Thanh Hóa: Giải thể, sáp nhập hàng loạt trường THPT

(Dân trí) - Đề án sắp xếp các trường trung học phổ thông (THPT) công lập hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh này thông qua. Theo đó, sẽ có nhiều đơn vị trường học được giải thể, sáp nhập với các đơn vị khác nhằm góp phần tiết kiệm cơ sở vật chất, nhân lực và nâng cao chất lượng giáo dục.

Thanh Hóa hiện có 101 trường THPT, những năm gần đây, nhu cầu học THPT có xu hướng giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu là quy mô dân số giảm và thực hiện phân luồng học sinh sau THCS.

Cụ thể, một số trường THPT có quy mô nhỏ; nhiều trường THPT có nguồn gốc bán công được chuyển sang công lập có vị trí quá gần với một trường THPT khác trên cùng địa bàn nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh...

Trường THPT Tô Hiến Thành được quy hoạch sang vị trí mới
Trường THPT Tô Hiến Thành được quy hoạch sang vị trí mới

Quy mô số trường học không đủ lớn để bố trí cán bộ, giáo viên dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ, chất lượng giáo dục thấp, công tác tuyển sinh khó khăn gây lãng phí cơ sở vật được đầu tư và hiệu quả giáo dục thấp; khó khăn trong công tác xã hội hóa giáo dục đối với việc khuyến khích phát triển các trường THPT tư thục chất lượng cao.

Trên cơ sở rà soát thực tế hiện nay về số học sinh các cấp tại các địa phương, theo dự báo nhu cầu số lượng trường THPT của các huyện, thị xã, thành phố đến năm 2025 có 118.104 học sinh THPT; số lớp 2.812 và số trường THPT là 88 trường so với năm học 2017 - 2018.

Việc sắp xếp được thực hiện theo nguyên tắc mỗi huyện có ít nhất 1 trường THPT. Giải thể các trường THPT có quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục thấp, hoặc có vị trí không phù hợp để sáp nhập hoặc bố trí, sắp xếp vào các trường THPT khác trên cùng địa bàn.

Trường THPT trên địa bàn các huyện miền núi có quy hoạch phù hợp, nhưng quy mô nhỏ thì ghép thêm trường THCS trên cùng địa bàn xã thành trường phổ thông có nhiều cấp học.

Việc sắp xếp thực hiện theo tiêu chí, trường có chất lượng giáo dục thấp so với các trường THPT trên cùng địa bàn huyện; trường có quy mô sổ lớp từ hạng 3 trở xuống...

Theo đó, có 2 trường được ghép thêm cấp THCS vào trường THPT ở huyện miền núi; 1 trường giải thể và sáp nhập vào trường THPT khác; 12 trường giải thể và bố trí, sắp xếp vào các trường THPT khác trên cùng địa bàn...

Đối với các trường THPT thuộc diện giải thể, sáp nhập với các trường THPT khác, thì số cán bộ quản lý, giáo viên chuyển vào trường mớị được sáp nhập thêm số lớp, đảm bảo đúng số lượng định mức biên chế theo quy định. Trường hợp dôi dư so với định mức biên chế thì thực hiện điều chuyển theo quy định.

Chuyển toàn bộ số lớp, số học sinh của trường giải thể vào trường THPT công lập được sáp nhập hoặc ghép; cho phép học sinh THPT được chuyển đến các trường khác trên cùng địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập. Chuyển toàn bộ số lớp, số học sinh của trường THCS ghép vào trường THPT...

Việc sắp xếp các trường THPT thực hiện trong 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020. Trong đó, năm học 2018-2019 sẽ sắp xếp 9 trường, trong đó có 2 trường THCS và 7 trường THPT; năm học 2019-2020 sắp xếp 8 trường THPT còn lại.

Trường THPT Dương Đình Nghệ được giải thể và sắp xếp vào các trường THPT trên địa bàn huyện Thiệu Hóa
Trường THPT Dương Đình Nghệ được giải thể và sắp xếp vào các trường THPT trên địa bàn huyện Thiệu Hóa

Việc sắp xếp lại hệ thống trường THPT sẽ tiết kiệm một phần kinh phí ngân sách do giảm các chi phí thường xuyên do giảm số lượng trường học và giảm số cán bộ quản lý và nhân viên, tạo điều kiện cho việc nâng cao tỷ lệ chi cho các hoạt động chuyên môn của các trường còn lại đảm bảo trên 10% tổng chi thường xuyên hàng năm và những năm sau...

Mạng lưới trường học được sắp xếp hợp lý, đội ngũ giáo viên bố trí đầy đủ, đúng cơ cấu và đảm bảo chất lượng sẽ có tác động mạnh đến việc nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo nhu cầu được hưởng thụ nền giáo dục hiện đại và chất lượng: Học sinh được học ở những ngôi trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, có đội ngũ thầy cô giáo có trình độ chuyên môn vững vàng, được phát triển một cách toàn diện về tất cả các mặt Đức-Trí-Thể -Mỹ.

Học sinh đến trường thuận lợi hơn do khoảng cách đến trường ngắn vừa đảm bảo nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm chi phí; số lượng học sinh phải đi học trọ giảm thiểu các hệ lụy kèm theo khi học sinh phải xa sự giáo dục và chăm sóc của gia đình và địa phương.

Duy Tuyên