Sinh viên tình nguyện bị nghi là… lừa đảo

(Dân trí) - Thấy phụ huynh và thí sinh xuống xe, Thủy tiến đến để giới thiệu mình là sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi. Cô nữ sinh sững người khi cả cha con thí sinh ôm đồ… bỏ chạy.

Đó là một trong những tình huống mà cô nữ sinh Trần Ngọc Phương Thủy (ĐH Sài Gòn) - đội đón tiếp thí sinh, phụ huynh tại bến xe miền Tây - sẽ không thể quên khi tham gia tiếp sức mùa thi.

 
Nhiệm vụ của Thủy là đón phụ huynh và thí sinh ngay khi họ xuống xe để chỉ dẫn. Là người đầu tiên “tiếp cận” với các bác và các em mới từ quê lên nên Thủy gặp không ít tính huống dở khóc dở cười. Nhiều em vẻ mặt ngơ ngác, tay lỉnh kỉnh đồ đạc rõ là thí sinh lên dự thi nhưng khi sinh viên tình nguyện lại đón liền chối đây đẩy: “Bọn em không phải đi thi” rồi… ôm đồ bỏ chạy.
 
Thủy nhớ nhất một lần, có bác phụ huynh vừa kéo tay con trai bỏ đi, vừa quay lại nói với Thủy: “Mẹ con tôi từ quê lên đi thi, chẳng có tiền bạc gì đâu” làm cô cũng hết hồn.
 
Sinh viên tình nguyện bị nghi là… lừa đảo   - 1
Khi làm nhiệm vụ chào đón thí sinh và phụ huynh, không ít sinh viên tình nguyện gặp cảnh "éo le": bị phụ huynh và thí sinh nghi là… lừa đảo.
 
“Lúc đầu bọn em cũng ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì. Sau thì phát hiện ra do mình mặc áo xanh tình nguyện, vẻ mặt tươi tắn, nhiệt tình nên các bác, các em cứ tưởng là nhân viên
tiếp thị hay lừa đảo gì đó”, Thủy nói.
 
Sau những lần như vậy, Thủy nhận ra rằng làm tình nguyện cũng cần nhiều kinh nghiệm. “Như công việc đón tiếp của mình, đôi lúc tự tin và ăn nói lưu loát quá lại làm các em sợ. Thế nên mình phải cố thể hiện chất sinh viên một cách tốt nhất để dễ tiếp cận các em”.
 

Trong đợt tiếp sức vừa rồi, bạn Nguyễn Văn Nu (ĐH Hồng Bàng) cũng có nhiều kỷ niệm khó quên. Tình cảm của các phụ huynh và thí sinh chính là động lực lớn nhất. Nu kể: "Bác Văn Công Đoàn (quê Đồng Tháp) trước khi về quê còn tìm đến đội tiếp sức gửi một tờ giấy ghi lời cảm ơn. Chúng em ai cũng xúc động, mấy bạn gái còn chảy nước mắt vì vui".

 
Nu nhắc lại kỷ niệm trong mùa tiếp sức năm ngoái mà đến giờ cậu vẫn nhớ: “Chúng em gặp một bà cụ khoảng 80 tuổi, quê ở Thanh Hóa bị lạc ở bến xe. Bà muốn về quê nhưng không có tiền, cũng chẳng biết đường. Cuối cùng cả đội góp tiền lại để mua vé xe cho cụ, rồi chở cụ ngược sang bến xe miền Đông chờ đến lúc cụ lên xe. Lúc lên xe cụ nói: “Các cháu tốt quá” nên bạn nào cũng vui”.
 
Nói về nửa tháng trực tiếp tham gia vào đội tiếp sức mùa thi của trường, bạn Nguyễn Hồng Chi (ĐH Mở) có hàng tá chuyện để kể.
 
Chi nhớ có một em thí sinh trước khi vào phòng thi môn đầu tiên cứ loay hoay trước bàn làm việc của đội tiếp sức. Sinh viên tình nguyện hỏi, cậu chỉ lắc đầu. Khi Chi đang đứng trước cổng trường để hướng dẫn phụ huynh quay đầu xe để tránh kẹt đường thì đột nhiên cậu ấy đến gần, chìa chiếc điện thoại ra và nói: “Em lên thi một mình, chị giữ điện thoại giùm em được không?”. Chi gật đầu nhận giữ hộ điện thoại dù cũng có chút ngỡ ngàng không hiểu sao thí sinh này lại gửi mình.
 
“Đến các môn thi tiếp đó, em ấy lại tìm mình để gửi điện thoại. Buổi thi cuối, em ấy tiết lộ rằng đã quan sát cả đội tiếp sức nhưng thấy mặt mình là dễ nhớ nhất”. Chi bật cười thì cậu ta nói thêm: “Nhìn chị dễ thương và tốt bụng nữa. Hy vọng em thi đỗ vào trường và được gặp lại chị” làm cô nữ sinh thấy thật vui. “Chỉ tiếc mình lại không nhớ hỏi tên và địa chỉ của em ấy”.
 
Đứng ngoài đường để điều hành giao thông, Chi cùng các bạn trong đội gặp vô vàn tình huống “nhớ đời” khác: bị người đi đường quát mắng, bị xe quẹt. “Có cô đi ngược chiều bị mình chặn lại, yêu cầu quay xe thì cô ấy nổi xung, quát: “Oắt con lắm chuyện, đường nhà mày à?” làm mình cũng xanh mặt”, Chi kể.
 
Chi chia sẻ qua những lần cọ xát như vậy giúp cô biết cách xử lý trước nhiều tình huống bất ngờ: “Hè ở lại tham gia tiếp sức mùa thi, dù chỉ thời gian ngắn ngủi nhưng mình trưởng thành hơn rất nhiều”.
 
Sinh viên tình nguyện bị nghi là… lừa đảo   - 2
Sau một mùa thi, các bạn sinh viên tình nguyện lại “bỏ túi” thêm nhiều kỷ niệm cũng như kinh nghiệm sống.
 
Cũng như Thủy, Nu, Chi,… mỗi bạn sinh viên tham gia tiếp sức mùa thi đều có những kỷ niệm khó quên của riêng mình. Không chỉ chia sẻ công sức, nhiệt huyết của mình cho một mùa an toàn, đảm bảo, họ còn “bội thu” về những kỷ niệm đời sinh viên cũng như những kinh nghiệm sống cho bản thân.
 
Trong mùa thi năm nay, từ 5/6 - 16/7, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM đã tư vấn, hỗ trợ cho 251.341 thí sinh và phụ huynh.
 

Trung tâm vận động được 36.000 chỗ trọ trong 3 đợt thi, trong đó có hơn 7.000 chỗ miễn phí. Ngoài ra, Trung tâm còn vận động được 25.000 vé xe buýt, 260.000 bản đồ, 250.000 cẩm nang và 110.000 suất cơm cho thí sinh, phụ huynh và sinh viên tình nguyện.

 

 
Bài và ảnh: Hoài Nam