Thanh Hóa: Hơn 15.000 chỉ tiêu đào tạo nghề cho các trường

(Dân trí) - Tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề cho các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề công lập trên địa bàn tỉnh năm 2016. Năm 2016, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 16 trường Cao đẳng và Trung cấp nghề công lập thuộc các cấp quản lý được phân bổ hơn 15.000 chỉ tiêu đào tạo nghề.

Theo đó, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề cho các trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2016 là 15.290 người. Trong đó Cao đẳng là 900 người; đối với bậc Trung cấp, tốt nghiệp THCS là 2.830 người, tốt nghiệp THPT 1.770 người; Sơ cấp là 9.790 người.

Trường Trung cấp nghề Số 1 thành phố Thanh Hóa
Trường Trung cấp nghề Số 1 thành phố Thanh Hóa

Cụ thể, có 10 trường bậc Cao đẳng và Trung cấp nghề thuộc cấp tỉnh quản lý được giao 11.280 chỉ tiêu, gồm các trường: Cao đẳng nghề Công nghiệp 1.700 người, Cao đẳng nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.000, Cao đẳng nghề Nghi Sơn 800, Trung cấp nghề Thanh thiếu niên đặc biệt khó khăn 460, Trung cấp nghề Miền núi 650, Trung cấp nghề Xây dựng 850; Trung cấp nghề Giao thông vận tải 4.320, Trung cấp nghề Thương mại Du lịch 600, Trung cấp nghề Kỹ nghệ 550 và Trung cấp nghề Phát thanh truyền hình 350 người.

Đối với các trường thuộc cấp huyện quản lý là 4.010 chỉ tiêu, gồm: Trung cấp nghề Số 1 thành phố Thanh Hóa 800 người, Trung cấp nghề Bỉm Sơn 500, Trung cấp nghề Quảng Xương 215, Trung cấp nghề Thạch Thành 1.090, Trung cấp nghề Yên Định 360 và Trung cấp nghề Nga Sơn 1.045 người.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan, giải quyết các thủ tục và hướng dẫn các trường triển khai thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.

Căn cứ nêu trên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chịu trách nhiệm tuyển sinh đúng đối tượng, đúng chỉ tiêu, đảm bảo việc tuyển sinh và đào tạo chất lượng, hiệu quả theo đúng quy định của Nhà nước.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề trên địa bàn tỉnh, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, nội dung chương trình và các điều kiện khác như: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy nghề. Đồng thời, xử lý những sai phạm (nếu có) theo thẩm quyền, báo cáo kết quả thực hiện về Chủ tịch UBND tỉnh.

Duy Tuyên