10 người thong dong tảo bộ ở gần khu các “cụ rùa” nhưng mắt lúc nào liếc ngang, liếc dọc và chỉ cần nhân viên bảo vệ mất tập trung là lập tức “tập kết” đổ xô vào sờ đầu “cụ rùa”. Khi chú bảo vệ chạy ra đến nơi thì nhóm học sinh này nhăn nhở chia sẻ: “Mai bọn cháu thi rồi, chú không cho cháu “sờ” nếu mà trượt cháu đến bắt đền đấy”.

Trung, học sinh Trường THPT Cầu Giấy, cho biết: “Đi Văn Miếu để cầu làm tốt những môn học thuộc” và theo khẳng định của Trung thì do môn học thuộc kiến thức rộng nên đành phải học tủ và “chỉ sờ đầu rùa thì mới linh”(!?).

Không chỉ kéo nhau sờ đầu rùa, mà sĩ tử còn tụ tập ở khu bái đường Văn Miếu để thắp hương cầu nguyện. Mặc dù đã được nhắc nhở trên loa đài là một khách chỉ được phép thắp một nén nhang và không được phép mang hương vào điện nhưng nhiều thí sinh vẫn cố tình “quên”.
 
Sĩ tử “đột kích” sờ đầu “cụ” rùa ở Văn Miếu  - 4

Thí sinh thắp hương cầu may ở Văn Miếu.
 
“Em nghe nói, mỗi nén nhang tượng trưng cho một môn thi. Muốn thi tốt thì phải thắp 6 nén nhang. Chính vì thế nói gì thì nói em cũng phải thắp đủ”, một học sinh Trường THPT Cầu Giấy chia sẻ.  Ngoài việc thắp hương các sĩ tử cũng tranh thủ lấy ngon tay ghi tên tượng trưng lên bảng vàng với hi vọng sẽ được gặp nhiều may mắn.
 
Sĩ tử “đột kích” sờ đầu “cụ” rùa ở Văn Miếu  - 5

Ghi tên tượng trưng lên bảng vàng.

Ngoài học sinh đến cầu may, nhiều phụ huynh cũng đến chùa để cầu cho con. Chị Nguyễn Thị Hoa ở quận Ba Đình cho biết: “Tôi rất lo lắng vì lực học của con cũng chỉ ở mức trung bình. Nếu trượt THPT thì sẽ rất gay”

Không chịu nhiều áp lực vì cậu con cưng của mình học cũng thuộc dạng khá tốt nhưng chị Lê Thị Hương Giang ở quận Đống Đa vẫn có những lý do rất riêng khi đến thắp hương ở Văn Miếu: “Một phần cũng là duy tâm nhưng quan trọng hơn nó tạo cho con mình yếu tố tự tin khi làm bài”.
 
Sĩ tử “đột kích” sờ đầu “cụ” rùa ở Văn Miếu  - 6

Không chỉ thí sinh mà nhiều bậc phụ huynh cũng đến Văn Miếu thắp hương cầu may mắn cho con.

“Năm trước mình cũng có cô con gái tham dự kì thi tốt nghiệp, biết con sẽ đỗ nhưng vẫn đến Văn Miếu. Với tâm lý là sẽ được phù hộ nên cháu làm bài rất tốt và sau đó cháu đã đỗ ĐH. Năm nay mình cũng hi vọng với việc đi Văn Miếu đứa thứ 2 cũng sẽ tự tin như cô chị” - chị Giang chia sẻ.

Ngày mai, học sinh bắt đầu thi môn đầu tiên là môn Văn. Tâm trạng của phần lớn học sinh đến thời điểm này vẫn là khá lo lắng. Phương Thu, học sinh lớp 12 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng tâm sự: “Nhìn các bạn cùng lớp đua nhau đi cầu “thần” rùa, em chẳng thể nào thấy yên lòng! Không biết đến bao giờ những kỳ thi như thế này mới hết căng thẳng?”.

Nguyễn Hùng