Tâm sự trước giờ G của sĩ tử thi ngành nghệ thuật

Trong khi bạn bè cùng trang lứa đang miệt mài với những môn thi Toán, Văn, Anh, Địa, Sử thì những thí sinh khối thi năng khiếu lại có những cách ôn thi hoàn toàn khác. Cùng xem các bạn ấy chia sẻ thế nào trước kỳ thi nhé!

Sĩ tử khối H: “Muốn vẽ đẹp phải giỏi cả những môn văn hóa nữa!”

 

Đó là quan điểm của Ngô Đức Hiếu (THPT Thăng Long – Hà Nội), dự định sẽ thi khối H ngành Thiết kế đồ họa thuộc trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Theo Hiếu, nếu hiểu về sĩ tử thi những môn năng khiếu là những người trẻ “học kém văn hóa nên mới chuyển hướng thi những môn “chân tay” “ là quan niệm hoàn toàn sai lầm.

 

Yêu thích hội hoạ, Đức Hiếu mong muốn theo đuổi ngành đồ hoạ trong tương lai.
Yêu thích hội hoạ, Đức Hiếu mong muốn theo đuổi ngành đồ hoạ trong tương lai.

 

Nguyên nhân là bởi mỗi khối thi, mỗi môn học đều có đặc thù ngành học khác biệt, nhất là những môn thi thuộc khối thi “năng khiếu”, đúng như cái tên của nó – yêu cầu sĩ tử bước đầu nhất định cần có năng khiếu và niềm đam mê dành cho ngành học mà mình dự định theo đuổi.

 

Tuy nhiên chỉ năng khiếu và đam mê thôi là chưa đủ. Như môn hình họa chì, ngoài vẽ mẫu theo yêu cầu, thí sinh cần nắm chắc kiến thức về hình học, giải phẫu, sinh học.

 

Ngoài ra, để cảm thụ hết những nét đẹp hội họa trong cả môn thi hình họa chì và vẽ trang trí màu, thí sinh cần có hiểu biết sâu rộng về những bộ môn như văn học, lịch sử hay địa lý để ứng dụng vào từng đề bài thực tiễn.

 

Bởi vậy ngoài học những môn thi cho ngành năng khiếu của mình, Hiếu luôn cố gắng bổ trợ kiến thức cho cả những môn học yêu thích khác để có tâm thế tự tin bước vào kỳ thi.

 

Một bức vẽ của Hiếu trong giờ giải lao trên lớp.
Một bức vẽ của Hiếu trong giờ giải lao trên lớp.

 

Khác với những sĩ tử thi ngành thi A,B,C,D, dụng cụ học của sĩ tử thi khối mỹ thuật là giấy khổ lớn, chì đen và màu bột. “Bởi vậy đôi khi đồ đạc mang theo khi đi học thêm cũng khá lỉnh kỉnh. Có lần vì ôm cuộn giấy vẽ to quá mà đi đường mình bị các chú cơ động gọi lại kiểm tra, may mà cuối cùng thấy đó chỉ là cuộn giấy A0, họ mới cười rồi cho đi.”

 

Sĩ tử chạy 3.000m mỗi ngày ôn luyện khối T

 

Một trong những khối thi không chỉ đòi hỏi trí tuệ mà còn có yêu cầu thí sinh phải có thể lực tốt, đó chính là khối T, bởi ngoài môn Sinh, Toán với đề thi khối B ra, thí sinh còn phải thi môn năng khiếu thể dục thể thao hệ số nhân đôi.

 

Là một trong những thí sinh thi khối T, chuyên ngành quản lí thể thao – trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn – Bắc Ninh, Dương Hùng Anh tâm sự: “ Mình đã là 1 vận động viên chuyên nghiệp, do gia đình có truyền thống về nghệ thuật và thể thao, nên có cơ hội tiếp xúc với ngành học từ nhỏ, tuy nhiên trước kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời, mình vẫn không khỏi bỡ ngỡ”.
 
Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi trên đường chạy của Hùng Anh.
Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi trên đường chạy của Hùng Anh.

 

Hàng ngày, lịch tập luyện của Hùng Anh khá kín và đều đặn. Buổi sáng của bạn bắt đầu từ 6h  đến 9h với những nội dung như khởi động, chạy biến tốc 10 vòng 200m, chiều tiếp tục chạy thả lỏng 10 vòng hoặc chạy biến tốc 10 vòng 100m.

 

Vào những ngày giữa tuần, thầy hướng dẫn sẽ yêu cầu bạn chạy tốc độ 3 vòng 400m trong buổi sáng hoặc buổi chiều để giữ sức và coi đó như một bài kiểm tra ngắn mỗi tuần – nếu sáng tập rồi thì chiều thả lòng và ngược lại, sáng thả lòng thì chiều chạy.

 

Khẩu phần ăn của những vận động viên theo ngành thể thao cũng vì vậy mà khác biệt với người bình thường. Thay vì một bữa ăn có cơm, rau, thịt, cá, khẩu phần ăn chủ yếu của những sĩ tử theo ngành học này là những món ăn chứa nhiều năng lượng như thịt bò.

 

Vì phải tập luyện căng thẳng cho môn thi năng khiếu nhân đôi và đồng thời đi thi đấu khắp nơi nên việc sắp xếp thời gian dành cho việc học hai môn văn hóa còn lại là Toán, Sinh với những bạn trẻ thi khối T như Hùng Anh rất khó khăn.

 

Tuy nhiên Hùng Anh vẫn rất tự tin: “Vì được gia đình tin tưởng và ủng hộ, lại tự mình quyết định thi một khối hoàn toàn khác biệt với bạn bè cùng trường lớp, nên mình sẽ nỗ lực hết sức để khẳng định bản thân.”

 

Đi làm ban ngày, tập kịch ban đêm để theo đuổi ước mơ đỗ khối S

 

Lê Tiến Dũng (THPT Sóc Sơn) theo đuổi ước mơ trở thành diễn viên kịch – điện ảnh, bởi lý do đó bạn chọn thi khối S thuộc Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Ngoài một môn văn hóa – môn Văn, thì các bạn còn phải thi hai môn năng khiếu khác. Vốn coi việc đi thi “như đi chơi” và “mỗi ngày đi ôn là một ngày vui” nên quá trình ôn thi của Dũng hoàn toàn thoải mái và vui vẻ.
 
Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi trên đường chạy của Hùng Anh.
Tiến Dũng tự tin với nụ cười toả nắng cùng châm ngôn sống: “Sân khấu là đam mê. Còn được diễn là còn tồn tại.”

 

Điểm khác biệt của khối S so với những khối thi khác, đó là ở khối thi này, thí sinh được biết trước đề và yêu cầu diễn xuất trong vòng sơ loại, bởi vậy chỉ cần có khiếu diễn xuất, có căn bản và tự tin thì khi vào phòng thi, thì thí sinh sẽ có thể thể hiện hết mình trước mặt ban giám khảo.

 

Khi được hỏi về lý do chọn ngành học này, Dũng trả lời: “Tất cả chỉ vì đam mê”. Tuổi trẻ và đam mê đã đưa chàng trai đến với quyết định chọn lối đi riêng cho mình, mặc cho bị phụ huynh phản đối kịch liệt. Để có tiền theo học lớp diễn xuất, Dũng đã phải tự kiếm tiền bằng việc tham gia đóng tiểu phẩm, phim ngắn… và cả bán quần áo nữa.

 

Một ngày ngoài học trên lớp, quay phim và làm thêm kiếm thu nhập, lịch tập luyện, diễn xuất của Dũng được sắp xếp vào ban đêm để tiết kiệm thời gian và tránh sự phản đối của gia đình.

 

Dũng tâm sự: “Tuổi trẻ cho phép con người ta theo đuổi ước mơ. Mặc dù bố mẹ phản đối và bắt mình đăng ký vào Đại học Kinh doanh công nghệ nhưng đến trước ngày thi, mình đã bỏ thi vì chỉ muốn dồn sức cho một ngôi trường mình đã đặt nhiều quyết tâm và hi vọng”. Hiện Dũng đang tham gia vai phụ thứ trong bộ phim “Dương cầm xanh” và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của bạn bè.

 

Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi trên đường chạy của Hùng Anh.
Dũng cho rằng việc thần tượng riêng lẻ một diễn viên nào đó có thể khiến ta dễ đi vào lối mòn, bởi vậy Dũng yêu thích rất nhiều nghệ sỹ ưu tú và mong muốn học tập cách biểu cảm khuôn mặt của họ sao cho đa dạng, phong phú.

 

Theo kinh nghiệm của nhiều giảng viên và sinh viên khối ngành nghệ thuật, việc học ôn và thi những môn năng khiếu nói chung không giống như học và thi văn hóa – bằng cách học thuộc công thức, áp dụng, làm thật nhiều để quen dạng bài thì ít nhiều sẽ giải được bài.

 

Học nghệ thuật phải hiểu sâu, có kiến thức nền và kiến thức nâng cao mới có thể đáp ứng được yêu cầu của môn học. Bởi thế, nếu đã nắm được vấn đề, việc tập luyện quá nhiều trước kỳ thi trở nên không cần thiết, bởi theo quy luật về “Điểm rơi phong độ” thì việc dồn sức luyện tập trước kỳ thi có thể dẫn đến việc “canh” nhầm thời điểm “đạt đỉnh cao phong độ” trong quá trình học tập của mỗi người, dẫn đến “Học tài thi phận”, kết quả thi cuối kỳ không như mong muốn, chưa nói đến nguy cơ “mất cảm giác” với bút vẽ, hay diễn “khớp”, “biết trước”, “thuộc kịch” trước khi lên sân khấu cho màn trình diện cuối cùng. Giữ sức khỏe, tâm lý thoải mái là lời khuyên cho mọi thí sinh trước khi bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời.

 

Bên cạnh 4 khối thông thường là A, B, C, D còn có 7 khối thi khác được gọi là khối thi đặc biệt gồm: V, T, M, N, H, R, K. Các môn thi của các khối này cũng rất khác so với khối thi thông thường.

 

Cụ thể:

 

Khối V: Toán, lý (đề thi khối A), vẽ mỹ thuật (nhân hệ số 2).

 

Khối T: Sinh, toán (đề thi khối B), năng khiếu thể dục thể thao (nhân hệ số 2).

 

Khối M: Văn, toán (đề thi khối D), năng khiếu (nhân hệ số 1, thi môn hát, kể chuyện, đọc diễn cảm).

 

Khối N: Văn (đề thi khối C, 2 môn năng khiếu nhạc (nhân hệ số 2, thi môn thẩm âm, tiết tấu, thanh nhạc).

 

Khối H: Văn (đề thi khối C), năng khiếu – mỹ thuật (nhân hệ số 2, thi môn hình hoạ chì, vẽ trang trí màu).

 

Khối R: Văn, sử (đề thi khối C), năng khiếu (nhân hệ số 2).

 

Khối K: Toán, lý, môn kỹ thuật nghề.

 

Hầu hết, các khối thi đặc biệt đều có môn nhân hệ số 2 (trừ khối K, M) nên điểm chuẩn đầu vào của những khối này thường cao vọt hơn hẳn điểm chuẩn của các khối thông thường.

 

Theo Anh Thư

Hoa học trò