Thí sinh liệt 2 chân được đặc cách vào Học viện Công nghệ BCVT

(Dân trí) - Sáng 3/7, hàng trăm thí sinh dự thi vào Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông ngỡ ngàng và thán phục một thí sinh liệt 2 chân, ngồi trên xe lăn được bố mẹ và người thân đẩy xe vào làm thủ tục dự thi.

Đó là thí sinh Phạm Vũ Hoàng, học sinh Trường THPT Đoàn Thượng, Gia Lộc, Hải Dương.
 
Thí sinh liệt 2 chân được đặc cách vào Học viện Công nghệ BCVT - 1
Phạm Vũ Hoàng và chiếc xe lăn trong phòng thi.
 
Đặc cách vào học lớp 5

Không một chút buồn rầu mặc cảm, Hoàng rất tự tin khi trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt sáng của em luôn lấp lánh nụ cười rạng rỡ khi em nói về ước mơ, hoài bão trở thành sinh viên đại học của mình. Nhưng mẹ Hoàng, chị Nguyễn Thị Thịnh thì lại ngậm ngùi, một chút gì đó hồi hộp xen lẫn lo âu, một chút gì đó hạnh phúc nhưng lại có một chút gì đó tủi thân thương con nên khi kể về Hoàng, đôi mắt của chị cứ chực trào nước mắt.

Chị tâm sự, Hoàng là đứa trẻ thiếu may mắn, năm em được đầy một tuổi thì bị ngã từ trên hè xuống sân. Lúc đầu gia đình cứ nghĩ em chỉ ngã bình thường vì chỉ bị xây xước nhẹ ở phần da đầu. Sau đó Hoàng bỏ bú ba ngày, thấy vậy vợ chồng tôi đưa Hoàng đi viện. Nỗi bất hạnh ập đến với Hoàng quá sớm, không cho em được trở thành đứa trẻ bình thường vì ngay sau đó, đôi chân em cử động yếu dần và sau đó một thời gian, Hoàng đã bị liệt.
 
Thí sinh liệt 2 chân được đặc cách vào Học viện Công nghệ BCVT - 2
Mẹ luôn sát cánh cùng Hoàng.

Khi đó vì quá thương con mà chị Thịnh người gầy rộc, chỉ còn 39kg. Nỗi buồn vơi dần thì cũng là lúc nỗi vất vả, sự lo toan của vợ chồng chị lại đầy lên vì Hoàng lớn dần, em cần phải đi học, phải có trường lớp, có bạn bè. Lúc Hoàng còn nhỏ, Hoàng chưa được đến trường, em phải ở nhà tự học, bố mẹ vì bận bịu vất vả nên chỉ dạy cho em biết mặt chữ. Đến năm 2004, thấy Hoàng cứ tha thiết muốn được đến trường. Thương con chị Thịnh, đã mạnh dạn xin cho con vào học dự thính lớp 5 ở trường tiểu học Công Minh.

Hoàng càng học càng sáng dạ, thông minh, học đâu hiểu đó, cho nên trước kỳ thi tốt nghiệp tiểu học vài ngày, cô hiệu trưởng thấy Hoàng học quá khá, đã lên Sở GD- ĐT xin cho Hoàng được thi tốt nghiệp tiểu học. Từ đó, Hoàng đã trở thành học sinh chính thức của trường.

Sẽ được đặc cách vào đại học

Lên cấp hai, Hoàng liên tục đạt học sinh giỏi. Hoàng học giỏi đồng đều các môn, nhất là các môn Toán, Lý, Hóa. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, các thầy cô giáo không ai ngạc nhiên khi Hoàng được 10 điểm toán và 9,5 điểm lý.

Tâm sự với phóng viên, Hoàng cho biết: “Ước mơ của em được làm trong ngành Công nghệ thông tin do vậy em đăng ký dự thi vào Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông”.
 
Mong biến ước mơ của con thành sự thật, đến ngày dự thi đại học, 4 người trong gia đình Hoàng đã hộ tống em lên thi đại học vì việc di chuyển đi lại của Hoàng khá vất vả.
 
Trong buổi làm thủ tục dự thi, gia đình Hoàng đã phải nhờ tới 2 sinh viên tình nguyện giúp sức khiêng Hoàng cùng chiếc xe lăn từ tầng 1 lên tầng 3 để vào phòng thi.
 
 
Thí sinh liệt 2 chân được đặc cách vào Học viện Công nghệ BCVT - 3
Sinh viên tình nguyện Học viện Công nghệ BCVT giúp Hoàng lên phòng thi.
 
Một bất ngờ lớn đối với Hoàng và gia đình. Trong buổi làm thủ tục dự thi sáng 3/7, thông tin từ nhà trường với trường hợp khuyết tật của Hoàng chiếu theo quy chế mới mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, em sẽ được đặc cách vào đại học. Vậy là niềm mong ước trở thành sinh viên ĐH trong Hoàng đã có thể thành hiện thực.
 
Vẫn đôi mắt sáng thông minh, vẫn nụ cười hóm hỉnh, Hoàng cho biết: “Dù được miễn thi đại học, nhưng em muốn được dự thi để một lần được cọ xát, biết được thực lực của mình. Nếu đỗ đại học, chắc em sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng em tin mình sẽ vượt qua vì sẽ có sự giúp sức của bạn bè”.
 
Trao đổi với Dân trí về trường hợp của Hoàng, PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho biết: “Học viện sẽ cho Hoàng thời gian khoảng một tuần từ khi thi, để em Hoàng hoàn thiện hồ sơ ưu tiên thí sinh khuyết tật theo đúng quy định mới của Bộ GD-ĐT. Sau đó nhà trường sẽ xem xét đặc cách cho em Hoàng và sẽ tư vấn cho em vào học ngành học phù hợp với bản thân”.
 
Điểm mới nhất trong mùa tuyển sinh năm nay mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành: Thí sinh là người khuyết tật không thể tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày: Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học.

Bài và ảnh: Hồng Hạnh