Thư viết trước ngày đi thi

(Dân trí) - Chiều nay con lên thăm đồng một mình để thư giãn sau những ngày vùi đầu vào sách vở “nhét chữ”, cánh đồng vừa gieo xong nhưng cái nắng hạn của miền Trung đã làm nên những vết nứt khô khốc.

Con biết thời tiết cứ thế này, nước không có thì đám mạ non sẽ cháy hết và người dân quê mình vụ sau sẽ đói kém vì mất mùa. Và con nghĩ đến ba mẹ, những người nông dân chân lấm tay bùn sẽ vét hết bồ lúa, bán thêm mấy con heo để gửi tiền vào cho chị hai đang theo học năm cuối đại học. 

Cách đây vài tháng, khi con ôn thi học kỳ và chuẩn bị tốt nghiệp, mẹ đã “dòm ngó” cặp heo trong 4 con heo của nhà mình, bảo với một bà hàng xóm: “Của thằng Tèo đấy, rồi đây cho chúng nó xuất chuồng làm kinh phí đi thi đại học”. Con ngồi trên nhà học bài nghe mẹ nói nghẹn ngào muốn ứa nước mắt. Từ lâu ngoài việc học hành chăm chỉ con chỉ phụ mẹ cắt rau cho heo, cắt cỏ cho trâu chứ chưa bao giờ quan tâm đến việc bán con trâu, con gà được mấy đồng. Thế mà khi nghe mẹ nói dành cặp heo đó cho con đi thi đại học, chợt nhận ra nhà mình chẳng còn thứ gì nữa để bán mà trang trải. Tháng trước chị hai chuẩn bị tốt nghiệp cần nhiều tiền để làm luận văn nên ba mẹ “cắn răng” bán con trâu cày để lo cho chị, phần còn lại để trả nợ hàng xóm bấy lâu vay mượn; tháng này lại tất tả lo thêm cho con để kỳ vọng một ngày con sẽ bước chân vào giảng đường đại học, để có cơ hội vươn ra khỏi lũy tre làng, không “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như ông bà và ba mẹ.

Hiểu hết nổi cực nhọc của ba mẹ, nhiều lúc con muốn nghỉ học để phụ ba mẹ một tay. Mỗi lần nhìn thấy thằng út mồ hôi nhễ nhải khi chở những bao cỏ vừa cắt ở trên Động về cho trâu ăn mà lòng con đau nhói. Những việc đó đáng ra con phải làm nhưng nay thằng út nghỉ hè rồi nên ba bảo nó làm thế để dành thì giờ con chú tâm vào việc học. Cũng như những người nông dân nghèo khó có con sắp bước vào ngưỡng cửa đại học, ba mẹ luôn nhắn nhủ: “Cố học cho tốt để thi đậu nghe con, dù bán nhà, bán ruộng cũng phải cho con học đến nơi đến chốn”.
 
Mấy hôm trước ông Đề, ông Luận qua nhà chơi, cả ba người bàn luận sẽ đưa con em mình lên thành phố thi đại học, nào là sợ chúng không ai chăm nom, sợ không ai đưa đón, sợ lạc đường… Cả trăm thứ sợ của những người nông dân quanh năm ở nương vườn chưa từng lên thành phố. Hôm đó câu nói hài hước của ông Đề đã làm con nhớ mãi: “Tụi bây không đậu đại học thì “chết” với tao, còn đậu rồi thì tao “chết” với bây”. Đó là câu nói đùa mà con nghe chua chát nhất khi mỗi năm quê mình nhiều anh chị đậu đại học mà gia đình chẳng còn gì bán hoặc không có ai cho vay mượn để lo cho con đi học. Thế rồi xoay xở cũng đủ cho con em mình đi. “Cứ đi học đi, ở nhà ăn gì cũng được, không sợ đói chỉ sợ thua kém cái chữ”. Đó là câu nói của các bậc phụ huynh ở quê mình động viên nhau mỗi khi có con vào đại học.

Con biết nhà mình cũng chẳng dư dả gì nhiều, năm nào cũng lấy lúa vụ này trả nợ vụ trước rồi lại mượn chờ vụ sau trả lại. Cứ thế, quanh năm luẩn quẩn cái vòng khắc nghiệt của nhà nông, thế mà sự hiếu học của quê mình thì chẳng mòn đi theo thúng lúa!  

Ba mẹ ơi! Chỉ còn vài ngày nữa là kỳ thi của con tới, con sẽ tự mình lên thành phố mà không cần có mẹ hoặc ba. Vì chỉ mình con thì chi phí đi lại sẽ ít hơn, sẽ bớt đi gánh nặng cơm áo nhọc nhằn trên đôi vai ba mẹ, cũng như bớt đi một nỗi lo lắng luôn đè nén trên vai con khi nghĩ về giọt mồ hôi trên trán mẹ hay sự mệt nhọc trong mỗi đường cày của ba; cũng như con không muốn ba mẹ phải thấp thỏm ngồi đợi ở vỉa hè chờ con bước ra phòng thi đầy vẻ lo lắng…

Yên Mã Sơn